Thứ 7, 20/04/2024 15:11:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:09, 25/02/2019 GMT+7

28.110 hộ nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ 2, 25/02/2019 | 16:09:00 147 lượt xem

BP - Tiếp tục thực hiện phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, năm qua các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động 47.514 hộ hội viên đăng ký thực hiện. Kết quả có 28.110 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó 85 hộ được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương; 1.336 hộ được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Để hỗ trợ hội viên, nông dân trong tỉnh có các điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, các cấp hội đã phối hợp tổ chức 2.042 buổi tập huấn khoa học, kỹ thuật cho 81.924 lượt hội viên nông dân, đạt 120% kế hoạch. Hội còn hỗ trợ nông dân vay vốn và dịch vụ cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp. Trong năm qua, cấp tỉnh giải ngân 21 dự án với số tiền 8,2 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp phát triển được 6,633 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh lên 57,703 tỷ đồng. Thực hiện chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, nhiều hộ nông dân nghèo cùng các đối tượng chính sách được hỗ trợ kịp thời để có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các cấp hội đang quản lý 602 tổ tiết kiệm và vay vốn với 26.216 thành viên, số dư nợ 58,82 tỷ đồng. Các hộ vay vốn cơ bản đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát triển kinh tế hiệu quả.

Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sáng tạo, dám nghĩ, dám làm qua việc mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ sinh học tiên tiến vào sản xuất; đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, hình thành các mô hình kinh tế hộ, trang trại tổng hợp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đã có rất nhiều tấm gương nổi bật trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu như các nông dân: Hoàng Trọng Sâm ở xã Minh Long và Nguyễn Ngọc Hùng ở xã Minh Hưng (Chơn Thành), Dương Mã Dưỡng ở xã Tân Phước (Đồng Phú), Nguyễn Quốc Mạnh ở xã Lộc Tấn (Lộc Ninh), Dụng Quý Đông ở xã Tân Thành (Đồng Xoài), Trần Văn Thịnh ở xã Phước Tín (Phước Long), Phùng Thị Chuyển ở phường Tân Thiện (Đồng Xoài), Nguyễn Văn Ngọc ở xã Đồng Nơ (Hớn Quản), Trần Thị Yến ở xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập)... Bên cạnh đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng rau an toàn của bà Đỗ Thị Đạt, xã Long Hà (Phú Riềng); trồng quýt đường ở xã Tân Thành (Đồng Xoài); trồng tiêu kết hợp nuôi dê ở xã Tân Thành (Bù Đốp); chăn nuôi heo ở xã Thanh Phú (Bình Long), xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh) và xã Long Giang (Phước Long); trồng điều năng suất cao ở xã Long Hà (Phú Riềng); nuôi bò sinh sản ở xã Tân Lập (Đồng Phú); trồng tre lấy măng ở thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành); trồng dưa lưới ở xã Tân Khai (Hớn Quản)...

Nhờ sự chủ động của từng hội viên, từng nông hộ; sự quan tâm hỗ trợ nhiều mặt của các cấp hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp năm qua phát triển hơn so với năm 2017. Trong năm qua, có 558 hộ được tổ chức hội các cấp giúp đỡ xóa nghèo. Kinh tế phát triển, các cơ sở hội cũng thuận lợi hơn trong việc đẩy mạnh hoạt động hội và phong trào nông dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.

B.K

  • Từ khóa
43976

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu