Thứ 6, 19/04/2024 13:10:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:00, 26/02/2018 GMT+7

Âm thanh lạc lõng

Thứ 2, 26/02/2018 | 08:00:00 167 lượt xem
BP - Tết Nguyên đán Mậu Tuất đã khép lại. Bên cạnh niềm vui và lo toan cho một năm mới, có những việc lần đầu xuất hiện nhưng rất đáng lưu tâm để nó... không xuất hiện lại nữa.

Nhập viện vì đánh nhau, nhập viện vì tai nạn giao thông, nhập viện vì ngộ độc thực phẩm, nhập viện vì uống quá nhiều rượu bia trong dịp tết... là những chuyện xưa như trái đất và khó có thể chấm dứt ngay. Theo số liệu tổng hợp của Sở Y tế, trong 7 ngày tết, Bình Phước có tới 1.366 trường hợp nhập viện cấp cứu (chưa tính điều trị tại nhà, phòng khám tư), trong đó có 411 trường hợp vì tai nạn giao thông, 37 trường hợp do đánh nhau... Nhưng đáng chú ý là năm nay có một con số mới khiến nhiều người ngạc nhiên, đó là có 7 trường hợp nhập viện do pháo nổ. Hậu quả, người bị nhẹ chỉ băng bó vết thương là được về đón tết với gia đình, song cũng có trường hợp phải nằm viện điều trị, thậm chí một em bé 12 tuổi ở thôn 3, xã Long Bình, huyện Phú Riềng bị nặng, Bệnh viện đa khoa tỉnh phải chuyển tuyến trên ngay trong đêm giao thừa...

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo được thực hiện từ ngày 1-1-1995. Từ đó đến nay, ở khu vực phía Nam nói chung và địa bàn Bình Phước nói riêng hiếm khi xảy ra vi phạm. Ở phía Bắc, những năm gần đây tình trạng đốt pháo vào dịp tết xu hướng tăng dần. Pháo lậu được đưa từ Trung Quốc sang len lỏi vào từng gia đình. Tại một số địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vào đêm giao thừa pháo nổ ì đùng vang trời. Ở nhiều nơi, thanh niên quá khích còn phóng xe máy đốt pháo ném vào cổng nhà cán bộ xã... Lực lượng công an, dân quân không quyết liệt và cũng không đủ quân số dàn trải khắp các tuyến đường nên bất lực. Tình hình sau mỗi năm một nghiêm trọng hơn.

Đang ngồi trong quán cà phê, tiệm hớt tóc... hay đang đi đường, bỗng nghe “ĐÙNG” ngay bên tai, giật mình nhìn xung quanh thì kẻ gây ra tiếng pháo nổ ấy đã chạy mất dạng. Không ít trường hợp như thế xảy ra trong những ngày giáp tết vừa qua tại thị xã Đồng Xoài cũng như một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Có lẽ cả trăm trường hợp đốt pháo mới xảy ra 1 trường hợp bị nhập viện. Nếu như thế, 7 trường hợp nhập viện phải có tới 700 trường hợp đốt pháo trong 7 ngày tết - một con số không hề nhỏ.

Một trong những lý do cổ xưa nhất của đốt pháo trong ngày tết (cũng như trồng cây nêu) là người phương Đông tin rằng tà ma nghe tiếng pháo sẽ sợ hãi không dám tới gần con người. Lâu dần, đốt pháo trở thành thói quen khi tết đến xuân về hay trong dịp lễ trọng đại. Thế nhưng, đốt pháo lãng phí rất lớn, gây nguy hiểm và để lại nhiều hậu quả nặng nề.

Từ năm 1995 đến nay, có thể xem như đã có một thế hệ người Việt mới không quen với tiếng pháo. Đốt pháo từng được xem là phong tục, song không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên nhiều người vẫn hoài niệm tiếng pháo nổ trong ngày tết, thậm chí có người đề xuất cho đốt, song là pháo không có tiếng nổ(!?). Phải chăng nhà nước tổ chức bắn pháo hoa rực rỡ chưa đủ hấp dẫn? Chắc chắn không phải. Vấn đề là ý thức và quan niệm trong văn hóa của mỗi người. Thay vì bỏ tiền mua và đốt pháo, tại sao không mua và trồng một cây xanh hưởng ứng tết trồng cây của Bác Hồ hay tham gia một hoạt động cộng đồng? Thay vì phóng xe ngoài đường ném pháo, tại sao không quây quần bên người thân?...

Đốt pháo không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tạo nên âm thanh lạc lõng trong đời sống xã hội. Điều này cần được nhận thức đầy đủ và cần được “điều trị” từ sớm, không để trở thành nan y như một số địa phương phía Bắc hiện nay.

Trần Phương

  • Từ khóa
108821

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu