Thứ 3, 16/04/2024 20:11:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:45, 20/02/2013 GMT+7

Nhọc nhằn đường về quê ăn tết

Thứ 4, 20/02/2013 | 16:45:00 426 lượt xem

Tết đến, những người đi làm ăn xa lại tính đường về quê ăn tết. Ngoài giá vé tàu, xe cao so với ngày thường thì tình trạng xe quá tải, cò dịch vụ, hàng rong... xuất hiện nhan nhản, gây nhiều bức xúc cho hành khách.

8 giờ 30 phút sáng 24 tết, tôi dạo một vòng quanh Bến xe Miền Đông để đón xe về tỉnh Sóc Trăng ăn tết. Cảnh đầu tiên được chứng kiến là “xe dù” mọc lên như nấm sau mưa với giá vé cao gấp 1,5 đến 2 lần so ngày thường và tranh nhau chèo kéo khách. Cầm tấm vé tuyến Bến xe Miền Đông đi Bến xe Miền Tây khi đang loay hoay tìm xe thì một phụ nữ bán hàng rong giật lấy tấm vé của tôi và hỏi: “Cậu về đâu tôi chỉ cho”. Nói xong, người phụ nữ đưa tôi lên đúng chiếc xe cần tìm, đồng thời lấy ra 2 chai nước suối và bắt mua bằng được với giá 10 ngàn đồng/chai. Khi tôi từ chối mua thì người phụ nữ lớn tiếng như đe dọa: “Ở đây ai cũng vậy, phải mua hết”. Vì không muốn to chuyện nên tôi đành phải trả tiền cho người phụ nữ đó.

Do không có điều kiện vào bến mua vé nên nhiều hành khách phải bắt xe dọc đường

Ngay trong bến xe nhưng “đội quân” cò hoạt động náo nhiệt và trắng trợn. Câu chuyện diễn ra giữa các hành khách ngồi chờ xe xuất bến đã thu hút nhiều người tham gia. Đối tượng được nhắc đến nhiều lần trong các cuộc đối thoại chính là xe ôm. Đội quân này tự tăng giá xe, tranh giành, lôi kéo hành khách với đủ chiêu trò để moi tiền của “thượng đế”. Góp vui bàn tán, anh Nguyễn Văn Lâm, nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh bắt xe về Bình Phước ăn tết cùng người thân, vẫn chưa hết tức giận kể cho chúng tôi nghe về cò dịch vụ tự hét giá ăn tiền. Tới Bến xe Miền Đông nhưng chưa kịp mua vé thì anh Lâm bị nhiều người chạy xe ôm vây kín và hỏi: “Về đâu, anh gửi lên xe cho giá mềm hơn xe khác”. Khi biết anh Lâm muốn về thị xã Đồng Xoài thì một người chạy xe ôm hét với giá 120 ngàn đồng/lượt. Nghe vậy, anh Lâm liền đi thẳng đến nhà vé và mua chỉ có 85 ngàn đồng/lượt.

Ở khu vực cổng Bến xe Miền Đông, đến giờ xuất bến nhưng những chiếc “xe dù” vẫn ngang nhiên lượn vòng quanh để chào đón hành khách, làm cho các tuyến đường lân cận luôn trong tình trạng kẹt xe, tắc đường. Nhiều xe còn có chiêu đùn đẩy hành khách lên xe trong tình huống “dở khóc, dở cười” và đủ kiểu hạch sách “móc túi” người đi xe. Lên xe Hoàng Vân, khởi hành được 15 phút thì người phụ xe liền hỏi chúng tôi: “Các bác có muốn em chạy đường cao tốc cho nhanh không?”. Cùng chung suy nghĩ muốn về quê sum vầy với gia đình càng sớm càng tốt, nên ai nấy đều đồng ý. Ngay lập tức, nhà xe liền ra giá mỗi người nộp thêm 5.000 đồng để xe chạy trên tuyến đường cao tốc. Một người đàn ông trên xe bức xúc: “Xe chạy đường cao tốc, nhanh thì đỡ tốn xăng hơn, chứ sao lại thu thêm tiền?”. Đáp lại là câu trả lời của nhà xe: “Để nhanh hơn, chứ chủ xe không cho chạy đường này”. Tuy chỉ mất thêm 5.000 đồng/người nhưng ai cũng “ấm ức” vì cách hành xử vô lý của nhà xe.

Trên xe, từng câu chuyện về số phận mỗi người đều được hé mở trong suốt chặng đường về. Họ đều là những người con xa quê đi lập nghiệp, phải chắt chiu từng đồng gửi về phụ giúp gia đình. Trong khi đó, mỗi dịp lễ, tết đến lại là cơ hội để “xe dù” nhồi nhét hành khách, bắt khách dọc đường và tự tăng giá. Ngoài ra, nạn cò mồi, xe ôm, hàng rong móc túi hành khách vẫn phổ biến. Mong rằng, các ngành chức năng kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động của các loại xe dù, bến cóc, cò mồi, hàng rong... để ngăn chặn được nhiều tệ nạn nêu trên, mang đến niềm vui cho những người con xa quê mỗi dịp tết đến xuân về.

Nam Hải

  • Từ khóa
44438

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu