Thứ 5, 18/04/2024 07:23:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 11:03, 19/10/2017 GMT+7

Tản văn

Đàn ông sinh ra để làm những việc lớn!

Thứ 5, 19/10/2017 | 11:03:00 190 lượt xem

BP - Có một dạo, Quốc hội bàn thảo việc phụ nữ nghỉ hưu ở độ tuổi nào là hợp lý. Điều đó cho thấy Quốc hội đặc biệt quan tâm đến nữ quyền. Hồi ấy, phần lớn các đại biểu nam đều phát biểu rằng, 55 là tuổi phù hợp để phụ nữ nghỉ hưu. Lý do đưa ra cho lập luận ấy thì nhiều. Nào phụ nữ vất vả hơn nam giới vì phải sinh con và chăm sóc con nhỏ (họ còn quên khi có cháu, phụ nữ lại phải chăm sóc cháu) nên sức khỏe giảm sút mau hơn nam giới; nào phụ nữ phải lo toan nội trợ nên thời gian, sức lực dành cho công việc xã hội đương nhiên hạn chế hơn nam giới...

Cũng có vài ý kiến của các đại biểu nữ cho rằng từ 50-60 là độ tuổi “chín” nhất của phụ nữ, khi kinh tế gia đình tạm ổn, con cái đã có gia đình riêng, phụ nữ sẽ có điều kiện để cống hiến nhiều hơn so với thời kỳ ở độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, theo nhận định của một vài cơ quan báo chí thì có đến hơn 90% phụ nữ là công chức nhà nước đã lớn tuổi, khi được hỏi đều trả lời muốn nghỉ hưu ở tuổi 55. Cũng như số đông phụ nữ công chức lớn tuổi, em cho rằng 55 tuổi thì nên về coi sóc việc nhà, chăm con, chăm cháu. Nghe em nói thế, cô trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ trong cơ quan nghiêm nghị bảo em là cổ hủ, không có ý thức giải phóng bản thân, thiếu trách nhiệm trong vấn đề bình đẳng giới...

Thực ra, cô ấy còn trẻ, xốc nổi nên nói thế chứ theo em, chuyện nghỉ hưu của phụ nữ công chức ở tuổi 55 hay 60 chả liên quan gì đến bình đẳng giới. Em còn nhớ trước kỳ Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 tại một huyện nọ, hai cơ quan tham mưu cho huyện ủy về công tác nhân sự đại hội đã lo sốt vó khi cùng lúc hàng loạt chị trong cấp ủy đến tuổi nghỉ hưu hoặc không còn đủ thời gian để cơ cấu cấp ủy khóa mới, trong khi lớp cán bộ kế cận chưa đủ độ “chín” để cơ cấu. Nhưng em tự hỏi tại sao cứ phải cơ cấu chị em tham gia cấp ủy nọ kia, khi bản thân các chị thấy mình không phù hợp với những công việc đó. Em nhiệt liệt ủng hộ những chị tự xin rút khỏi danh sách cơ cấu cấp ủy vì thấy mình không đủ khả năng cáng đáng công việc. Em không hiểu lắm về cơ cấu, cũng như mối quan hệ giữa vấn đề cơ cấu với vấn đề bình đẳng giới. Em chỉ hiểu một cách nôm na rằng, đàn bà được làm đàn bà một cách đúng nghĩa, như thế là bình đẳng giới rồi.

Sẽ có người bảo em nhiêu khê khi đòi được làm đàn bà đúng nghĩa. Nhưng em muốn nói đến chữ Đàn Bà viết hoa cơ. Chắc ai thích nghe nhạc, thích xem tivi, đọc báo sẽ nhớ có một dạo, báo chí tôn vinh một nữ ca sĩ có gương mặt đẹp, hình thể đẹp và đặc biệt là một giọng hát rất đẹp. Người ta trăn trở tìm một tên gọi thích hợp để dành cho nữ ca sĩ ấy và cái tên Người Đàn Bà Hát ra đời. Ôi chao, được tôn vinh là Đàn Bà viết hoa đã khó, lại còn là Người Đàn Bà Hát nữa thì hà cớ gì cô ấy không sống hết mình, không yêu hết mình để có thể cống hiến hết mình. Nhưng cô ấy quá ngây thơ khi nghĩ rằng mình có quyền yêu hoặc không yêu ai đó. Vì thế mà trong một thời gian không dài, cô đã có dăm bảy mối tình đủ sâu sắc để cô có thể thăng hoa khi bước lên sân khấu. Và rồi cô ấy đành ngậm ngùi hát “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, bởi trong con mắt của những người đàn ông, đàn bà là đối tượng để họ yêu chứ tuyệt nhiên đàn bà không được yêu bản thân mình.

Trở lại vấn đề bình đẳng giới, theo em mâu thuẫn lớn nhất có lẽ là do đàn bà chỉ muốn làm đàn bà đúng nghĩa, còn đàn ông lại chỉ muốn làm đàn ông. Sinh con, nuôi dạy con, làm việc nhà, làm đám giỗ... là của đàn bà. Còn đàn ông chỉ làm những việc lớn. Và trong lúc chưa có việc lớn, đàn ông ngồi chờ và tạm giết thời gian trong những cuộc nhậu, tán dóc trong những quán cà phê. Nhưng cứ yên trí, khi có việc lớn, họ sẽ làm.

Như mọi phụ nữ, em vẫn kiên trì chờ chồng em làm những việc lớn.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
93303

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu