Thứ 5, 25/04/2024 10:31:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:12, 22/08/2014 GMT+7

Ẩn sĩ tài danh

Thứ 6, 22/08/2014 | 10:12:00 183 lượt xem

BP - Nguyễn Thiếp sinh năm Quý Mão - 1723, tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông vốn tên là Nguyễn Minh. Sau vì húy Minh Đô vương, tức chúa Trịnh Doanh (1740-1767) nên đổi gọi là Nguyễn Thiếp. Trong số các danh sĩ sống vào giai đoạn lịch sử này ít ai có nhiều tên hiệu như Nguyễn Thiếp: Hạnh Am, Khai Xuyên, Điền Ẩn, Cuồng Ẩn, Lạp Phong cư sĩ, Bùi Phong cư sĩ, Lục Niên tiên sinh, Hầu Lục niên, Lam Hồng dị nhân, La Giang phu tử, La Sơn phu tử... Tuy nhiên, tên hiệu được đời biết đến nhiều hơn cả vẫn là La Sơn phu tử và sau đó là Hạnh Am.

Năm 1743, Nguyễn Thiếp đỗ Hương cống (học vị này về sau đổi gọi là Cử nhân). Sau khi đỗ, ông được chúa Trịnh Doanh bổ làm Huấn đạo và chẳng bao lâu thì thăng làm Tri huyện của huyện Thanh Chương (Nghệ An). Thời Nguyễn Thiếp bước vào hoan lộ cũng là thời tàn tạ thảm hại của chế độ phong kiến Đàng Ngoài. Buồn nản vì cảnh mục ruỗng của triều đình, cảnh đen bạc của nhân tình thế thái, Nguyễn Thiếp liền từ quan, về núi Thiên Nhẫn ở quê nhà để sống cuộc đời thanh bạch của bậc ẩn cư.

Tuy chỉ đỗ Hương cống nhưng nhờ có thực tài và đức độ, lại giàu khí khái, Nguyễn Thiếp có uy tín xã hội rất rộng lớn. Tên tuổi của ông có ảnh hưởng khá lớn đối với đội ngũ sĩ phu đương thời. Nguyễn Huệ sớm biết tiếng Nguyễn Thiếp, chủ yếu cũng bởi lý do này.

Cuối năm 1788, sau khi lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Huệ đã dẫn đại quân thần tốc tiến ra Bắc để đánh trận quyết định với quân Mãn Thanh xâm lược. Dọc đường hành quân, dù vô cùng vội vàng và bận rộn với không biết bao nhiêu việc trọng đại, Nguyễn Huệ vẫn dành thời gian cho mời Nguyễn Thiếp tới hỏi ý kiến. Tuy quyết chí xa lánh công danh và hoan lộ, nhưng Nguyễn Thiếp vẫn luôn cố gắng theo dõi mọi diễn biến của thời cuộc, bởi vậy, ý kiến của bậc ẩn sĩ này sắc sảo đến lạ lùng. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên Nguyễn Huệ hỏi: Quân Thanh sang đánh, nay ta đem quân chống cự. Về kế công thủ và số được thua, tiên sinh cho biết thế nào?

Nguyễn Thiếp đáp rằng: Nay trong nước trống không, lòng người ly tán. Quân Thanh lại ở xa, tình hình quân ta sức mạnh sức yếu không biết, thế công thế thủ không hay. Chúa công ra chuyến này chẳng qua 10 ngày là giặc Thanh sẽ tan. 

Nhận định của Nguyễn Thiếp rất phù hợp với nhận định của Nguyễn Huệ, bởi vậy Nguyễn Huệ rất lấy làm vui. Ý định đánh nhanh thắng nhanh vốn đã được hình thành càng được khẳng định, niềm tin ở thắng lợi to lớn và triệt để vốn đã mạnh mẽ đến đây càng trở nên mạnh mẽ gấp bội. Trên cơ sở ý định vững chắc và niềm tin sắt đá đó, Nguyễn Huệ đã dõng dạc tuyên bố với quân sĩ tại Tam Điệp - Biện Sơn rằng:

- Nay ta tới đây thân đốc việc binh, kế chiến thủ ra sao đều đã có phương lược định sẵn. Chỉ nội 10 ngày nữa, thế nào ta cũng quét sạch giặc Thanh. Nay hãy ăn tết Nguyên đán trước, đợi đến mồng 7 tháng Giêng vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng như vậy không.

Diễn biến của trận quyết chiến chiến lược với quân xâm lược Mãn Thanh đúng như dự biến thiên tài của Nguyễn Huệ, như nhận định chính xác và sâu sắc của Nguyễn Thiếp. Bởi lý do này, Nguyễn Huệ càng trân trọng và đánh giá cao tài năng của Nguyễn Thiếp. Về phần mình, Nguyễn Thiếp cũng rất khâm phục Nguyễn Huệ cả về đức độ dày dạn lẫn trí dũng phi thường. Vì thế, ông đã từ bỏ cuộc sống ẩn dật để ra cộng tác với chính quyền và được vua Quang Trung đặc biệt tin cậy.

Lời bàn:

Sức mạnh vĩ đại của phong trào Tây Sơn đã làm không ít sĩ phu yêu nước ngày ấy thức thời rồi đứng về phía Tây Sơn và họ đã có nhiều cống hiến lớn lao đối với Tây Sơn, với lịch sử dân tộc. Tuy đến với Tây Sơn sớm hay muộn có khác nhau và mức độ cống hiến, nhưng hình ảnh của tất cả những sĩ phu yêu nước thời ấy đều được sử sách ghi lại một cách rất trân trọng. Đó là Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và Nguyễn Thiếp. Cả ba nhân vật đặc biệt này tuy chưa từng một lần cầm quân xông pha trận mạc nhưng với tầm nhìn và phép ứng xử tuyệt vời, họ đã có ảnh hưởng rất lớn đối với mọi hoạt động và thắng lợi của phong trào Tây Sơn.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là một nhà tư tưởng, nhà thơ, học giả nổi tiếng, là vị quân sư tối cao của hoàng đế Quang Trung. Ông đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho chính sách của vua Quang Trung về văn hóa, giáo dục, về việc lựa chọn người hiền tài dâng lên triều đình, về việc đề nghị vua Quang Trung định lại các khu vực hành chính ở Nghệ An, về việc tuyển chọn lính tráng, việc thu thuế... sao cho phù hợp. 222 năm đã trôi qua kể từ ngày Quang Trung đột ngột từ trần (16-9-1792) nhưng những chính sách trọng dụng hiền tài của vị vua “áo vải cờ đào” này vẫn mãi là kinh nghiệm quý cho đời sau.

N.V

 

  • Từ khóa
109573

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu