Thứ 7, 20/04/2024 08:49:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:24, 18/05/2019 GMT+7

LAO ĐỘNG & CÔNG ĐOÀN

“Bà má” ở Công ty Yakjin Sài Gòn

Thứ 7, 18/05/2019 | 15:24:00 1,205 lượt xem
BP - Ở Công đoàn Công ty TNHH Yakjin Sài Gòn (Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú), rất nhiều cán bộ, đoàn viên, người lao động gọi chị Đoàn Thị Bê, Tổ trưởng Tổ tạp vụ, Trưởng ban nữ công Công đoàn công ty là má Bê. Con người má Bê luôn toát lên vẻ đẹp của lòng nhân ái, để các thế hệ cán bộ công đoàn viết tiếp những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Phiên bản “chị tôi”

Mồ côi cha từ nhỏ, chị Bê ở với bà nội. Sau này, mẹ chị tái giá rồi chuyển vào huyện Lộc Ninh làm kinh tế mới. Năm chị 21 tuổi thì phải vào Nam để chăm mẹ mới sinh em. Nhưng 1,5 năm sau, mẹ chị vì bệnh tim đột ngột qua đời. Hơn 2 năm sau, cha dượng cũng đi theo mẹ. Chị bất đắc dĩ vừa phải làm cha, làm mẹ của 5 đứa em thơ dại.

Mạnh mẽ có lẽ là sự lựa chọn duy nhất trong suốt cuộc đời của người con gái quê hương Quảng Trị đầy nắng gió. Chị xin vào làm công nhân cạo mủ cao su trong Nông trường Lộc Tấn, Công ty cao su Lộc Ninh để kiếm kế sinh nhai. Hằng tháng, chị được nông trường cho lãnh chế độ trợ cấp của mẹ gồm 8 hộp sữa bò và 4 bịch bột gạo lức Bích Chi để nuôi em út, nhưng chẳng thấm vào đâu. Vì thế, sáng đi cạo mủ, chiều chị ra chợ Lộc Ninh mua cau, trầu, cá khô rồi đi bộ vào bán tại các thôn, ấp cách đó 15-17km để kiếm tiền nuôi các em. Thương chị vất vả, Giám đốc Nông trường Lộc Tấn Cao Thị Liên đã vận động anh chị em trong nông trường quyên góp, mua cho chị chiếc xe đạp Cửu Long để chạy chợ.

Chị Đoàn Thị Bê sáng tạo chiếc xe đẩy rác với sức chứa 5 bao rác/xe

Nhân duyên đã cho chị gặp anh Bùi Văn Chung, bộ đội Tiểu đoàn 165 đóng quân tại cầu Sông Bé. Sau khi công tác ở tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia, năm 1986, anh Chung được rút về Tổ chính sách chôn cất liệt sĩ liên ngành ở ngã ba Hoa Lư, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh). Thương chị lặn lội thân cò, tháng nào anh Chung cũng cho chị mượn 5 ba lô gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn, nhưng gần như cho không. Chị lam lũ lại cha mẹ mất sớm, ai cũng nói anh không đời nào lấy chị, nhưng đến tháng 6-1986, chỉ 3 tháng sau xuất ngũ, hai người làm đám cưới, sống trọn nghĩa vẹn tình đến tận bây giờ.

Sau khi lập gia đình, chị chuyển về nhà chồng ở xã Thuận Phú (Đồng Phú) vừa làm công nhân cạo mủ cao su vừa chăm sóc mẹ chồng bị tai biến, nằm liệt giường 6 năm. Sau 19 năm dầm mưa dãi nắng trong lô cao su, chị suy sụp tinh thần khi phát hiện mình bị bệnh ung thư gan. Da sạm đen, nứt nẻ vì hóa chất, tóc rụng hết, có thời điểm chị chỉ nặng 32kg. Sau 5 năm điều trị bệnh ung thư, gia đình chị phải bán hết nhà, đất đi ở trọ.

Ngày đi làm giúp việc nhà, tối chị đến chùa Hoằng Pháp nghe tụng kinh. Với tình thương yêu của gia đình và tinh thần không bỏ cuộc, bệnh ung thư gan của chị đã điều trị được 78%. Năm 2014, chị xin vào làm tạp vụ ở Công ty Yakjin Sài Gòn. Trong góc làm việc của mình, chị Bê luôn giữ tấm hình ngày mới vào làm với bộ tóc giả và khuôn mặt gầy gò, khắc khổ để luôn nhắc nhở bản thân phải nỗ lực vươn lên.

Sống là cho đi

Nhìn chị Bê luôn tươi cười, thích ca hát và nhanh nhẹn làm việc mỗi ngày, không ai nghĩ đó là người phụ nữ 54 tuổi, đã từ cõi chết trở về.

Nhờ năng nổ, tháo vát, chỉ sau 1 năm, chị Bê được lãnh đạo công ty tin cậy giao làm Tổ trưởng Tổ tạp vụ, quản lý 40 nhân viên. Trong lao động, chị luôn tìm cách nâng cao hiệu quả công việc để chị em đỡ vất vả. Nhận thấy các loại cây lau nhà trên thị trường không đáp ứng yêu cầu, chị đề nghị công ty hàn nối thêm, rồi gắn miếng vải lau nhà bằng chất liệu cốt tông dày, dài 70cm cho công nhân vừa lau vừa đẩy và gom rác. Chị lại bố trí thêm các thùng đựng rác để công nhân gom nhanh hơn, đỡ phải đi lại nhiều. Rồi chị sáng tạo xe đẩy rác, mỗi xe có thể chứa tới 5 bao rác. Nhờ vậy, trước đây, mỗi khu cần 6 tạp vụ để dọn vệ sinh, giờ đã giảm được một nửa. Nhà vệ sinh được chị bố trí lao công dọn dẹp thường xuyên, cục xà bông rửa tay được gắn vào móc sắt treo trên tường để xà bông không lem ra bồn rửa. Chị còn dùng các tấm vải cốt tông dài chắn ở ngoài bồn rửa để thấm nước. Nhờ vậy, nhà vệ sinh ở các xưởng sản xuất luôn sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát.

Trong hoạt động nữ công, chị đặc biệt quan tâm những công nhân hoàn cảnh khó khăn, nhất là phụ nữ đơn thân, bị bệnh hiểm nghèo. Chị nói mình khổ rồi nên phải giúp người khác bớt khổ. Từ năm 2017 đến nay, chị đã tham mưu Ban Chấp hành Công đoàn công ty quyên góp, giúp đỡ 5 công nhân và 6 con công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gần 100 triệu đồng; tặng 100 phần quà cho công nhân không có điều kiện về quê ăn tết trị giá 30 triệu đồng. Chị cũng thường trích tiền lương giúp đỡ chị em gặp khó khăn hoặc thưởng các chị em trong Tổ tạp vụ làm việc tốt và sẵn lòng giúp những công nhân trẻ khó khăn đột xuất khi chưa đến tháng lương. Ở xã Thuận Phú, chị cũng chia sẻ khó khăn với 6 trường hợp trị giá 9 triệu đồng. Chị rất vui vì được sống, làm việc, được chia sẻ với mọi người. Nhờ tinh thần lạc quan, hăng say lao động mà bệnh tật của chị cũng vì thế thuyên giảm. Chị nói: “Mình chỉ mong công ty tạo điều kiện cho nữ công nhân đang nuôi con nhỏ có nơi vắt trữ sữa, phụ nữ mang thai có 5 phút để uống sữa. Làm được thêm 2 việc đó là mình vui rồi”.

Luôn giúp đỡ người khác nên các chị em trong Tổ tạp vụ rất quý mến chị Bê. Chị Nguyễn Thị Hà cho biết, chị Bê là người năng nổ, luôn động viên, giúp đỡ chị em trong công việc cũng như trong cuộc sống. Còn chị Lê Thị Nhung luôn biết ơn chị Bê vì đã quan tâm hoàn cảnh làm mẹ đơn thân của chị. Những phần quà công ty tặng tuy nhỏ nhưng là động lực rất lớn để chị Nhung vượt qua khó khăn, làm tốt công việc của mình.

Với sự nhiệt tình quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chị Đoàn Thị Bê là tấm gương tiêu biểu về nghị lực sống và lòng nhân ái, để tổ chức công đoàn thắp lên những ngọn lửa yêu thương trong mỗi đoàn viên, người lao động.

Thu Hằng

  • Từ khóa
62232

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu