Thứ 7, 20/04/2024 19:23:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 22:04, 02/09/2012 GMT+7

Chớp thời cơ và tận dụng vận hội - bài học lớn từ cách mạng tháng Tám

Chủ nhật, 02/09/2012 | 22:04:00 2,606 lượt xem

Thực tế lịch sử của nhân loại đã chứng minh, vận hội lớn đối với một dân tộc phải là sự kết hợp giữa nhân tố trong nước và nhân tố thời đại. Vào tháng Tám năm 1945, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II đang tiến dần đến điểm kết thúc. Khi ấy, thực dân Pháp đã dâng nước ta cho phát xít Nhật và tiếp đó, Nhật lại trở thành kẻ chiến bại và đang chờ quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí. Nắm bắt được xu thế chuyển động của tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời phát hiện thời cơ cách mạng, đã kiên quyết và mau lẹ phát động toàn dân triệu người như một với quyết tâm cháy bỏng là: “Giành cho được độc lập”.

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập - Ảnh: Tư liệu

Trước tình hình trong nước và thế giới chuyển biến có lợi cho cách mạng Việt Nam, ngay trong đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã gửi quân lệnh số 1 cho đồng bào và chiến sĩ cả nước. Cùng với bản quân lệnh này là thư kêu gọi tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhanh chóng truyền đi khắp các vùng trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược… tất cả đều quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền.

Trong thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

“Hỡi đồng bào yêu qúy !

Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”, (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2002, tập 3, trang 554).

Thực hiện bản Quân lệnh số 1 và hưởng ứng lời kêu gọi tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sáng sớm ngày 14-8 tổng khởi nghĩa đã diễn ra tại các vùng nông thôn ở đồng bằng miền Bắc, miền Trung và một phần miền Nam: Ở các thị xã, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An…

Ngày 19-8: Cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã giành được thắng lợi rực rỡ ở thủ đô Hà Nội.

Từ ngày 19 đến 22-8: Cuộc tổng khởi nghĩa đã giành được thắng lợi ở các thị xã: Yên Bái, Thái Bình, Phúc Yên, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Nam Định, Hưng Yên, Kiến An, Quảng Yên.

Ngày 23-8: Khởi nghĩa ở Huế thắng lợi. Vua Bảo đại thoái vị, nộp ấn, kiếm cho cách mạng, xóa bỏ chế độ phong kiến ở Việt Nam.

Từ 23 đến 25-8: Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở thành phố Hải Phòng và các thị xã: Hà Đông, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Lân Viên, Gia Rai, Tân An, Bạc Liêu, Hà Nam, Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Thuận, Gò Công, Mỹ Tho, Lạng Sơn, Phú thọ.

Ngày 25-8: Cuộc khởi nghĩa ở Sài gón thắng lợi đã có tác dụng quyết định đối với các cuộc khởi nghĩa ở Nam bộ.

Từ 25 đến 28-8: Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở các tỉnh: Quảng Ngãi, Gia Định, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tây Ninh, Biên Hòa, Đồng Nai Thượng.

Ngày 2-9-1945: Tại quảng trường Ba Đình Hà Nội, trong cuộc mít tinh của gần 1 triệu người, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời đã đọc bản tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước nhân dân Việt Nam và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Cuộc cách mạng tháng Tám chỉ diễn ra vẻn vẹn trong hai tuần lễ và là cuộc cách mạng ít đổ máu nhất trong lịch sử thế giới thời kỳ cận hiện đại. Và Cách mạng tháng Tám đã thực hiện đúng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đưa nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, tầm vóc và ý nghĩa của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 mãi mãi trường tồn và luôn luôn đồng hành cùng mỗi bước phát triển của dân tộc Việt Nam. Và từ bài học to lớn của cách mạng tháng Tám đã cho chúng ta thấy rõ việc nắm bắt cơ hội, vượt qua mọi thách thức, đi trước đón đầu… để phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là vấn đề có y nghĩa sống còn của Đảng và nhân dân ta.

DV
  • Từ khóa
4579

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu