Thứ 4, 24/04/2024 21:46:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:17, 13/12/2014 GMT+7

Ấp 7, xã Minh Lập bị ô nhiễm nặng vì nước thải chế biến tinh bột mì

Thứ 7, 13/12/2014 | 08:17:00 588 lượt xem
BP - Sau 10 năm hoạt động, nguồn nước thải trong quá trình chế biến tinh bột mì của Doanh nghiệp tư nhân Anh Quốc ở ấp 7, xã Minh Lập (Chơn Thành) đã làm cho đất nhiễm độc, nước bị ô nhiễm. Mặc dù xảy ra trong thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nhưng các cơ quan chức năng vẫn đang nhìn nhau... chờ xử lý.

VẪN ĐẠT QUY CHUẨN CHO PHÉP?

Xưởng chế biến tinh bột mì Anh Quốc hoạt động từ năm 2004, với công suất chế biến 50 tấn thành phẩm tinh bột/ngày đêm. Năm 2013, Xưởng chế biến tinh bột mì Anh Quốc chuyển đổi thành Doanh nghiệp tư nhân Anh Quốc, do bà Trương Thị Mỹ Chi làm giám đốc, đồng thời xây dựng hệ thống xử lý nước thải dùng khí biogas để sấy tinh bột. Bình quân mỗi năm, doanh nghiệp Anh Quốc đóng phí bảo vệ môi trường khoảng 20 triệu đồng.

Nước thải theo hệ thống ngầm đặc biệt của nhà máy chế biến tinh bột mì Anh Quốc xả trực tiếp qua đất chùa Hoa Nghiêm vào sáng thứ Bảy (6-12-2014) (ảnh 1). Van mở nước xả thải chưa qua xử lý được ngụy trang trong cỏ ngay dưới bờ hồ chứa nước thải (ảnh 2). Ống thoát nước từ bể chứa ra môi trường (ảnh 3)

Năm 2011, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt doanh nghiệp này 60 triệu đồng vì xả thải vượt quy chuẩn cho phép. Năm 2013, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp lấy mẫu nước thải của doanh nghiệp Anh Quốc để phân tích, kết quả các chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn cho phép. Năm 2014, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cũng lấy mẫu phân tích hàm lượng COD và SST, kết quả 2 chỉ tiêu này đều đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Mặc dù kết quả sau phân tích là vậy nhưng khi phóng viên đề nghị được photo bản kết quả phân tích nước thải của Doanh nghiệp tư nhân Anh Quốc thì Phòng thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường từ chối cung cấp, với lý do kết quả phân tích chỉ có giá trị tại thời điểm lấy mẫu...

Đại tá Trà Văn Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) cho biết, việc gây ô nhiễm của nhà máy chế biến tinh bột mì Anh Quốc đang trong quá trình điều tra, chờ xử lý nên không thể cung cấp thông tin cho báo chí.

NƯỚC THẢI “CHẢY QUA”
CƠ QUAN CHỨC NĂNG

Chỉ về phía tường rào đang xây, sư cô Thích nữ Thiên Liên nói như than thở: “Nước thải của nhà máy cứ tràn, thẩm thấu qua đất chùa Hoa Nghiêm nhiều năm nay. Nhà chùa đã huy động phật tử đắp bờ bao để ngăn nước thải nhưng bờ bao vỡ từng khúc do không chịu nổi áp lực khi nhà máy xả thải. Đầu năm 2014, chùa phải dùng đá để xây móng nhưng nước thải vẫn ngấm qua”.

Hệ thống bể chứa nước thải của nhà máy chế biến tinh bột mì Anh Quốc (ảnh lớn). Sau hơn 10 năm dùng nước giếng, chị Đoàn Thị Phượng phải sử dụng nước bình trong sinh hoạt hàng ngày (ảnh nhỏ)

 
Theo hướng dẫn rất tỉ mỉ của người dân, chúng tôi mới phát hiện bể chứa nước thải tinh bột mì của Doanh nghiệp tư nhân Anh Quốc có hệ thống xả khá đặc biệt. Hệ thống đường ống được nối trực tiếp từ hầm chứa biogas số 1 qua hầm số 2. Giữa đường ống được kết nối bằng một van đóng mở đặt sát mặt đất để xả thải trực tiếp ra môi trường. Tất cả đường ống cũng như van đóng mở đều được ngụy trang dưới lớp cỏ dại rất khó phát hiện. Nhà máy thường lợi dụng khi trời mưa hoặc những ngày nghỉ cuối tuần để mở van xả thải trực tiếp ra môi trường. Mỗi khi mở van là cả không gian rộng lớn đặc quánh mùi hôi từ xác bã hữu cơ đang trong quá trình phân hủy. Nguồn nước đen ngòm chảy tràn qua vườn điều, vườn cao su của người dân xung quanh. Đặc biệt, đất chùa Hoa Nghiêm thường xuyên hứng chịu cảnh ngập úng do nước thải của nhà máy. Tình trạng đó đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý.

ĐẤT NHIỄM ĐỘC, NƯỚC Ô NHIỄM

3 năm trở về trước, gia đình tôi và các hộ xung quanh vẫn thường dùng nước giếng để ăn uống, sinh hoạt. Giờ đây, nước giếng bốc mùi hôi, pha trà thì nước đen sì. Vì vậy, chúng tôi phải mua nước lọc để nấu ăn và uống hàng ngày. Vườn cao su của gia đình cũng có nhiều cây bị chết vì đất nhiễm độc từ nước thải chế biến tinh bột mì.

Chị Đoàn Thị Phượng, ấp 7, xã Minh Lập.

Với công suất chế biến tinh bột mì của Doanh nghiệp tư nhân Anh Quốc như hiện nay, mỗi ngày Nhà máy này phải cần đến 600m3 nước. Có nghĩa trong 10 năm qua, lượng nước thải của nhà máy chế biến tinh bột mì Anh Quốc xả ra môi trường là con số khổng lồ. Nước thải chế biến tinh bột mì có chứa hàm lượng hữu cơ khó phân hủy cũng như chất rắn lơ lửng hết sức nguy hại. Điều đó đã và đang chứng minh trên thực tiễn ở các hộ dân sống xung quanh nhà máy.

Sư cô Thích nữ Thiên Liên cho biết, việc xả thải cũng như sự thẩm thấu của nước thải không được xử lý triệt để không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn làm cho đất nhiễm độc, nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Gần 20 cây điều của chùa Hoa Nghiêm đã chết đứng bên bể chứa nước thải. Nước giếng của chùa và 5 hộ ở gần nhà máy hiện không thể sử dụng vì đã mùi hôi nồng nặc.

“Mỗi năm, chúng tôi chỉ được phép thanh, kiểm tra một đến hai lần. Mỗi lần đi như thế phải có lịch báo trước cho doanh nghiệp. Kiểm tra cũng phải đi trong giờ hành chính. Do vậy rất khó phát hiện các hành vi vi phạm môi trường của doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Đức Cửu, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường.  

“Nếu doanh nghiệp không xử lý triệt để nước thải thì chắc chắn sẽ ô nhiễm nguồn nước và đất. Doanh nghiệp chỉ cần bỏ một ngày không sụt khí thì mật độ vi sinh vật hiếu khí sẽ bị chết, nguồn nước thải theo đó sẽ không đạt chỉ tiêu cho phép. Nước thải có được xử lý triệt để hay không phụ thuộc vào ý thức của doanh nghiệp” - Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nguyễn Đức Cửu khẳng định.                

Một nguồn tin cho biết, hôm qua 10-12, cơ quan chức năng đã có quyết định xử phạt doanh nghiệp Anh Quốc hơn 200 triệu đồng vì vi phạm các quy định bảo vệ môi trường. Báo Bình Phước sẽ tiếp tục phản ánh khi có thông tin cụ thể về vụ việc?

Đông Kiểm

  • Từ khóa
92526

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu