Thứ 4, 24/04/2024 23:41:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:15, 16/03/2016 GMT+7

Ải mỹ nhân

Thứ 4, 16/03/2016 | 13:15:00 250 lượt xem

BP - Theo các tài liệu lịch sử còn lưu đến ngày nay, Trịnh Sâm là một vị chúa có nhiều cung tần vào loại nhất trong các chúa Trịnh. Trong cuốn “Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam”, Trịnh Sâm có tới 400 cung tần, mỹ nữ chuyên lo việc hầu hạ. Trong số hàng trăm mỹ nhân ấy, Tuyên phi Đặng Thị Huệ là người được Trịnh Sâm sủng ái nhất. Từ khi có Huệ, Sâm không còn quan tâm đến người đẹp nào nữa mặc dù Huệ không có tài năng hay nhan sắc đặc biệt gì.

Đặng Thị Huệ xuất thân bình dân, quê ở làng Phù Đổng - Tiên Du - Kinh Bắc (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Huệ mắt phượng mày ngài, thắt đáy lưng ong, nổi tiếng nhan sắc một vùng. Tuy nhiên, giữa một rừng mỹ nhân trong phủ chúa thì nhan sắc của Huệ cũng chưa thấm vào đâu. Bởi thế, khi mới được tuyển vào cung, Đặng Thị Huệ chỉ là một nữ tì làm các việc hầu hạ khổ nhọc mà không được ai để ý đến. Huệ gặp chúa Trịnh Sâm lần đầu tiên khi được Tiệp dư Trần Thị Vinh sai bưng một khay hoa đến chỗ chúa ngồi. Để tỏ ra độc đáo, Huệ đã lựa chọn toàn những hoa huệ vừa to vừa đẹp. Trịnh Sâm trông thấy hay hay nên đẹp lòng rồi vời đến để vui vầy. Với các cung nữ khác thì chỉ vài lần là chán nhưng riêng Đặng Thị Huệ thì chẳng hiểu sao chỉ một lần ấy, chúa Trịnh kiêu hùng đã gục ngã, mãi mãi thuộc về thị.


Minh họa: S.H

Sau này người ta nói rằng tuy Huệ nhan sắc không bằng ai, cũng chẳng tài giỏi hát múa nhưng kỹ thuật chốn phòng the cùng những ngón nghề quyến rũ thì Huệ lại tỏ ra rất sành sỏi. Bởi thế mà chúa Trịnh Sâm chỉ sau một lần chung chăn gối đã ngay lập tức trở thành tên “nô lệ tình yêu” của thị. Từ khi bị Đặng Thị Huệ “chinh phục”, Trịnh Sâm thay đổi hoàn toàn. Riêng đối với Huệ, Trịnh Sâm không điều gì là không nghe theo, thậm chí khi có việc còn tìm Huệ bàn bạc, coi trọng như ý kiến các khanh tướng cấp cao.

Lệ cũ là chúa ít khi ở chung với phi tần. Mỗi tối việc hầu ngủ cho chúa sẽ do bọn thái giám lo. Chúa chấm người nào thì thái giám đi gọi người đó vào hầu. Thế nhưng, với Đặng Thị Huệ, Trịnh Sâm cho ở cùng một nhà, ăn cùng một mâm như một cặp vợ chồng thường dân. Điều này là một ngoại lệ rất ít thấy trong cung đình. Không những thế, xe ngựa, đồ dùng của Huệ cũng đều sắm sửa hệt như đồ dùng của chúa. Về chức tước, chẳng bao lâu, Đặng Thị Huệ từ một nữ tì thăng lên Tư dung rồi khi sinh được con trai thì được phong làm Tuyên phi và chính thức trở thành chánh cung của phủ chúa.

Trịnh Sâm tàn nhẫn, mưu mô là thế nhưng trước Đặng Thị Huệ thì dường như đã hoàn toàn bị “dắt mũi”, đến mức Thị Huệ dám cầm viên ngọc mà chúa rất quý ném thẳng xuống đất. Chuyện kể rằng khi vào Quảng Nam đánh quân Nguyễn, Trịnh Sâm có bắt được một viên ngọc dạ quang. Chúa quý viên ngọc lắm nên thường cài nó trên khăn. Một lần Thị Huệ đưa tay cầm viên ngọc mân mê chúa mới dặn: “Nhè nhẹ tay chứ, đừng làm ngọc xây xát”.

Chẳng dè, chúa mới nói thế, Thị Huệ cầm viên ngọc ném ngay xuống đất rồi khóc lóc bảo: “Quý gì hòn ngọc ấy, bất quá vào Quảng Nam lấy ra hòn ngọc khác đền chúa chứ gì. Sao lại nỡ trọng của khinh người thế”. Nói rồi thị bỏ về phòng và mấy ngày liền tránh mặt chúa. Sau vụ này, Trịnh Sâm phải mất bao công sức dỗ dành mới khiến nàng vui lòng và chịu làm lành với mình. Thậm chí, để chiều lòng người đẹp, chúa không ngừng dùng ngân khố để làm những trò vui mới. Cứ đến dịp Trung thu, chúa cho lấy gấm lụa trong kho ra làm đèn lồng, mỗi cái có giá đến vài chục lạng, rồi dựng hàng trăm cây phù dung ven hồ Long Trì để treo đèn với mục đích mua vui cho Thị Huệ.

Có giai thoại còn nói rằng, một lần, có một người Tây Dương đem đến phủ chúa một lọ nước hoa rao bán với giá 10 xe ngọc. Huệ thích lắm nhưng chúa còn ngần ngừ. Thị bèn bỏ ăn ba bữa làm Trịnh Sâm phải đồng ý mua. 

Lời bàn:

Theo cuốn sách “5000 năm lịch sử Trung Hoa” thì Dương Ngọc Hoàn còn có tên gọi khác là Dương Quý Phi, với sắc đẹp đến hoa cũng phải xấu hổ. Chính vì vậy, Dương Quý Phi đã khiến cho vua nhà Đường ngày ấy là Đường Minh Hoàng quên cả việc triều chính, rồi gây nên mầm họa làm suy vong nhà Đường. Trong lịch sử Việt Nam cũng đã ghi nhận một người phụ nữ có vẻ đẹp “sắc nước hương trời” được tiến cung vào phủ chúa Trịnh và cũng trở thành nguyên nhân làm cho triều Lê - Trịnh tiến gần đến quá trình suy vong. Đó là Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Giữa hai giai nhân tuy có xuất thân khác nhau nhưng lại có điểm chung là nguyên nhân làm suy vong một triều đại.

Tuy nhiên, xét đến cùng thì chế độ vua Lê - chúa Trịnh bị sụp đổ không thể đẩy hết lỗi cho một người đàn bà, mà trước hết đó là lỗi của triều đình vua Lê - chúa Trịnh - một triều đại vua chẳng ra vua, chúa chẳng ra chúa. Thế mới biết câu nói của người xưa rằng, anh hùng khó qua ải mỹ nhân quả là không sai và chí ít cũng là đối với chúa Trịnh Sâm. Hơn nữa, sống vào thời mạt vận mà lại buông tuồng háo sắc dục như Trịnh Sâm thì gục ngã và trở thành bù nhìn trước một người đàn bà đầy tham vọng và lắm mưu mô như Đặng Thị Huệ cũng là điều dễ hiểu. Mong rằng, hậu thế thời nay đừng ai vướng vào cái vòng kim cô của tửu sắc. 

N.D

  • Từ khóa
109769

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu