Thứ 6, 29/03/2024 15:33:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:51, 27/03/2013 GMT+7

Ấp Điện Ảnh rất cần hệ thống dẫn nước tưới

Thứ 4, 27/03/2013 | 14:51:00 492 lượt xem

Đập thủy lợi M26 ở huyện Bù Đốp được xây dựng năm 2009 và đưa vào sử dụng từ năm 2010, với mục đích bảo đảm nguồn nước tưới cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn 2 xã Hưng Phước và Phước Thiện. Tuy nhiên, không chỉ mùa khô năm nay mà cả những mùa khô trước, cánh đồng rộng mênh mông của hai xã đều phải bỏ hoang chờ mưa xuống. Trong khi đây là địa bàn biên giới, đất đai khô cằn và đa số người dân có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí nhiều hộ đang trong tình trạng không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.

NHỮNG BẤT CẬP

Bà Bùi Thị Quỵnh, Trưởng ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện (Bù Đốp) cho biết: Ấp hiện có 156 hộ dân sinh sống, trong đó có 57 hộ có đất sản xuất trên cánh đồng sát chân đập với diện tích hơn 100 ha. Xây dựng đập để phục vụ sản xuất, nhưng do không có hệ thống kênh mương dẫn nước nên vào những tháng mùa khô, cánh đồng phải bỏ hoang hoàn toàn. Vì việc cấy lúa hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên chúng tôi chỉ sản xuất được 2 vụ lúa với những diện tích đất tốt, có nước còn những chỗ có gò cao chỉ trồng được một vụ. Nếu có hệ thống dẫn nước tưới, nông dân có thể thâm canh tăng vụ, trồng các loại hoa màu (bắp, đậu, rau quả...), nguồn lợi thu được sẽ tăng gấp nhiều lần. Nhưng giờ này, ngay những thửa ruộng sau bờ đập cũng phải bỏ hoang do không có nước tưới. Hằng ngày đi qua đập chính của công trình (đập nằm trên địa bàn ấp Điện Ảnh), phải chứng kiến cảnh một bên là hồ nước mênh mông, một bên là cánh đồng bỏ hoang tôi thấy tiếc vô cùng. Người dân đã kiến nghị với chính quyền địa phương và ngành chức năng nhiều lần về việc xây dựng hệ thống kênh mương sau đập, cung cấp nước phục vụ sản xuất để nâng cao đời sống người dân nhưng vẫn chưa thấy “hồi âm”. 

Những cánh đồng bỏ hoang do không có nước tưới ở xã Phước Thiện

Bà Quỵnh cho biết thêm, tuy không xây dựng hệ thống kênh mương lấy nước phục vụ sản xuất, nhưng đơn vị chủ quản (Công ty Dịch vụ thủy lợi Bình Phước) lại cho tư nhân thuê mặt nước của hồ để nuôi cá với giá 10 triệu đồng/năm. Vào mùa này, do thiếu nước tưới, nhiều hộ dân sống xung quanh đưa máy bơm xuống hồ hút nước tưới cây đều bị ngăn cấm. Ngày trước, khi chưa có đập, đây là cánh đồng trù phú và có nhiều loại tôm cá sinh sống. Nếu đắp đập mà để lãng phí như hiện nay, tôi thấy xây dựng công trình vừa hao tốn tiền của Nhà nước, vừa lãng phí đất đai mà người dân thì không được hưởng lợi gì. Không những vậy, trên địa bàn còn thường xuyên xảy ra tình trạng xô xát, đánh nhau giữa người thuê mặt nước và người cần nước tưới. Thêm vào đó, do mặt tràn thấp hơn so với mặt đập khá lớn, trong khi đường lên xuống thiết kế không phù hợp đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm khi lưu thông qua đập, nhất là vào lúc trời tối.

Ông Nguyễn Thanh Bảo (ấp Tân Trạch, xã Phước Thiện), người đã nhiều năm gắn bó với công tác thủy lợi nói: “Hồi mới giải phóng, đời sống người dân ở đây gặp nhiều khó khăn. Nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, chúng tôi chỉ cần đắp đập và làm mương dẫn nước bằng đất cũng đủ nước tưới cho khoảng 30 ha cây trồng. Nay đập to, hồ chứa nhiều, nhưng không hỗ trợ được gì cho sản xuất.

Ông Phạm Văn Nhu ở ấp Điện Ảnh cho biết: Ngoài ấp này, xã còn nhiều ấp khác có ruộng bỏ không như Tân Trạch, Tân Hưng, Tân Phước và kể cả xã Hưng Phước vì không có nước tưới. Từ khi có hồ, cứ đến mùa mưa, nước chảy tràn làm ngập úng ruộng của dân, trong khi mùa khô lại cấm không cho họ sử dụng nước. Mong ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp xử lý cụ thể, sớm xây dựng hệ thống kênh mương, giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

MONG SỚM CÓ KÊNH DẪN NƯỚC

Hộ ông Trần Lý ở ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện có 5 sào đất ở cánh đồng Mũi Nhọn cho biết: Người dân rất mừng khi được Nhà nước đầu tư xây đập, giúp nông dân có nguồn nước tưới để thâm canh tăng vụ, tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Nhưng từ khi đập đi vào hoạt động, mỗi khi cần nước tưới thì ấp phải xin phép đơn vị chủ quản nên rất mất thời gian, làm ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất. Chúng tôi kiến nghị, đơn vị chủ quản không cho tư nhân thuê mặt nước nuôi cá và phải nâng độ cao của mặt tràn, tránh tình trạng quá chênh lệch như hiện nay. Người dân cũng mong được chung tay cùng Nhà nước xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng để sớm có nguồn nước tưới từ hồ phục vụ sản xuất, tránh lãng phí đất vào những tháng mùa khô.

Ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch UBND xã Phước Thiện khẳng định: Đập thủy lợi đã cho hiệu quả rõ rệt. Đó là tích nước phục vụ sản xuất trong mùa khô, điều tiết khí hậu tiểu vùng, giữ mạch nước ngầm quanh khu vực hồ chứa ổn định... Ông cũng cho biết, để sớm có công trình dẫn nước phục vụ sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã đã nhiều lần đề xuất với huyện và ngành chức năng. Năm 2012, huyện đã cử đoàn công tác về khảo sát để xây dựng. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong quá trình sản xuất, bảo đảm thời vụ và năng suất, ông Huy đề nghị: Đơn vị chủ quản nên giao công trình cho địa phương quản lý, chỉ thực hiện chức năng giám sát, hướng dẫn sử dụng... 

Theo chương trình phát triển nông thôn mới hiện nay, muốn tăng thu nhập cho người dân, yếu tố bảo đảm các công trình thủy lợi để thâm canh tăng vụ trên cùng một diện tích đất là một trong những ưu tiên hàng đầu. Rất mong chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm để người dân nơi đây có điều kiện sản xuất tốt nhất.

Lâm Phương

  • Từ khóa
39293

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu