Thứ 5, 25/04/2024 22:30:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:06, 07/04/2018 GMT+7

Ám ảnh với “giặc trời”

Thứ 7, 07/04/2018 | 09:06:00 692 lượt xem
BP - Theo thông tin tại hội nghị phòng, chống thiên tai toàn quốc năm 2017, nước ta gánh chịu nhiều tổn thất lớn khi có 386 người chết cùng nhiều của cải, vật chất bị mất do thiên tai gây ra, làm thiệt hại hơn 3 tỷ USD. Trước những diễn biến phức tạp, cường độ tàn phá ngày càng kinh hoàng của thiên tai đã làm gia tăng nỗi ám ảnh của người dân đối với “giặc trời” trong đời sống và sản xuất.

Năm 2017, Việt Nam đón nhận 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp nhiệt đới và kèm theo đó là lượng mưa lớn, tăng hơn 40% so với các năm trước đã gây ra lũ, lụt lớn cho các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Ở vùng núi phía Bắc, sau lũ quét thì xảy ra sạt lở đất làm 71 người chết và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi... Năm 2017, cả nước thiệt hại về kinh tế hơn 60.000 tỷ đồng cùng hàng trăm nhân mạng bị “giặc trời” cướp đi. Là tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, tuy không ảnh hưởng trực tiếp của bão hay áp thấp nhiệt đới, nhưng vài năm trở lại đây Bình Phước đã xuất hiện những tác động tiêu cực do hậu quả của biến đổi khí hậu như hạn hán kéo dài, nắng nóng cục bộ, lũ, lốc xoáy, sét... Năm 2012, Bình Phước chỉ có 3 người bị thương, 498 căn nhà bị ngập, sập cùng 830,96 ha cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại 120 tỷ đồng thì năm 2016, toàn tỉnh có 6 người chết, 8 người bị thương; gần 700 căn nhà bị hư hại, sập và gần 30.000 ha diện tích cây trồng gãy đổ, tổng thiệt hại khoảng 750 tỷ đồng do thiên tai gây ra. Trong năm 2017, trước những diễn biến bất thường của thời tiết đã làm 35.400 ha cây điều ở Bình Phước bị sâu bệnh tàn phá, gây thiệt hại hơn 80 tỷ đồng. Đặc biệt, trong quý 1/2018, lốc xoáy đã làm hàng ngàn héc ta cây tiêu ở Bù Đốp, Lộc Ninh... bị gãy, đổ, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 4-4-2018 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh năm 2018.

Từ những vấn đề đã nêu cho thấy, tình hình mưa bão, lốc xoáy ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Lũ quét gây sạt lở đất ngày càng gia tăng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản; diện tích đất bị mất ngày càng tăng. Vì vậy, ngoài đưa công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội thì người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với thiên nhiên. Điều quan trọng hơn, chính quyền các cấp, ngành chức năng cần tích cực tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp phải xem trọng việc ứng phó trước sự biến đổi của khí hậu, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường, là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ thời tiết. Trong sản xuất nông nghiệp cần ứng dụng công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế tối đa phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng vừa đảm bảo môi trường sống. Đặc biệt, công tác bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây chắn sóng, chắn gió ven biển cần được các cấp, ngành và nhân dân quan tâm thực hiện thường xuyên nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu