Thứ 7, 27/04/2024 11:04:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:27, 03/08/2017 GMT+7

Anh em đồng lòng

Thứ 5, 03/08/2017 | 08:27:00 2,540 lượt xem

BP - Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông của Đại Việt dưới triều nhà Trần, có 3 anh em tù trưởng người Tày là Hà Bổng, Hà Đặc và Hà Chương đã biết vận dụng mưu kế rất thông minh để đánh đuổi quân xâm lược. Trong đó, Hà Bổng là thủ lĩnh người dân tộc trấn giữ tại vùng Quy Hóa và là chủ trại Quy Hóa (phía Bắc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay).

Theo sách trên, năm 1258, U-ri-ang-kha-đai đem quân sang cướp nước ta. Giặc bị quân và dân Đại Việt đánh cho tơi bời ở Đông Bộ Đầu (dốc Hàng Than, đầu cầu Long Biên, Hà Nội ngày nay) nên đã tháo chạy tán loạn. Khi chúng chạy qua vùng Quy Hóa, lập tức bị Hà Bổng đem đội dân binh của mình ra đánh quyết liệt. Giặc càng thêm hốt hoảng nên chúng tháo chạy thục mạng, không dám cướp lương thực, vì thế bị nhân dân đương thời mỉa mai gọi là “giặc Phật”.

Minh họa: S.H

Sau chiến thắng này, Hà Bổng được triều đình nhà Trần phong tới tước Hầu. Tháng 1-1258, quân Mông Cổ tấn công Đại Việt lần thứ nhất và bị thất bại nhục nhã. Mãi đến mùa xuân năm 1285, sau khi thống nhất đất nước Trung Hoa rộng lớn và lập ra nhà Nguyên, quân Mông Cổ mới có cơ hội rửa mối quốc hận. Hốt Tất Liệt - đại hãn thứ 5 của Mông Cổ, đồng thời là người sáng lập ra nhà Nguyên, xua trên 50 vạn quân sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Lần này, quân Nguyên chia thành 3 mũi tiến đánh Đại Việt. Mũi chủ công do thái tử Thoát Hoan chỉ huy, từ Quảng Tây sang Lạng Sơn rồi xuống Thăng Long. Mũi thứ hai do tướng Nạp Tốc Lạt Đinh chỉ huy, từ Vân Nam tiến sang nước ta theo sông Chảy, sông Lô. Mũi thứ ba do Ô Mã Nhi đảm trách, đi theo đường biển chở lương thực.

Tháng 4-1285, quân Đại Việt bắt đầu phản công, gây thiệt hại nặng cho quân Nguyên ở Hàm Tử (Hưng Yên), Chương Dương (Hà Nội), Vạn Kiếp (Hải Dương), buộc các cánh quân của giặc phải rút chạy. Đạo quân của Nạp Tốc Lạt Đinh rút chạy theo đường sông Lô khi đến Cự Đà (huyện Phù Ninh) thì bị lực lượng dân binh của một tù trưởng người Tày tên Hà Đặc và em là Hà Chương chặn đánh. Chiến sự diễn ra ác liệt ở hai bờ sông Lô thuộc huyện Phù Ninh và Lập Thạch được chép lại trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” - bộ sử được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu vào năm 1697, triều vua Lê Hy Tông, với nội dung như sau:

Khi bị Hà Đặc, Hà Chương - hai người em của Hà Bổng, đem quân chặn đánh, đạo quân của Nạp Tốc Lạt Đinh phải co cụm lại ở Đông Cự Đà để tìm cách đối phó. Lúc đó, Hà Đặc vận động nhân dân trong vùng lấy tre đan thành những hình người to lớn khác thường, rồi cho mặc quần áo. Cứ đến chập choạng tối lại đưa “đội quân” khổng lồ này lúc ra, lúc vào, khi ẩn, khi hiện. Quân giặc bán tín bán nghi, tưởng rằng Đại Việt được trời cử thiên binh, thiên tướng xuống giúp sức đánh chúng nên tinh thần binh sĩ thêm hoang mang.

Chưa hết, ông còn cho người đục thủng những thân cây to trong rừng rồi cắm mũi tên lớn vào đó. Quân giặc thấy thế, càng thêm hoang mang, tưởng rằng đội thiên binh thiên tướng khổng lồ này bắn được những mũi tên cứng xuyên qua cây to. Quân giặc vì thế mà nảy sinh lo sợ và không dám ra khỏi trại. Lợi dụng lúc giặc hoang mang dao động, ông dẫn quân tập kích phá tan doanh trại của chúng. Quân giặc thua to, tháo chạy. Ông đánh đuổi giặc đến A Lạp thì cho quân làm cầu phao bắc qua sông truy kích, ông bị trúng tên và tử trận.

Trong trận đánh này, em trai ông là Hà Chương bị giặc bắt. Nhân lúc nửa đêm, khi quan giặc sơ ý, Hà Chương lấy cờ xí, quân phục của giặc mặc vào người rồi trốn về. Nhờ cờ xí, quân phục lấy được, ông cho dân binh giả làm quân Nguyên Mông đến doanh trại giặc. Chúng chưa kịp phát hiện ra mưu lược của ông thì đã bị đánh úp bất ngờ từ hai phía. Quân giặc tan vỡ, phải bỏ doanh trại tháo chạy. Vì sử cũ không ghi chép cụ thể nên đến ngày nay không ai biết Tù trưởng Hà Đặc sinh vào năm nào, chỉ biết sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép ông là người dân tộc Tày và là người “đặt mưu kế để lừa quân giặc rồi đem toàn lực ra đánh đuổi quân Nguyên - Mông chạy tới đất A Lạp.

Lời bàn:

Trong 3 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại diễn ra dưới thời Trần, sử sách đã trân trọng ghi chép tên tuổi lừng lẫy của nhiều vị danh tướng. Cũng trong 3 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại này, bên cạnh các vị danh tướng còn có hàng loạt những tấm gương anh hùng tiết tháo. Họ chưa bao giờ là tướng, nhưng chính họ đã lập không ít kỳ công, làm rạng rỡ truyền thống ngoan cường và bất khuất của cả dân tộc. Tên tuổi của họ sống mãi trong ký ức bất diệt của nhân dân. Tù trưởng Hà Bổng cùng 2 người em trai là Hà Đặc, Hà Chương là những người như vậy.

Tài liệu về 3 anh em ông chỉ vỏn vẹn ít dòng ngắn gọn trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” nhưng công lao và đóng góp của 3 anh em ông vẫn mãi mãi được người đời sau tôn kính, ngưỡng mộ. Ngày nay, ở nhiều thành phố lớn trong cả nước đều có đường mang tên 3 anh em ông. Từ nội dung của giai thoại này cho thấy, tinh thần đoàn kết của dân tộc ta là một thanh kiếm sắc nhọn nhất, là sức mạnh vô song tiêu diệt mọi kẻ thù và Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương chính là những người con ưu tú nhất của miền núi phía Bắc trong kháng chiến chống quân Nguyên - Mông.

N.D

  • Từ khóa
109942

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu