Thứ 3, 19/03/2024 10:32:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:40, 23/12/2015 GMT+7

Đổi mới giáo dục - Những “rào cản” cần tháo gỡ

Thứ 4, 23/12/2015 | 14:40:00 156 lượt xem
BPO - Đổi mới giáo dục từ lâu đã được khởi xướng trong các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, qua nhiều năm thực hiện, trong khi cơ sở vật chất chưa thể “nở nồi” do gặp khó khăn về kinh phí thì những yếu kém của đội ngũ giáo viên lại đến phần nhiều từ các chính sách quản lý.

Tự “trói” nguồn tuyển giáo viên

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, toàn TP hiện có 510 trường tiểu học, trong đó có 463 trường công lập, 47 trường ngoài công lập. Như vậy, số trường tư thục, dân lập chiếm tỷ lệ chưa đến 10%, trách nhiệm đáp ứng đủ chỗ học cho người dân vẫn đè nặng trên vai hệ thống trường công lập.

Ngoài ra, theo bà Trần Thị Kim Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT, định hướng và mục tiêu kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học ngành GD-ĐT TPHCM trong 5 năm 2016-2020 xác định rõ, nhu cầu số lượng phòng học tối thiểu ở cấp tiểu học phải đạt 14.545 phòng học, trong khi hiện tại TP mới có 13.173 phòng, tức còn thiếu gần 1.400 phòng học. Đi kèm với số lượng phòng học tăng cao, đội ngũ giáo viên cũng cần có sự bổ sung phù hợp.  

Tuy nhiên, theo nhận định của TS Hồ Văn Hải, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sài Gòn, tại hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên tiểu học TPHCM đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” do Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) tổ chức, chính sách hạn chế tăng dân số cơ học hiện nay của TP đã tự siết nguồn tuyển giáo viên, trong khi sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục tiểu học ở các tỉnh, thành khác ra trường thất nghiệp. Việc làm đó vô hình trung đã hạn chế sức cạnh tranh và sự đáp ứng nguồn nhân lực lao động có chất lượng cho TPHCM. Thực tế nhiều năm qua, chúng ta đã rót ngân sách cho các quận, huyện mở các lớp tại chức vừa làm vừa học để lấp đầy lỗ hổng nhân lực giáo viên, nhưng vẫn chưa thoát ra được tình trạng năm học nào cũng thiếu giáo viên. Mặt khác, trong khi trường ngoài công lập và các ngành kinh tế khác đều có chính sách thuê người lao động ngoại tỉnh thì giáo dục công lập chỉ bó hẹp phạm vi tuyển người có hộ khẩu TPHCM. Nhiều sinh viên đạt loại khá, giỏi nhưng không có hộ khẩu TP đành ngậm ngùi về quê làm trái nghề hoặc chấp nhận làm quản sinh cho các trường tư thục, chờ thêm vài năm KT3, tích cóp mua nhà hoặc tìm kiếm người thân bảo lãnh nhập hộ khẩu mới mong có cơ hội xin việc ở trường công. Đây rõ ràng là sự lãng phí nguồn lực, tạo ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên.

Cần sớm thay đổi cơ chế quản lý

Theo một công bố mới đây của Viện Nghiên cứu giáo dục, kết quả khảo sát 1.000 giáo viên tiểu học ở 9 quận, huyện trên địa bàn TPHCM cho thấy, hơn 60% giáo viên có độ tuổi từ 31-50 tuổi, tức tuổi nghề từ 10-30 năm, vừa có kinh nghiệm tổ chức giảng dạy, vừa chín chắn trong các hoạt động giao tiếp với đồng nghiệp, phụ huynh. Tuy nhiên, khi được hỏi về những yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc, có đến 86,6% người được khảo sát cho biết chính công việc làm hồ sơ, sổ sách chiếm quá nhiều thời gian của họ, 78% người cho rằng thu nhập lương không đủ trang trải cuộc sống và 31% thầy, cô cho rằng bệnh thành tích, thiếu trung thực đã làm giảm niềm tin và lòng yêu nghề của họ. Trong khi đó, chỉ có 45,3% giáo viên trăn trở về điều kiện làm việc; 43,8% người gặp khó khăn về trình độ học sinh; 30,6% người lo lắng cơ hội thăng tiến. Qua đó cho thấy, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến động lực làm việc của giáo viên chủ yếu đến từ công tác quản lý, sau đó mới đến các nguyên nhân về đời sống, cơ hội học tập, nâng cao trình độ và thăng tiến.


Người thầy có vai trò quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

Như vậy để giải bài toán nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên nói chung, giáo viên tiểu học nói riêng, một trong những giải pháp được TS Hồ Văn Hải, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn, đưa ra là cần khởi động từng bước cơ chế giáo dục cạnh tranh để tạo sức bật về chất lượng trong đào tạo. Cũng theo ông, cơ chế thi đua hiện nay đang áp dụng theo hình thức “sưu tập” giấy khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua để được tăng lương trước thời hạn, sử dụng cơ chế thâm niên trong phân chia thu nhập đã không còn thích hợp trong thời buổi kinh tế thị trường. Thay vào đó, cần lấy cạnh tranh làm phương tiện quản lý và điều hành dạy - học ở các cơ sở đào tạo để củng cố năng lực người dạy, phát huy tối đa quyền chủ động của người học.

Bên cạnh đó, theo Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Quang Vinh, việc đào tạo, chăm lo cho giáo viên là một trong những giải pháp xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục một cách bền vững. Cụ thể, các cấp, ngành cần quan tâm đến việc tăng quyền tự chủ và chủ động cho hiệu trưởng, xây dựng đội ngũ giáo viên mạnh về chuyên môn, thân thiện với học sinh và có ý thức trách nhiệm với xã hội. Để làm được điều đó, ông Vinh kiến nghị các quận, huyện quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên hoặc ưu tiên bán nhà trả góp dài hạn nhằm giúp họ yên tâm công tác. Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách tiền lương hợp lý giúp các thầy, cô giáo yên tâm công tác, toàn tâm, toàn ý với công việc mà không phải đi dạy thêm hoặc làm thêm việc gì khác ảnh hưởng hình ảnh người thầy.

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
85662

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu