Thứ 6, 19/04/2024 09:03:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 14:51, 20/06/2018 GMT+7

3 phát minh lớn trong khoa học

Thứ 4, 20/06/2018 | 14:51:00 10,543 lượt xem

BP - Vào năm 1250, một người thợ nấu thủy tinh ở châu Âu đã vô tình phát hiện miếng thủy tinh lồi, lõi có thể cải thiện thị lực con người. Phát hiện này đã cho ra đời nghề mài kính đeo mắt. Cũng từ nghề này, 340 năm sau (1590), một người thợ mài kính người Hà Lan đã phát minh kính hiển vi giúp giới khoa học quan sát được thế giới tí hon, những vi sinh vật siêu nhỏ và kết cấu các tế bào, nhân tế bào động vật. Và từ kính hiển vi, người Hà Lan đã sáng tạo ra ống nhòm (kính viễn vọng) vào năm 1608 giúp các nhà khoa học quan sát và nghiên cứu về thiên văn, không gian vũ trụ được dễ dàng hơn. Năm 1838, qua kính hiển vi, nhà thực vật học Schleiden và nhà động vật học Schwann (đều là người Đức) đã phát hiện mỗi tế bào đều có một cuộc sống riêng. Các tế bào sinh sản từ nhân của nó qua việc phân chia từ 1 thành 2 nhân để xuất hiện các tế bào mới. Từ đó các nhà khoa học đã xây dựng thành công “Học thuyết tế bào”, đây là phát kiến lớn của giới khoa học khi vén được bức màn bí ẩn về sự sinh sản, phát triển của tế bào.

 Năm 1840, Mayer, bác sĩ trên tàu viễn dương người Đức phát hiện máu người ở vùng biển nhiệt đới thẫm hơn máu người ở vùng biển ôn đới. Qua nghiên cứu, Mayer nhận thấy người sống ở vùng nhiệt đới, nhiệt lượng tỏa ra ít hơn so với người sống ở xứ lạnh. Hàm lượng ôxy trong máu người xứ nóng nhiều hơn so với người sống ở vùng ôn đới. Từ nghiên cứu này, Mayer cho rằng, trong cơ thể con người thì cơ năng, hóa năng và nhiệt năng đều có thể chuyển hóa lẫn nhau từng điều kiện môi trường, khí hậu... tức chuyển động hữu cơ trong mối liên hệ với sự trao đổi chất. Thế nhưng, những nghiên cứu của Mayer không được giới khoa học quan tâm. Năm 1843, một người Anh tên Joule tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở các thí nghiệm của Mayer bằng việc đặt máy phát điện nhỏ vào một bình kín đầy nước. Sau đó, Joule cho chạy máy phát, dòng điện chuyển qua dây cuốn làm nóng bình nước. Qua thí nghiệm, Joule nhận thấy năng lượng cơ học bị tiêu hao bao nhiêu thì thu lại được bấy nhiêu nhiệt lượng tương đương. Từ kết quả này, Joule đã cho ra đời “Học thuyết định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng”.

Cùng thời gian này, nhà bác học Charles Darwin (Anh), trở về nước để hoàn thành công trình nghiên cứu sau thời gian vòng quanh thế giới khám phá tự nhiên. Trong quá trình chỉnh lý hồ sơ, sắp xếp lại tài liệu, Darwin đã phát hiện ra nguyên lý chọn lọc tự nhiên. Từ vấn đề này Darwin nhận định, sinh vật không ngừng tiến hóa từ bậc thấp đến bậc cao và ông đã chỉ ra, động - thực vật khi nuôi trồng sở dĩ có biến dị là do con người lựa chọn, lai tạo giống tùy theo mục đích sử dụng. Từ kết quả này, Darwin đã cho xuất bản cuốn sách “Nguồn gốc các loài” vào năm 1859. Đây chính là “Học thuyết tiến hóa” nổi tiếng của Darwin, học thuyết này đã chấm dứt quan niệm vạn vật trong vũ trụ đều “do trời sắp đặt”.

 “Học thuyết về tế bào”, “Học thuyết định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng” và “Học thuyết tiến hóa” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển lịch sử của loài người. Và Engels đã đánh giá 3 học thuyết này là “3 phát hiện vĩ đại của nhân loại ở thế kỷ XIX”.

T. Phong
(Trích các sự kiện nổi tiếng thế giới)

  • Từ khóa
98802

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu