Thứ 4, 24/04/2024 16:48:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 06:34, 11/12/2014 GMT+7

Hai cấp tòa phán quyết một bản án theo kiểu thầy bói…

Thứ 5, 11/12/2014 | 06:34:00 1,835 lượt xem
BP - Bản án xét xử qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm nhưng khi có hiệu lực lại không thể thi hành vì tài sản chỉ có ở trên giấy. Khi cơ quan thi hành án dân sự huyện Chơn Thành có công văn đề nghị giải thích thì tòa hai cấp vội vàng đính chính bản án. Việc đính chính của tòa án hai cấp đã vi phạm Bộ luật Tố tụng dân sự, nhưng lại viện cớ sai sót do đánh máy.

SANG NHƯỢNG ĐẤT BẤT CHẤP PHÁP LUẬT

Theo hồ sơ vụ án, ông Trần Quang Lân, trú thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) được UBND huyện Bình Long cũ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H408133 ngày 11-6-1996 với diện tích 14.875m2, thuộc địa bàn ấp 3, xã Minh Thắng (Chơn Thành).

Minh họa: S.H

Sau khi có đất, ông Lân giao cho vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Hương trông coi. Bà Hương thuê ông Nguyễn Văn Nhật có hộ khẩu tại tỉnh Bình Dương đứng ra chăm sóc vườn cây cao su. Do biết bà Hương có ý định sang nhượng đất nên cuối năm 2001, dù không có sự ủy quyền của ông Lân nhưng ông Nhật vẫn đứng ra chuyển nhượng diện tích đất và vườn cao su cho ông Lê Hữu Thuận và Lê Hữu Hòa, trú ấp 3, xã Minh Thắng (Chơn Thành) bằng giấy viết tay. Tháng 10-2012, ông Trần Quang Lân có đơn đề nghị Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành ra quyết định tuyên “hủy hợp đồng mua bán vườn cây cao su và quyền sử dụng đất (bằng giấy viết tay)” để lấy lại vườn cây cao su của mình. Đồng thời buộc bị đơn phải trả thêm 300 triệu đồng tiền hoa lợi khai thác vườn cây từ năm 2001 đến lúc khởi kiện...

Ngày 14-5-2013, Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành đã đưa vụ án “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn Trần Quang Lân và bị đơn là 2 ông Lê Hữu Thuận và Lê Hữu Hòa ra xét xử. Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Quang Lân, tuyên “hủy toàn bộ hợp đồng (viết tay) mua bán vườn cây cao su và quyền sử dụng đất lập ngày 20-12-2001 giữa ông Nguyễn Văn Nhật với các ông Lê Hữu Thuận, Lê Hữu Hòa; buộc ông Lê Hữu Thuận, Lê Hữu Hòa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trả lại vườn cây cao su trên diện tích đất 14.048,2m2 tọa lạc tại ấp 3, xã Minh Thắng (Chơn Thành) do UBND huyện Bình Long cũ cấp cho ông Lân”...

Sau khi có bản án sơ thẩm, ông Lê Hữu Thuận, Lê Hữu Hòa đã kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Ngày 13-5-2014, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm vụ án. Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của 2 ông Lê Hữu Thuận, Lê Hữu Hòa và giữ nguyên bản án của tòa sơ thẩm.

TÒA XỬ THEO KIỂU THẦY BÓI

Sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, cơ quan thi hành án dân sự huyện Chơn Thành tiến hành các thủ tục để kê biên hiện trạng tài sản chuẩn bị thi hành bản án. Nhưng quá trình xác minh, cơ quan thi hành án dân sự huyện không tìm thấy ở ấp 3, xã Minh Thắng có lô đất nào như trong bản án mà tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên.

Sau đó, cơ quan thi hành án dân sự huyện đã làm việc với ông Lê Hữu Thuận, người phải thi hành án để xác minh tài sản. Ông Lê Hữu Thuận khẳng định, gia đình mình không có thửa đất nào tọa lạc tại ấp 3, xã Minh Thắng để giao cho cơ quan thi hành án. Trước đó, khi phiên tòa phúc thẩm chưa được tổ chức thì ngày 27-1-2014, UBND huyện Chơn Thành đã có Công văn số 67/UBND-NC trả lời Tòa án nhân dân tỉnh về thửa đất của ông Lân tại ấp 3, xã Minh Thắng là không có thực. Công văn này nêu rõ: “Trong hồ sơ địa chính, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện, UBND các xã Nha Bích, Minh Thắng... không có hồ sơ đất của ông Trần Quang Lân”.

Do không tìm được tài sản mà bản án hai cấp đã tuyên để thi hành bản án, chủ tọa hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm vội vàng ra đính chính lại bản án. Cụ thể, tòa tuyên thửa đất tọa lạc “tại ấp 3, xã Minh Thắng” nay sửa thành “tại ấp 1, xã Minh Thắng”(!?)

VÌ SAO DƯ LUẬN NGHI NGỜ?

Điều 38 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3-12-2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn thi hành mốt số quy định Bộ luật Tố tụng dân sự, quy định:

1. Chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án trong các trường hợp sau:

Phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả như lỗi do chữ viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ tên của đương sự. Số liệu nhầm lẫn do tính toán sai (kể cả án phí) như cộng, trừ, nhân chia sai... mà phải sửa lại cho đúng.

Như vậy, việc tòa án hai cấp tuyên diện tích đất ở ấp 3, sau đó đính chính sang ấp 1 không thuộc những trường hợp trên.

Nguyên đơn khởi kiện trong vụ việc này là ông Trần Quang Lân với yêu cầu tòa tuyên “hủy hợp đồng mua bán vườn cao su và quyền sử dụng đất, đồng thời bồi thường tiền hoa lợi trên đất”. Như vậy, yêu cầu của ông Lân là hoàn toàn chính đáng và đúng pháp luật. Bởi trong quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, hợp đồng sang nhượng đất giữa ông Nguyễn Văn Nhật với ông Lê Hữu Thuận, Lê Hữu Hòa là vô hiệu. Vì ông Nguyễn Văn Nhật không phải là chủ sở hữu quyền sử dụng diện tích đất và cũng không được chủ sở hữu là ông Trần Quang Lân ủy quyền. Mặc dù vậy, không hiểu sao tòa án hai cấp đã chuyển vụ việc sang nội dung “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Hai là, dù UBND huyện đã có công văn trả lời trước phiên tòa phúc thẩm gần 5 tháng về việc không có hồ sơ đất của ông Trần Quang Lân tại ấp 3, xã Minh Thắng, nhưng tại sao hội đồng xét xử không xem xét? Chính việc này đã dẫn tới phán quyết của tòa theo kiểu “thầy bói đoán mò”! Thứ ba, quy định tại Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi đơn kiện. Ở đây, ông Lân chỉ kiện ông Thuận, ông Hòa đối với thửa đất tại ấp 3, xã Minh Thành nhưng tòa lại đính chính đó là thửa đất tại ấp 1 là vượt quá phạm vi khởi kiện của nguyên đơn. Bên cạnh đó, tất cả hồ sơ vụ án, quyết định của tòa án đều nói về thửa đất tại ấp 3. Do vậy, khi tòa đính chính mà không dựa vào hồ sơ, biên bản nghị án là không có cơ sở và thiếu căn cứ để đính chính bản án.

Qua xác minh của chúng tôi, diện tích đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H408133 không tồn tại ở ấp 3, xã Minh Thắng và hồ sơ gốc đất của ông Trần Quang Lân không có ở kho lưu trữ của cơ quan chức năng huyện Chơn Thành. Thế nhưng, tòa hai cấp vẫn xét xử và phán quyết là ở ấp 3. Vì vậy, việc dư luận nghi ngờ về năng lực của một số người cầm cân nảy mực ở Bình Phước là hoàn toàn có cơ sở.                                  

Nội Chính

  • Từ khóa
26082

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu