Thứ 5, 28/03/2024 20:42:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:19, 18/09/2018 GMT+7

4.0: Bật lên hay tụt lại?

Thứ 3, 18/09/2018 | 08:19:00 93 lượt xem

BP - Diễn đàn kinh tế thế giới về Asean 2018 (WEF ASEAN 2018) đã kết thúc ngày 13-9 sau 4 ngày diễn ra với nhiều hoạt động quan trọng tại Hà Nội. Thế nhưng, thông điệp và sức ảnh hưởng của diễn đàn do Việt Nam đăng cai tổ chức lần này sẽ lan tỏa trong nhiều năm tới không chỉ ở Việt Nam, mà còn trong khu vực Asean và nhiều nước trên thế giới. Bởi tâm điểm của diễn đàn đề cập đến một trong những vấn đề cốt lõi trong phát triển kinh tế cũng như định hình tương lai của loài người: Cách mạng 4.0.

Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đánh dấu bằng phát minh ra máy hơi nước cuối thế kỷ XVIII, lần thứ hai là điện năng và dây chuyền sản xuất hàng loạt cuối thế kỷ XIX, lần thứ ba là sản xuất tự động và những sáng tạo về máy tính, số hóa từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Năm 2011, khái niệm “công nghiệp 4.0” chính thức được nêu lên tại hội chợ Hannover giới thiệu dự kiến chương trình công nghiệp của nước Đức. Và từ đó đến nay, 4.0 trở thành biểu tượng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong lịch sử.

4.0 là cuộc cách mạng rộng lớn, phức tạp với nhiều công nghệ mới, như AI (trí tuệ nhân tạo), IOT (internet vạn vật), drones (thiết bị thông minh không có con người điều khiển), máy móc chính xác... 4.0 đang lan tỏa vô cùng nhanh chóng trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội.

Trong lĩnh vực kinh tế, ngày nay không chỉ có máy móc làm thay con người trong nhà máy, công xưởng, mà còn có AI hoạch định chính sách, thiết kế sản xuất... Trong lĩnh vực tài chính, không còn là kinh doanh tiền tệ đơn thuần, mà đã xuất hiện rất nhiều loại tiền ảo nhưng có giá trị thật. Đó là những đồng tiền không xuất hiện trong hệ thống ngân hàng nhưng lại có sức mạnh rất lớn trong không gian internet - một không gian được hình thành chỉ bởi 2 ký tự 0 và 1 nhưng ngày một chiếm lĩnh thời gian của con người nhiều lên so với không gian thực. Hay như truyền thông, 4.0 đã khiến báo chí không còn giữ vị trí độc tôn trong lĩnh vực này. Thay vào đó là xã hội truyền thông (cả xã hội cùng làm truyền thông). Mỗi địa chỉ trên mạng xã hội trở thành một người hoạt động truyền thông, tự làm chủ “tòa soạn” và tự sản xuất tin tức của riêng mình. Điều này đã đặt báo chí và người làm truyền thông truyền thống trước những thách thức vô cùng lớn khi có một đối trọng cạnh tranh khổng lồ, song cũng mở ra cơ hội phát triển chưa từng thấy khi nguồn thông tin cực kỳ dồi dào và vai trò “trọng tài” quan trọng hơn bao giờ hết. Trong lĩnh vực văn hóa, không còn là vấn đề nhân bản người hay giá trị bị đảo lộn bởi công nghệ như những năm cuối của thế kỷ XX, 4.0 đã tạo nên một cuộc đấu tranh dữ dội trong giới khoa học và những nhà nhân chủng học, đồng thời tạo ra nỗi lo lắng vô cùng lớn về tương lai AI, robot sẽ làm chủ hành tinh bởi chúng thông minh hơn con người và kiểm soát loài người...

Ở góc độ không gian, 4.0 đã phủ kín mọi mặt của đời sống. Ở góc độ thời gian, không chỉ ập đến ngay khi mở mắt ra vào buổi sáng đến lúc nhắm mắt vào ban đêm, mà 4.0 còn đang mở ra cơ hội chữa bệnh, học tập, thậm chí cả làm việc ngay khi con người đang ngủ. 4.0 tạo ra những cơ hội lớn chưa từng thấy để phát triển, đồng thời cũng đặt ra thách thức vô cùng lớn. Quốc gia nào, địa phương nào tận dụng được sẽ bật lên nhanh chóng, ngược lại không tận dụng được cũng sẽ rất nhanh chóng bị bỏ lại phía sau, gia tăng khoảng cách với quốc gia khác, địa phương khác.

 Hưng Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu