Thứ 5, 25/04/2024 17:24:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 20:53, 01/08/2015 GMT+7

Ẩu đả do va quẹt xe: Nhìn từ góc độ văn hóa

Thứ 7, 01/08/2015 | 20:53:00 173 lượt xem
BP - Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mọi người đều biết rằng, người khác làm giúp mình việc gì thì cần phải nói lời “Cảm ơn” và khi mình sai, hãy nói lời “Xin lỗi”. Tuy nhiên, văn hóa “cảm ơn” và “xin lỗi” của người Việt đang ngày càng ít được sử dụng trong giao tiếp. Đó cũng là căn nguyên của nhiều chuyện đau lòng. Nếu chỉ đơn giản một câu xin lỗi chân thành thì đã không có những hệ lụy khiến nhiều gia đình nhà tan, cửa nát, thậm chí rơi vào cảnh tuyệt tự...


Đường xấu, va quẹt khi tham gia giao thông là điều khó tránh khỏi và chỉ một câu xin lỗi thì ứng xử với nhau sẽ dễ dàng hơn

Cảm ơn hay xin lỗi là biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là cách thể hiện sự văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội giữa con người với con người. Trong ứng xử nơi công cộng, cảm ơn khi được giúp đỡ và xin lỗi khi làm chưa đúng vừa thể hiện văn hóa cá nhân vừa giúp mọi người gần gũi, vị tha với nhau hơn. Hầu như lời cảm ơn hay xin lỗi chỉ đem niềm vui cho mọi người và trực tiếp giải tỏa khúc mắc, gỡ rối các quan hệ... chứ ít khi không phát huy tác dụng tích cực.

Nhưng nhiều năm trở lại đây, lời xin lỗi đang có chiều hướng giảm nhanh trong giao tiếp xã hội. Sự lỏng lẻo về chuẩn mực ứng xử, lối sống công nghiệp... làm con người thay đổi, giảm đi sự quan tâm lẫn nhau nên sự tinh tế trong ứng xử cũng bị xem nhẹ.Trong giao tiếp xã hội, nhất là ở nơi công cộng dường như đang xảy ra tình trạng người lớn tuổi ít khi xin lỗi hoặc cảm ơn người ít tuổi hơn, dù họ nhận được sự giúp đỡ hay gây phiền toái cho người khác... Và lại cũng có bậc con cháu không “kính lão” khi bị người lớn vô ý gây phiền.

Đơn cử việc đầu tháng 4-2014, cư dân mạng lan truyền và vô cùng bức xúc về hình ảnh một nam thanh niên đánh một phụ nữ lớn tuổi khi va chạm giao thông. Vụ tai nạn xảy ra tại nút giao thông ngã tư đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Hồng Phong, quận Hải An (Hải Phòng). Nạn nhân là bà Lưu Thị Hồng (51 tuổi) thường trú quận Hải An. Đối tượng gây tai nạn và hành hung bà Hồng là Phạm Phú Dân (18 tuổi) trú cùng phường với nạn nhân. Khi va chạm, bà Hồng bị kéo đi vài mét, ngã xuống đường, thay vì đỡ nạn nhân dậy sơ cứu, Dân luôn miệng văng tục chửi bậy, đe dọa và đấm thẳng vào đầu nạn nhân, khiến bà Hồng phải nhập viện. Giá như Dân hiểu đạo lý “kính trên nhường dưới” mà làm việc phải đạo thì đã giải tỏa được khúc mắc và không bị mọi người “ném đá” nhiều đến thế.

Ngày 30-5-2015, Nguyễn Xuân Hiến (1983) trú ấp Thanh Thủy, thị trấn Thanh Bình (Bù Đốp) chở vợ bằng xe máy từ hướng Phước Bình (Phước Long) về thị trấn Thanh Bình. Trên đường đi xảy ra cãi nhau với 4 thanh niên vì Hiến nghĩ bị 4 thanh niên ép xe. Bực tức, Hiến điện thoại cho Nguyễn Huy Hoàng (1983) trú thôn Bình Lợi, xã Phước Minh (Bù Gia Mập). Hoàng rủ thêm Nguyễn Văn Hùng (1984) cùng thôn. Khi Hiến dừng xe ở nhà Hùng thì thấy 4 thanh niên trên đi qua. Hiến và Hoàng chạy xe máy chở Hùng đuổi theo. Khi bắt kịp, Hiến, Hoàng và Hùng dùng đá, gạch, nón bảo hiểm, xiên 3 chĩa (dùng nướng thịt) tấn công, gây thương tích cho Nguyễn Hoàng Anh (1994), Nguyễn Minh Vương (1990) trú xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương và Thân Văn Lộc (1986) trú xã Thanh Lương (Bình Long) phải cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Riêng Phạm Văn Phúc (1990) trú xã Minh Long (Chơn Thành) chạy thoát.

Nhưng kinh hoàng hơn vẫn là vụ va chạm khiến 1 người chết ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng xảy ra ngày 30-1-2014. Khi đó, Hoàng Văn Ban (SN1991) trú thôn 3, xã Thống Nhất điều khiển xe máy đi mua đồ. Đến ngã tư xã Thống Nhất thì va chạm với xe khách hiệu Tiến Lộc biển số 49B-003.15, do tài xế Lê Đức Thọ (34 tuổi) ở Cát Tiên (Lâm Đồng) điều khiển. Trên xe tải còn có 2 phụ xe là Trần Lê Nam và Nguyễn Ngọc Tuấn (quê tỉnh Lâm Đồng). Bị ngã xuống đường, bực tức Ban đuổi theo để “nói chuyện”. Sau nhiều lần gây hấn, hai bên đánh đuổi nhau thì Ban dùng dao chém vào người Nam mấy nhát. Được mọi người đưa đi cấp cứu song Trần Lê Nam đã chết trên đường đến bệnh viện.

Ngày 27-5-2014, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm tuyên án tử hình Hoàng Văn Ban. Ngày 25-8-2014, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đã bác đơn kháng cáo và tuyên y án tử hình Hoàng Văn Ban về tội “Giết người” và “cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Mới đây, ngày 28-7-2015, Công an TP. Hồ Chí Minh  ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Huỳnh Quốc Thảo (SN 1986) về tội “Giết người”. Liên quan đến vụ án, 3 người khác cũng bị tạm giam về tội “Gây rối trật tự công cộng” gồm: Phùng Anh Hào (SN 1994), Huỳnh Quốc Bảo (SN 1982) và Đặng Thanh Phong (SN 1989) đều tạm trú quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân ẩu đả khiến 1 người chết cũng chỉ vì va quẹt xe.

Va quẹt nhẹ, nếu chỉ cười xòa với nhau kèm một lời xin lỗi thì cuộc sống đã khác. Cách đây gần 1 năm, vụ va chạm giao thông ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng khiến một thanh niên bị đâm chết mà có lẽ sâu xa cũng chỉ vì thiếu lời xin lỗi. Khi lưu thông trên đường, việc va chạm là rất khó tránh khỏi. Tuy nhiên, thay vì cãi vã, mạt sát nhau, thậm chí hùng hổ xông vào đánh nhau, rút dao đâm nhau thì chỉ cần một lời xin lỗi, sao lại khó nói hơn cả việc đâm chém, tước đoạt 1 mạng người (?!).

Nhưng lại có một khía cạnh khác đáng buồn hơn, đó là có người đã thiệt mạng vì đến nhà xin lỗi sau va quẹt giao thông. Trường hợp tài xế Lê Đình Đạt (Thanh Hóa) là một ví dụ. Khi Đạt tới nhà người bạn là Vũ Đình Thông để xin lỗi vì trước đó có va quẹt giao thông làm anh Thông bị trầy xước nhẹ thì bất ngờ bị em trai Thông dùng dao đâm chết.

Chỉ vì thiếu một lời xin lỗi, một sự cảm thông mà nhiều người đã chết hoặc mang thương tật còn người kia thì vướng vòng lao lý. Nếu như ai cũng đặt lên hàng đầu triết lý “người với người sống để yêu nhau” thì nhân gian cũng đã bớt đi nỗi đau không đáng có. “Xin lỗi” là lời nói không khó nếu ta luôn nằm lòng nghĩ cần phải nói khi ta làm sai và xuất phát từ trong tâm. Mà nếu khó thì cũng vẫn phải học và học được, miễn là ta ý thức rằng, cần phải học xin lỗi để thành người  có văn hóa!

An Nhiên

  • Từ khóa
52014

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu