Thứ 4, 17/04/2024 04:25:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:19, 07/03/2019 GMT+7

AI Tân Tiểu Mạnh

Trần Phương
Thứ 5, 07/03/2019 | 08:19:00 170 lượt xem

BP - Ngày 3-3-2019, hàng trăm triệu người xem truyền hình ở đất nước xấp xỉ 1,5 tỷ dân Trung Quốc đã ngạc nhiên khi một cô gái rất xinh đẹp dẫn trực tiếp chương trình thời sự của hãng thông tấn Tân Hoa xã đã giới thiệu: “Xin chào quý khán giả đang theo dõi chương trình. Chào mừng đến với bản tin của Tân Hoa xã. Tôi là nữ phát thanh viên AI đầu tiên trên thế giới được phát triển bởi Tân Hoa xã và Tập đoàn công nghệ Sogou. Tôi tên là Tân Tiểu Mạnh. Tôi sẽ đóng vai trò phát thanh viên trong suốt kỳ họp lưỡng hội năm nay” (Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc). Tôi và đồng nghiệp sẽ mang đến cho quý khán giả những bản tin chất lượng hơn...”.

Điều thú vị và khiến người xem truyền hình ở Trung Quốc ngạc nhiên không phải đây là lần đầu tiên Tân Hoa xã sử dụng AI làm phát thanh viên, mà bởi nếu Tân Tiểu Mạnh không tự giới thiệu về bản thân thì khó ai biết được cô ấy là AI. Trước đó, ngày 8-11-2018, Tân Hoa xã đã trình làng một nam AI dẫn bản tin về hội nghị internet toàn cầu tổ chức tại Trung Quốc. Mặc dù giọng nói, cử chỉ giống người thật, nhưng biểu cảm khuôn mặt của nam AI này khiến người xem dễ nhận ra đó là AI, thậm chí có thể xem đó là robot (người máy). Thế nhưng, với Tân Tiểu Mạnh, không chỉ hàng trăm triệu khán giả Trung Quốc, mà hàng tỷ người trên thế giới đã khó có thể nhận ra AI nếu như không nghe kỹ phần tự giới thiệu hoặc chưa được nghiên cứu chuyên sâu, bởi “cô ấy” có hành vi tự nhiên, biểu cảm đôi mắt không khác gì một người bằng xương bằng thịt...

AI là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “artificial intelligence” - trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo, ngày càng phổ biến trong mọi lĩnh vực của đời sống. AI khác hoàn toàn với robot. Robot chỉ là cái máy, hoạt động bởi lập trình có sẵn, không biết suy nghĩ. Còn AI là trí tuệ, trí thông minh, hành động xuất phát từ sự tự nhận thức, chứ không phải được lập trình có sẵn. Ví dụ đơn giản như robot vẫn chỉ là “cục sắt” khi đứng trước một người thất tình, người vừa trúng vé số. Nhưng AI thì khác, khi đó biết cười, khóc, hỏi thăm, chia sẻ, giúp đỡ...

Một ấn tượng nữa với hàng triệu người là trong phần giới thiệu, Tân Tiểu Mạnh đã khẳng định: “Tôi và đồng nghiệp sẽ mang đến cho quý khán giả những bản tin chất lượng hơn”. Điều này khẳng định sự tự tin và ý thức của Tân Tiểu Mạnh khi dẫn chương trình thời sự truyền hình... Phải chăng Tân Hoa xã đang thiếu phát thanh viên hay tiết kiệm tiền trả lương... nên tìm đến AI? Có lẽ đó không phải là vấn đề của kênh thông tấn lớn nhất ở đất nước đông dân nhất, là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Trung Quốc.

Vậy đó là sự nghi ngờ của một số chuyên gia hàng đầu thế giới về Tân Tiểu Mạnh? Sự nghi ngờ đó là có căn cứ và cần được kiểm chứng. Đó không phải nghi ngờ Tân Tiểu Mạnh là người thật đóng giả thành AI như suy nghĩ thoáng qua của nhiều người. Mà bởi chưa có gì khẳng định chắc chắn Tân Tiểu Mạnh là một AI đúng nghĩa - có trí tuệ - chứ không phải là một robot được làm tinh vi. Vấn đề này là của các nhà khoa học. Còn với xã hội loài người, những gì Tân Hoa xã đã làm cho thấy thế giới đã, đang và không ngừng đổi thay vô cùng mạnh mẽ, nhanh chóng. Những lĩnh vực gần gũi trong cuộc sống (phát thanh viên truyền hình) như câu chuyện về Tân Tiểu Mạnh đã trở thành hiện thực. AI, 4.0 sẽ tiến vào thế giới của những lĩnh vực phức tạp và quan trọng hơn rất nhiều như chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, văn hóa... Quốc gia, dân tộc nào không bắt kịp sự phát triển, tất sẽ bị bỏ lại phía sau.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu