Thứ 6, 26/04/2024 02:46:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:04, 18/11/2014 GMT+7

Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thứ 3, 18/11/2014 | 13:04:00 151 lượt xem

BP - Tuần qua, trên mạng xã hội lan truyền rất nhanh kết quả khảo sát vui đối với học sinh lớp 12 của thầy Trần Đình Trợ, giáo viên trường THPT huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Lý do khiến người thầy sắp nghỉ hưu này làm khảo sát là bởi những năm gần đây có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm. Nhiều em phải lăn lộn kiếm sống bằng những việc chẳng liên quan gì đến chuyên môn được đào tạo. Do không có kỹ năng sống, nhiều em không thể ứng phó với hoàn cảnh và bi kịch đã xảy ra.

Kết quả khảo sát trên 45 học sinh lớp thầy chủ nhiệm khiến ai cũng phải cười ra nước mắt: Có 45/45 em đi học bằng xe đạp, trong đó có 3 em phân biệt được líp và đĩa, có 10 em phân biệt được săm và lốp, và không em nào biết sửa xe; có 45/45 em thường xuyên ăn cơm, trong đó chỉ 15 em biết nấu cơm, nhưng chỉ có 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình. Có 45/45 em nhớ sinh nhật của 3 người bạn thân trở lên, trong đó chỉ 4 em nhớ ngày sinh của bố mẹ mình; có 45/45 em thường xuyên đi học thêm. Có 45/45 em có khả năng vào đại học... Thầy Trợ chỉ khảo sát cho vui nhưng kết quả lại thật đáng buồn.

Vì sao học sinh, sinh viên Việt Nam học giỏi, thi đâu thắng đó nhưng lại thiếu kỹ năng sống đến vậy? Không quá khó để trả lời câu hỏi này. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là khối lượng kiến thức ở bậc phổ thông quá nhiều nên học sinh phải dồn toàn bộ thời gian, sức lực cho việc học mà quên mất những việc khác. Nguyên nhân nữa là tâm lý “khoa bảng” đã ăn sâu vào người Việt. Nhiều gia đình dù nghèo vẫn tạo mọi điều kiện để con được học hành, cốt vào đại học - cho dù tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp. Điều dễ nhận thấy là một em không học đại học có thể làm ruộng hoặc làm bất cứ việc gì để kiếm sống tại quê hương. Nhưng một em tốt nghiệp đại học thì khó chấp nhận những việc “không xứng đáng” đó. Nếu có làm thì cũng ở nơi khác, bởi cái mác đại học đã tạo áp lực tâm lý (sĩ diện) đối với các em. Bản thân thầy cô cũng chịu áp lực không kém và là nạn nhân của một nền giáo dục thiên về dạy chữ, ít quan tâm dạy kỹ năng sống. Nếu gò ép để có tỷ lệ đậu đại học cao thì trường sẽ được ngành, địa phương biểu dương khen ngợi, báo chí tung hô. Chẳng ai khen nếu trường tổ chức các chương trình rèn kỹ năng sống nhưng kết quả đậu đại học lại thấp!

Ở Nhật có một môn học bắt buộc đối với tất cả các bậc học, thậm chí thi vô công sở làm, thi lấy bằng lái xe, tham gia các trò chơi trên truyền hình... cũng phải qua kiểm tra kiến thức môn học này. Đó là môn Nghiên cứu xã hội. Để kiểm tra kiến thức xã hội, học sinh, các ứng viên thường phải trả lời các câu hỏi: Bạn đã bao giờ ăn cắp và nói dối? Bạn có thấy nhục nhã về hành vi này? Ra nước ngoài, bạn sẽ làm gì để người Nhật được coi trọng? Lòng nhân ái nghĩa là gì? Vì sao phải giúp đỡ người già, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật? Vì sao phải hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn chúng ta?...

Người Nhật và nhiều quốc gia khác không dạy con em họ nhận thức rằng, đất nước họ giàu có và con người giỏi giang. Ngoài dạy kiến thức, họ rất quan tâm dạy học sinh biết nỗ lực, kiên nhẫn, thích ứng nhanh để có thể làm công dân toàn cầu. Còn chúng ta, trong hàng vạn ngôi trường có bao nhiêu trường dạy kỹ năng sống ngoài mấy lớp trong hè cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở? Liệu có bao nhiêu phần trăm học sinh biết ứng phó khi xảy ra hỏa hoạn, kẹt trong thang máy hay bị điện giật, đuối nước? Chắc chắn con số này rất khiêm tốn. Và ai sẽ chịu trách nhiệm khi những điều không may ấy xảy ra?

Bảo Khanh

 

 

  • Từ khóa
108415

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu