Thứ 4, 24/04/2024 00:15:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:31, 19/03/2017 GMT+7

“Ác giả, ác báo”

Chủ nhật, 19/03/2017 | 13:31:00 809 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, từ thế kỷ XVIII trở đi, chính sự đàng Ngoài ngày một rối ren và đen tối đến độ thảm hại. Bấy giờ, chúa Trịnh Cương chỉ tiếp tục đẩy mạnh xu hướng chung của nhà chúa là ra sức lấn át quyền hành nhà vua, khiến vua Lê Dụ Tông chỉ còn là một hư vị tội nghiệp. Đến đời chúa kế tiếp là Trịnh Giang còn bạo ngược khủng khiếp hơn nhiều. Chính Trịnh Giang đã vu cho vua Lê đế Duy Phường tội gian dâm với vợ của Trịnh Cương rồi phế Lê đế Duy Phường làm Hôn Đức công và sau đó giết vua vào tháng 9-1732.

Sau khi phế Lê đế Duy Phường, Trịnh Giang đã làm một việc trước đó chưa từng có là: Lúc ấy, Trịnh Giang bắt dẫn 12 người con của vua Lê Dụ Tông vào phủ đường của mình để xem mặt. Lê Duy Đường là con trưởng, thấy đáng được làm vua, Trịnh Giang liền sai quan hộ vệ Lê Duy Đường đến ở riêng tại cung Thọ Phúc. Nhưng vua Lê Thuần Tông cũng chỉ ở ngôi được ba năm thì mất. Em ông là Lê Duy Thận được đưa lên thay, đó là vua Lê Ý Tông và cả hai ông hoàn toàn không có một thực quyền nào.

Sau khi đã hoàn toàn vô hiệu hóa những ảnh hưởng của nhà vua đối với guồng máy chính trị đương thời, Trịnh Giang không ngừng tìm cách củng cố thêm ngôi vị của mình. Tháng 10-1734, Trịnh Giang tự phong là Đại Nguyên soái, Tổng Quốc chính, Thượng sư Thái phụ. Tháng 9-1739, Trịnh Giang lại giả thác có chiếu thư của thiên tử nhà Thanh phong cho mình làm An Nam Thượng Vương. Lúc ấy, Trịnh Giang đang chơi ở làng Quế Trạo, trấn Kinh Bắc, là quê hương của viên hoạn quan Hoàng Công Phụ. Trịnh Giang cho xây dựng phủ đệ tại đó để ở. Hắn mật sai tay chân thân tín là bọn Nguyễn Trác Luân và Trần Văn Hoán từ kinh sư chạy ngựa trạm lên, phụng trình sắc văn tấn phong và ấn tỉ, giả thác nói rằng đó là do sứ giả nhà Thanh sang nước ta phong cho Trịnh Giang làm An Nam Thượng Vương.

Điều đáng tiếc là cả hai nhân vật cùng tham gia vào vở hài kịch nói trên - Nguyễn Trác Luân và Trần Văn Hoán đều đỗ đạt đại khoa, cũng là người có chút văn tài và nắm những chức vị rất quan trọng của phủ chúa. Nguyễn Trác Luân người làng Bình Lao, huyện Cẩm Giàng, nay thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ năm 1721, làm quan đến chức Phó Đô Ngự sử. Trần Văn Hoán người làng Từ Ô, huyện Thanh Miện, nay thuộc thôn Từ Ô, xã Tân Trào, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ năm 1724, làm quan tới chức Thừa chỉ.

Ngoài Nguyễn Trác Luân và Trần Văn Hoán, Trịnh Giang còn có một tay sai rất đắc lực, đó là hoạn quan Hoàng Công Phụ. Hoàng Công Phụ là tiến sĩ, người làng Yên Ninh, huyện Yên Dũng (nay là thôn Yên Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Tháng 5-1736, chính viên hoạn quan hiểm độc này đã xúi giục Trịnh Giang giết hại Trấn thủ Nghệ An Trương Nhưng, mặc dù Trương Nhưng vốn nổi tiếng là người ôn hòa, lại là em ruột của Trương Thái phi (Trương Thái phi là vợ Trịnh Bính, mẹ Trịnh Cương và là bà nội Trịnh Giang). Như vậy, Trương Nhưng là ông cậu của Trịnh Giang.

Để phế truất và sau đó là giết hại Lê đế Duy Phường, Trịnh Giang đã vu cho Lê đế Duy Phường tội gian dâm với vợ Trịnh Cương, nhưng người làm việc đồi bại này lại chính là Trịnh Giang, dẫu cho vợ Trịnh Cương cũng chính là mẹ kế của hắn. Việc này bị bà Vũ Thái phi (mẹ đẻ Trịnh Giang) phát giác. Bà ép Kỳ Viên phi Đặng thị phải tự tử. Một hôm, chẳng hiểu vì sao Trịnh Giang bị sét đánh gần chết, nhân đó mà mắc bệnh kinh quý, hễ nghe có sấm sét là kinh hồn bạt vía.

Bọn hoạn quan liền nói với Trịnh Giang rằng, nguyên do chẳng qua vì dâm dục quá nên bị ác báo, muốn chữa chỉ có cách đào hầm làm nhà ở dưới đất. Trịnh Giang bèn dựng cung Thưởng Trì để ở, không dám đi ra ngoài như trước nữa. Hoàng Công Phụ cùng đồ đảng liền nhân đó mà lộng quyền, các đại thần nối nhau bị hại, kẻ thì bị giết, kẻ thì bị phạt, ai ai cũng lo sợ không giữ nổi tấm thân của mình, chính sự trái ngược mà thuế khóa thì nặng nề, dân chỉ còn mong sao cho chóng có loạn lạc.

Lời bàn:

Đức Phật dạy rằng: Kẻ ác mưu hại người hiền chẳng khác nào ngước lên trời mà phun nước miếng, nước miếng chẳng đến trời mà trở lại rơi vào mặt mình. Hắt bụi ngược gió, bụi không đến người, mà trái lại bám víu vào mình. Người hiền thì không thể hại được, nếu hãm hại thì tai họa sẽ tiêu diệt lại mình. Tiếc rằng thân làm chúa, tức là dưới một người và trên muôn vạn người như Trịnh Giang mà không hiểu được điều này. Không những thế, từ khi lên ngôi chúa, Trịnh Giang lại ngày càng đắm chìm trong việc chơi bời, hưởng lạc, tin dùng hoạn quan. Vì vậy cho nên, thế nước suy yếu và khắp các vùng, dân chúng đã nổi lên khởi nghĩa với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”.

Và cứ theo nội dung của giai thoại trên đây, việc thông dâm với vợ lẽ của cha thì tội loạn luân ấy không thể nào dung tha được. Bởi hành vi ấy đến kẻ sống dưới đáy của xã hội còn chẳng thể làm, huống chi lại làm chúa của thiên hạ. Cũng chính vì thế cho nên Trịnh Giang đã bị “trời đánh” trở thành kẻ điên loạn phải sống suốt quãng đời còn lại trong hầm tối. Thế mới hay rằng, sống là phải biết trân trọng những gì mình đã, đang có và đừng bao giờ quên rằng “ác giả” sẽ có “ác báo”. 

N.D

  • Từ khóa
109896

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu