Thứ 6, 19/04/2024 13:45:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:44, 21/02/2015 GMT+7

10 đức tính thời nào cũng không thể thiếu

Thứ 7, 21/02/2015 | 14:44:00 12,306 lượt xem

BP - Người xưa có câu rằng: “Nhân vô thập toàn”. Câu này có nghĩa là con người ta, dù ít hay nhiều đều có những phần chưa “trọn vẹn”. Và theo nghĩa chiết tự thì nhân là người; vô là không; thập là mười; toàn là toàn vẹn, hoàn thiện. Nên câu này có nghĩa là con người ta không có ai là hoàn thiện, hoàn mỹ, toàn vẹn. Và theo như học giả Văn Hèo trong sách “Tục ngữ lược giải” (tr160-161, Nhà xuất bản Văn học năm 1957) thì mục đích của cổ nhân trong việc lưu truyền câu nói này cho hậu thế là nhằm sửa chữa cho người ta đến chỗ hoàn thiện, chứ không cốt để cho người ta ngày một xấu thêm, ngày một thêm khuyết điểm.

Chính vì vậy, chúng ta không nên dựa vào câu này để tự tha thứ cho những lỗi lầm, những khuyết điểm của mình hay con cháu mình mắc phải. Mà trái lại, nên công nhận câu này là đúng để tự nhận rằng dù thông minh, tài trí đến đâu cũng chưa thể hoàn hảo, toàn vẹn được. Mỗi chúng ta vẫn còn phải luôn học hỏi, luôn sửa chữa những lỗi lầm, những khuyết điểm của mình và vẫn rất cần nghe những lời phê bình hay răn bảo của người khác. Và những ai đã từng đọc tác phẩm “Tây du ký” của tác giả Ngô Thừa Ân thì chắc hẳn không thể quên một trong những nhân vật nổi tiếng là Tôn Ngộ Không. Cũng chính nhân vật này đã góp phần vào việc ra đời của câu “Nhân vô thập toàn”. Đó là khi Tôn Ngộ Không phơi sách kinh cho khô và đã lỡ tay làm rách một trang. Đường Tăng thấy vậy tỏ vẻ đau khổ, vì bộ kinh không còn được nguyên vẹn như lúc đầu. Ngay lúc đó, Tôn Ngộ Không nói rằng:
“Thầy coi, trên đời này có gì là hoàn toàn đâu. Cái gì mà chả có khuyết điểm?” Điều này cũng có nghĩa là trên đời này không có gì là vẹn toàn cả, cũng không có ai là hoàn hảo tới mức được mười phân vẹn mười cả. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện của mỗi con người thì dẫu sao cũng phải có các tiêu chí chung, để từ đó giúp mỗi người tự phấn đấu vươn tới với mục đích cuối cùng là hoàn thiện mình hơn. Vậy, 10 đức tính trong câu nói của người xưa là gì?

Đối với bản thân

Cần: Siêng năng, chăm chỉ, làm việc đến nơi đến chốn. Siêng năng là chiếc chìa khóa đầu tiên giúp ta dễ dàng mở ra cánh cửa của tương lai. Có chăm học hành, cần mẫn làm việc mới mong hoàn thiện được bản thân, xứng đáng là một con người, tạo cho mình và xã hội một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, muốn làm việc có kết quả thì phải biết suy tính, chuẩn bị trước một cách kỹ lưỡng những gì cần làm. Khi đã bắt tay vào việc thì cần tận tâm, tận lực, không ỷ lại, lười biếng. Việc hôm nay không để ngày mai.

Kiệm: Tiết độ, chừng mực. Về tiền bạc không bủn xỉn nhưng cũng không vung tay quá trán. Tập quen với lối sống giản dị, không đua đòi, chạy theo những nhu cầu giả tạo. Biết giữ gìn, tiết kiệm của công cũng như của mình và mọi người.

Về sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí điều độ. Tránh những chất kích thích, năng tập thể dục để có một đầu óc minh mẫn trong một cơ thể cường tráng.

Về thời gian, biết quý trọng thì giờ, luôn làm việc đúng giờ, đúng hẹn, giờ nào việc nấy. Cần xây dựng một nếp sống có trật tự theo một thời khóa biểu cụ thể, rõ ràng và khoa học.

Liêm: Trong sạch, không tham lam. Về tiền bạc không tham lợi, dù túng thiếu, khó khăn hay nghèo đói cũng không tham.

Chính: Ngay thẳng, đứng đắn. Điều khó khăn nhất là sống ngay thẳng với chính mình. Muốn vậy, cần can đảm với lương tâm, tập nhận định sự việc, con người. Luôn nhớ đến phẩm giá cao quý của mình và làm mọi việc không vì tư lợi hay tiếng khen mà vì lương tâm và trách nhiệm. Về thể chất, quần áo, tóc tai luôn sạch sẽ, thứ tự và ngăn nắp. Biết giữ vệ sinh nơi công cộng.

Dũng: Là dũng cảm, tự chủ, cương nghị, bền chí và đây là chiếc chìa khóa thứ hai giúp mỗi người mở cánh cửa tương lai. Người có đức dũng là người có nghị lực, biết làm chủ chính mình trong mọi tình huống và luôn hành động theo lý trí, biết bền lòng theo đuổi mục tiêu đến cùng, dẫu có gặp nhiều gian nan, vất vả. Tuy nhiên, muốn tập đức dũng thì cần phải rèn luyện ý chí.

Đối với mọi người

Nhân: Tức là phải biết yêu thương mọi người. Đức nhân là linh hồn của mọi mối tương quan với người khác; đối xử với mọi người như một người bạn tốt. Nói một cách khác, nếu muốn người khác quý trọng ta như thế nào thì trước hết ta phải biết quý trọng họ trước.

Nghĩa: Lòng biết ơn, thủy chung, gắn bó. Người sống có nghĩa là người biết đáp lại lòng yêu thương của người khác đối với mình. Trước hết là phải sống có nghĩa với người có công sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ ta nên người rồi đến những người giúp đỡ ta.

Lễ: Là lịch sự, lễ phép. Đó là biết kính trọng không phải chỉ đối với những người thân mà cả với những người sống và làm việc quanh ta. Đây là quy định giúp cho cuộc sống trong cộng đồng được thân ái hơn, tốt đẹp hơn. Nền tảng của phép lịch sự là sự công bằng và lòng bác ái. Ai đó coi thường phép lịch sự là coi thường người khác và cao hơn là coi thường chính mình và những người thân của mình.

Trí: Là sự khôn ngoan, sáng suốt, là người biết thông minh khi xem, biết quan sát khi học hỏi. Sáng suốt khi xem xét tức là phải bình tâm, khách quan và thận trọng. Khôn ngoan khi làm là người có đầu óc tổ chức, tiên liệu thực tế, làm việc có phương pháp, có sáng kiến, biết cải tiến cách làm việc. Khi gặp khó khăn, phức tạp thì biết chia ra từng phần nhỏ để dễ bề giải quyết.

Tín: Là người biết giữ lời hứa, là người được người khác tin cậy. Uy tín là một thứ bảo vật quý giá của mỗi con người. Và uy tín chỉ có thể có được bằng chính danh dự, nhân phẩm của mình. Uy tín còn là kết quả của sự thành công, sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm và lòng thủy chung. Tuy nhiên, một người có uy tín thì phải biết: Đừng bao giờ bịa đặt những điều sai sự thật. Không bao giờ hứa suông, hứa liều. Và quan trọng nữa là phải biết cố gắng giữ lời hứa bằng mọi cách, dù có bị thiệt hại đến mấy cũng phải giữ lời đã hứa.

Trong cuộc sống, chúng ta không thể thiếu cái đẹp. Cái đẹp bất biến trường tồn, cái đẹp tiềm ẩn trong con người được biểu hiện qua văn hóa ứng xử, qua nét cao quý của tâm hồn, qua đạo đức, trí tuệ. Cái đẹp giúp con người xây dựng nhân cách ngày càng hoàn thiện hơn. Cái đẹp được nói đến ở đây chính là cái đẹp tâm hồn của mỗi người phụ nữ. Đặc biệt là cái đẹp trong lễ giáo xưa, đó là tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh. Trải qua dòng lịch sử, liệu tứ đức có lạc hậu trong thời đại ngày nay không?

N.V

  • Từ khóa
91074

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu