Thứ 6, 26/04/2024 03:07:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:19, 02/10/2018 GMT+7

Bài học hoàn thiện nhân cách hơn

Thứ 3, 02/10/2018 | 08:19:00 135 lượt xem

BP - Ngày 29-9-2018, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo nghị định trình Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, dự kiến sẽ thay thế Nghị định số 138/2013/NĐ-CP. Một trong những điểm đáng lưu ý là dự thảo đã nâng mức phạt cao hơn nhiều lần đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhà giáo và học sinh. Nghị định số 138/2013/NĐ-CP, Điều 19 và Điều 21 quy định vi phạm quy định hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, về kỷ luật người học, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học, bị phạt từ 2-10 triệu đồng. Sau 5 năm, dự thảo nghị định mới nâng mức phạt đối với hành vi này lên 10-30 triệu đồng và người vi phạm phải xin lỗi công khai.

Cô giáo tiểu học bắt một học sinh lớp 3 uống nước vắt giẻ lau bảng vì nói chuyện riêng trong giờ học ở Hải Phòng. Phụ huynh ép một cô giáo tiểu học quỳ gối 40 phút trước mặt đồng nghiệp vì trước đó đã phạt con họ quỳ gối trong lớp học ở Long An. Một học sinh lớp 9 đốt giấy trong giờ học, bị thầy giáo tát và mời phụ huynh tới làm việc, nhưng khi phụ huynh tới lại đấm thầy giáo gãy sống mũi phải nhập viện ở Nghệ An. Hai học sinh THPT ở Hà Nội tan học chặn cổng trường dùng nón bảo hiểm đập gãy mũi, rách mặt thầy giáo của mình trước mặt bao người. Một học sinh lớp 8 cầm dao tới lớp rượt thầy giáo của mình chạy khắp sân trường hay một học sinh lao vào đấm đá thầy giáo te tua ngay trên bục giảng ở Nghệ An... Chỉ ít tháng qua, mối quan hệ thầy - trò, nhà giáo - phụ huynh đã diễn ra những chuyện ấy và nhiều trường hợp tương tự ở mọi miền đất nước. Phải chăng đây là một trong những lý do khiến dự thảo nghị định do Bộ GD-ĐT soạn thảo đã nâng mức phạt đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cả nhà giáo và học sinh? Và mức phạt này nói lên điều gì?

Có thể thấy, trong những trường hợp này, các nhà giáo đã mắc lỗi sư phạm rất nghiêm trọng. Mặc dù chưa hoàn thiện và còn nhiều khiếm khuyết nhưng trong chương trình đào tạo sư phạm, tất cả hành vi xúc phạm nhân phẩm hay xâm phạm thân thể học trò đều bị lên án. Và không môi trường sư phạm nào không đề cao việc tự tôn nhân phẩm của nhà giáo, hướng nhà giáo là tấm gương cho học trò. Đáng tiếc, những trường hợp nêu trên đã đi ngược lại những điều đó. Quỳ gối không chỉ là cúi đầu chịu nhục trước sự uy hiếp của phụ huynh, đánh mất phẩm giá nghề nghiệp, cho thấy văn hóa nhận lỗi thấp kém của nhà giáo, mà trường hợp này còn làm những ai từng đứng trên bục giảng đau lòng. Trong mối quan hệ phụ huynh - nhà giáo, có lẽ không còn ngôn từ nào để nói. Họ đã không chỉ hủy hoại nhân cách của mình, mà còn vò nát nhân cách, tâm hồn của con mình với cách dạy dỗ, bảo vệ, bênh vực theo cách đó. Còn với những học sinh không hiểu được truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, rồi mai sau các em sẽ ra sao trong xã hội?

Tất cả những điều này liệu có thể khắc phục bằng hình thức phạt tiền thật nặng? E rằng khó. Nó chỉ khiến người ta lo sợ mất mát một khoản tiền chứ không làm cho cả nhà giáo và học sinh khắc ghi trong tâm trí câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” của người Việt Nam hiện còn rất ít được đặt ở những nơi trang trọng trong trường học. Nếu không xuất phát từ lương tâm trong sáng, có thể phạt tiền thật nặng sẽ còn khiến cả thầy giáo, học sinh và phụ huynh biến tướng cái xấu của mình để né phạt. Và nếu bị phạt, hẳn bài học của cả thầy và trò rút ra khó có thể làm người ta hoàn thiện nhân cách hơn.

Trần Phương

  • Từ khóa
108966

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu