Thứ 7, 20/04/2024 14:50:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:39, 10/12/2016 GMT+7

5 mục tiêu và 5 nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế

Thứ 7, 10/12/2016 | 10:39:00 123 lượt xem
BP - Ngày 8-11-2016, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết số 24/2016/QH14). Nghị quyết gồm 3 phần chính, trong đó phần II là trọng tâm với nội dung về 5 mục tiêu và 5 nhiệm vụ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, 5 mục tiêu gồm: Một là, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Tỷ trọng đầu tư nhà nước khoảng 31-34% tổng đầu tư xã hội. Hai là, hằng năm có 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm trên 5,5%, tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020. Ba là, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 30-35%. Bốn là, đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, thị trường trái phiếu đạt 30% GDP. Năm là, thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Quốc hội yêu cầu cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tập trung hoàn thành cơ cấu lại 3 trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công. Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ. 

T.Bình

  • Từ khóa
40917

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu