Thứ 6, 29/03/2024 03:31:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:47, 08/05/2018 GMT+7

Ảo vọng hão huyền

Thứ 3, 08/05/2018 | 08:47:00 1,147 lượt xem
BP - Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, xu hướng gác lại quá khứ, vượt qua bất đồng, hướng tới tương lai đã và đang được nhiều quốc gia ủng hộ. Tuy nhiên, một bộ phận có dã tâm xấu với chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn kêu gọi “phục quốc”, khôi phục lại cái gọi là Việt Nam Cộng hòa. Đây thật sự là một ảo vọng hão huyền, không có tính thực tế, sẽ hoàn toàn thất bại.

Chúng ta đều biết, Việt Nam Cộng hòa là một chế độ tay sai do đế quốc Mỹ dựng lên, không đại diện cho quyền lợi và ý chí của dân tộc Việt Nam. Việc thành lập chế độ Việt Nam Cộng hòa là hoàn toàn phi pháp, vi phạm trắng trợn Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Việt Nam. Hiệp định Giơ-ne-vơ nêu rõ: “Đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín. Để cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý muốn, cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956”. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ khi đó đã ngang nhiên phủ nhận Hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống của cái gọi là Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, thay thế Quốc trưởng Bảo Đại đã hết giá trị lợi dụng. Lý do nực cười do Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao đưa ra là: Hoa Kỳ không tham dự vào những quyết định của Hội nghị Giơ-ne-vơ và không bị ràng buộc vào những quyết định ấy. Mỹ muốn có một chính phủ chống cộng tồn tại ở miền Nam Việt Nam, bất kể chính phủ đó có tôn trọng dân chủ hay không.

Trong suốt quá trình tồn tại của mình, chính quyền Việt Nam Cộng hòa luôn thể hiện tính chất phản động, hiếu chiến, phản dân hại nước. Chúng đàn áp dã man nhân dân miền Nam với Đạo luật phát-xít 10/1959; thực thi chính sách tàn bạo “dồn dân lập ấp chiến lược” hòng “tát nước bắt cá”, “tìm diệt và bình định”. Tất cả những chủ trương đó đều nhằm một mục đích duy nhất là kìm kẹp, khủng bố nhân dân, tiêu diệt tận gốc đồng bào yêu nước và chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Nếu thực sự vì dân thì không có một chế độ nào lại có kiểu hành xử dã man, tàn bạo với người dân của mình như thế.

Vấn đề quan trọng, mấu chốt cần phân tích, làm rõ là chế độ Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ, từ chính trị, kinh tế, quân sự cho tới ngoại giao. Tất cả đều do Mỹ điều khiển. Về chính trị thì việc lập người này, thay người kia đều do ý người Mỹ; nhận viện trợ kinh tế của Mỹ; về quân sự, Mỹ viện trợ kinh phí, vũ khí trang bị và huấn luyện quân đội. Chính Tổng thống Mỹ Giôn F. Ken-nơ-đi đã tuyên bố: “Nếu chúng ta không phải là cha mẹ của nước Việt Nam bé nhỏ (Việt Nam Cộng hòa - tác giả) thì chắc chắn chúng ta cũng là cha mẹ đỡ đầu của nó. Chúng ta là chủ tọa khi nó ra đời, chúng ta viện trợ để nó sống, chúng ta giúp định hình tương lai của nó. Đó là con đẻ của chúng ta, chúng ta không thể bỏ rơi nó” (Mc.Namara - Nhìn lại quá khứ, tấn thảm kịch và những bài học Việt Nam - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 44).  Với những “thành tích” như thế, thử hỏi rằng Việt Nam Cộng hòa có xứng đáng để lãnh đạo nhân dân, làm chủ đất nước Việt Nam hiện nay không? Và lịch sử đã rất công bằng khi không thừa nhận chế độ Việt Nam Cộng hòa, đã vĩnh viễn loại bỏ Việt Nam Cộng hòa ra khỏi đời sống chính trị, đời sống xã hội bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. 

Thế nhưng hiện nay, một số ít thành viên còn lại của Việt Nam Cộng hòa đang phải sống vất vưởng, tha hương cầu thực nơi đất khách quê người vẫn nuôi ảo vọng “phục quốc”. Trong khi đó, ông Nguyễn Cao Kỳ - một nhân vật cộm cán trong ngụy quân, ngụy quyền còn phải thừa nhận: ...Phải chấp nhận đó là một sự thật lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Bây giờ vẫn còn nói là phục quốc là hão huyền. Nước Việt Nam có mất cho Tây, cho Tàu đâu mà phục quốc? Chưa kể là ba triệu người hải ngoại không thể nhân danh cho đất nước Việt Nam...” (Bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Cao Kỳ trên VTV1 ngày 30-4-2005).

Cùng với đó, sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ năm 2015, tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai đã trở thành phương châm, tư tưởng chủ đạo của Đảng, Nhà nước ta và đồng bào người Việt cả trong, ngoài nước. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” đã khẳng định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận rất quan trọng, không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chúng ta khuyến khích, mời gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đồng bào người Việt đang định cư ở nước ngoài trở về nước thăm thân, đầu tư phát triển kinh tế. Hưởng ứng chủ trương, chính sách đó của Đảng, Nhà nước ta, nhiều người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, trong đó có một số nhân vật thuộc “phía bên kia” trước đây như Nguyễn Cao Kỳ - nguyên Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã về thăm và có nguyện vọng đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.

Người Việt Nam ta thường nói “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, quay đầu là bờ, hãy chôn vùi quá khứ tội lỗi và sai lầm của mình để trở về với đất mẹ yêu thương. Tổ quốc luôn luôn bao dung, dang rộng vòng tay để ôm vào lòng mình những đứa con biết sám hối quay về.

Thanh Quang (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2762

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu