Thứ 5, 28/03/2024 20:54:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:35, 04/11/2017 GMT+7

Bài học từ xây dựng nông thôn mới

Thứ 7, 04/11/2017 | 10:35:00 101 lượt xem
BP - Vụ việc cán bộ thôn Sơn Tây, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên chặn đường một đám cưới để đòi nợ tiền làm đường đã thu hút sự chú ý của dư luận tuần qua. Có ý kiến cho rằng không phải người trong cuộc, không hiểu rõ bản chất của vấn đề thì đừng vội phán xét đúng sai và cũng đừng tạo áp lực cho cán bộ cơ sở.

Nguyên nhân của sự việc là thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân thôn Sơn Tây đã góp tiền làm đường giao thông. Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Thu còn “nợ” một suất đóng góp là 3 triệu đồng. Giữa tháng 10, bà Thu tổ chức đám cưới cho con trai. Khi đoàn rước dâu đi vào thôn liền bị người dân cùng Ban quản lý thôn chặn đường đòi nợ. Vụ việc sẽ chẳng to tát nếu như bà Thu chấp hành nghiêm các khoản đóng góp của địa phương. Hoặc cán bộ thôn cử người đến làm việc và thông báo trước với bà Thu về khoản nợ. Đặc biệt, sự vụ cũng sẽ không ầm ĩ nếu như các trang mạng xã hội không “nhanh chân” thêu dệt, thêm mắm, thêm muối cùng những nhận định này nọ để “câu” khách. Trước tình hình này, Huyện ủy Tây Hòa đã chỉ đạo UBND xã và thôn Sơn Tây tổ chức kiểm điểm, xin lỗi dân. Tuy nhiên, cán bộ thôn khẳng định mình làm việc vì lợi ích chung (Vì bà Thu không chịu đóng góp tiền làm đường mà gia đình bà đang hưởng lợi). nên không có lỗi, nếu buộc phải xin lỗi thì toàn bộ Ban quản lý thôn sẽ từ chức.

Trong khi đó, việc thu tiền làm đường đã có chủ trương, được người dân trong thôn đồng thuận và đã đóng góp. Nếu trong thôn ai cũng như gia đình bà Thu thì làm sao người dân Sơn Tây có đường đi sạch, đẹp. Suy rộng ra, nếu xã hội có nhiều người như bà Thu thì chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước ta liệu có thành công? Việc vận động người dân góp sức xây dựng nông thôn mới và những kết quả của nó là áp lực không nhỏ đối với cán bộ ở cơ sở. Vì vậy, sau khi vận động và trực tiếp đi thu nhiều lần không đạt kết quả, buộc cán bộ thôn phải sử dụng biện pháp mạnh. Và sự nóng vội, chủ quan của Ban quản lý thôn Sơn Tây tại đây đã dẫn tới hệ lụy đáng tiếc.

Tại thị xã Đồng Xoài, thời gian qua người dân ở một số khu phố đã chung tay, góp sức làm đường giao thông, kéo điện, nước sạch. Tuy nhiên, việc thu tiền không phải nơi nào cũng thuận lợi vì có nhiều trường hợp gây khó dễ, chây ỳ hoặc không chịu đóng góp. Ví như 12 hộ dân ở đường số 3, khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình họp bàn việc làm đường xâm nhập nhựa. Các hộ thống nhất đóng 5 triệu đồng/hộ và vận động những người có đất tại tuyến đường này đóng góp. Qua vận động, nhiều người đã ủng hộ, ngoại trừ một vị cán bộ ở thị xã cương quyết không đóng. Đã vậy, vị này còn “trả giá” thêm bớt như mớ rau ngoài chợ. Cũng có trường hợp đã đóng tiền làm đường khu phố nơi mình ở nhưng sau đó đòi lại... 

Xây dựng nông thôn mới là chương trình huy động toàn dân chung tay góp sức thực hiện, chứ không phải ép buộc hay phân bổ mức đóng theo kiểu cào bằng. Hơn nữa, ở nông thôn không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế như nhau. Lưu trú và tự do đi lại là quyền cơ bản của công dân đã được Hiến định. Vì thế, việc cản đường đám cưới vì lý do chưa đóng tiền làm đường của cán bộ thôn Sơn Tây là không hợp lý cũng chẳng hợp tình. Vấn đề đặt ra ở đây là xây dựng nông thôn mới phải gắn liền với việc xây dựng văn hóa ở khu dân cư.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu