Thứ 6, 29/03/2024 07:30:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:17, 04/01/2015 GMT+7

Triển khai thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Chủ nhật, 04/01/2015 | 10:17:00 4,869 lượt xem
BPO - Ngày 24-11-2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ chương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để việc triển khai thực hiện có hiệu quả luật này, Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Chỉ thị số 04/2014/CT-CA. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc về những nội dung chính trong chỉ thị này:

* Thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc:

Việc thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân cấp cao, tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy giúp việc trong các cơ quan nhà nước, đồng thời phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù của tòa án nhân dân; bảo đảm cho bộ máy giúp việc hoạt động có hiệu quả để các tòa án thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; không làm cho bộ máy cồng kềnh, gây lãng phí về biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc…


Ảnh minh họa - Internet

* Thành lập các tòa án nhân dân cấp cao:

Việc thành lập tòa án nhân dân cấp cao, số lượng các tòa án nhân dân cấp cao, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi tòa án nhân dân cấp cao phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án nhân dân cấp cao theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tính chất đặc thù công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, phúc thẩm của tòa án nhân dân cấp cao; trên cơ sở cân nhắc số lượng các vụ việc dự kiến phải giải quyết của mỗi tòa án nhân dân cấp cao, đặc thù địa lý, mật độ dân số, tình hình kinh tế, xã hội của các vùng miền, bảo đảm hoạt động bình thường và có hiệu quả của các tòa án khi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân có hiệu lực.

* Tổ chức các tòa chuyên trách trong tòa án nhân dân cấp tỉnh:

Việc tổ chức các tòa chuyên trách trong tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải được tổ chức một cách hợp lý, căn cứ vào dự kiến thẩm quyền của từng tòa chuyên trách, số lượng từng loại vụ việc cụ thể dự kiến phải giải quyết ở mỗi tòa án (vụ án hình sự; vụ án hành chính; vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động; các vụ việc có liên quan đến người chưa thành niên; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân) nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án chuyên trách, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm tính hợp lý, tinh gọn, tiết kiệm.

* Xây dựng quy trình ban hành án lệ:

Quy trình ban hành án lệ của tòa án nhân dân tối cao phải được thực hiện qua các bước: phát hiện, tuyển chọn, thẩm định và thông qua án lệ; bảo đảm giá trị pháp lý của án lệ; bảo đảm các án lệ được ban hành là những bản án, quyết định có tính chuẩn mực, có giá trị nghiên cứu và áp dụng trong xét xử.

* Xây dựng và đề xuất chế độ tiền lương, phụ cấp đối với thẩm phán:

Chế độ tiền lương, phụ cấp và chế độ, chính sách khác đối với thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án phải được xây dựng và đề xuất theo đúng tinh thần quy định tại Điều 75 và Điều 94 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; bảo đảm chế độ, chính sách ưu tiên đặc thù để thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án yên tâm làm nhiệm vụ, đồng thời phải bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta trong tình hình hiện nay.

Mẫu trang phục của thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án phải bảo đảm tính trang nghiêm, phù hợp với đặc thù hoạt động xét xử, thể hiện được đặc trưng địa vị pháp lý của từng chức danh; phù hợp với truyền thống văn hóa và điều kiện khí hậu của nước ta. Giấy chứng minh thẩm phán, thẻ chức danh của thẩm tra viên, thư ký tòa án phải có đủ những thông tin cần thiết, thuận tiện cho việc sử dụng và có biện pháp ngăn ngừa việc làm giả.

* Bảo đảm biên chế, số lượng thẩm phán:

Việc xây dựng, đề xuất về biên chế, số lượng thẩm phán phải căn cứ vào nhu cầu công tác và việc kiện toàn tổ chức bộ máy của mỗi tòa án theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; trên cơ sở xác định rõ vị trí làm việc đối với từng lĩnh vực công tác cụ thể để xác định đúng, đủ số lượng thẩm phán và biên chế của từng cấp tòa án và từng tòa án.

Việc xây dựng, đề xuất về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho các tòa án phải được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 96 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết để tòa án hoạt động, nhưng phải chặt chẽ, tiết kiệm, tránh gây lãng phí ngân sách nhà nước.

* Xây dựng chương trình đào tạo thẩm phán:

Chương trình đào tạo, tập huấn về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân phải được xây dựng khoa học, phù hợp với từng đối tượng, từng khóa đào tạo, thể hiện được những nội dung mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đặc biệt là các quy định về tòa án thực hiện quyền tư pháp; về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp tòa án nhân dân; về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng chức danh tư pháp trong tòa án nhân dân. Kế hoạch tổ chức đào tạo phải được chuẩn bị khẩn trương đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, bảo đảm hiệu quả, chất lượng đào tạo, tập huấn, bảo đảm tiết kiệm ngân sách.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng nâng ngạch thẩm phán bên cạnh những kiến thức pháp luật, kỹ năng xét xử và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án, cần lưu ý nội dung bồi dưỡng về lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức hội nhập quốc tế, kiến thức xã hội, tin học và ngoại ngữ.

* Kiện toàn tổ chức, hoạt động của các tòa án quân sự:

Việc kiện toàn tổ chức, hoạt động của các tòa án quân sự phải căn cứ vào các quy định mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân về tòa án quân sự; bảo đảm hoạt động bình thường của các tòa án quân sự. Giao Tòa án quân sự trung ương phối hợp với Vụ Tổ chức - Cán bộ xây dựng Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong các tòa án quân sự; chuẩn bị nhân sự của Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương; kiện toàn bộ máy tổ chức, số lượng thẩm phán và biên chế của các tòa án quân sự, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trước ngày 1-2-2015 để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định…

LG

  • Từ khóa
26230

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu