Thứ 5, 25/04/2024 17:46:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 12:27, 23/03/2017 GMT+7

Bài học về lòng dân

Thứ 5, 23/03/2017 | 12:27:00 213 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào những thập niên cuối của thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII, chính sự đàng Ngoài ngày một rối ren và đen tối đến độ thảm hại. Cuộc sống của trăm họ rơi vào cảnh lầm than vì chính sách cai trị hà khắc của vua Lê, chúa Trịnh. Vào thời ấy, một trong những người sớm hiểu được lòng dân chính là Nguyễn Tuyển. Càng hiểu rõ, ông càng chán chường và phẫn uất, do đó, ông đã từ bỏ Hoàng Công Phụ, cùng với em là Nguyễn Cừ, cháu là Nguyễn Diên, phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa ngay trên quê hương Ninh Xá của mình. Các sử gia thời Lê Trung hưng gọi nghĩa quân của Nguyễn Tuyển là “giặc Ninh Xá”, nhưng các sử gia thời Nguyễn lại thẳng thắn bác bỏ và phê phán cách viết này:

Minh họa: S.H

Cuối thời Lê, Trịnh Giang làm việc bạo nghịch giết vua nên Nguyễn Tuyển và Vũ Trác Oánh mới nhân lòng oán giận của dân, mượn danh nghĩa trừ bạo rồi lợi dụng cơ hội mà nổi lên, tuy việc làm không tránh khỏi hành vi của giặc nhưng cốt là để đối địch với Trịnh Giang. Khi dựng cờ xướng nghĩa, Nguyễn Tuyển gặp được khá nhiều thuận lợi. Bấy giờ, ở vùng Mộ Trạch có khởi nghĩa của Vũ Trác Oánh, ở vùng Sơn Nam có khởi nghĩa của Hoàng Công Chất..., chúa Trịnh bối rối vì phải phân tán lực lượng để đối phó với nhiều cuộc tấn công khác nhau. Trước khi xuất quân, Nguyễn Tuyển xưng là Minh chủ, Vũ Trác Oánh xưng là Minh công. Lúc đầu tuy Nguyễn Tuyển và Vũ Trác Oánh là hai lãnh tụ của hai lực lượng riêng, nhưng không bao lâu sau khi khởi nghĩa, hai ông đã gặp nhau ở Ninh Xá, cùng liên kết với nhau và cùng nhau giương cao khẩu hiệu “phù Lê”.

Sử cũ chép rằng: Dân khắp vùng phía đông và phía nam kinh thành cùng nhất tề hưởng ứng. Kẻ vác cày, người cầm gậy để đi theo, nơi nhiều có đến hàng vạn, nơi ít cũng có đến hàng ngàn hoặc hàng trăm, họ quấy rối cướp bóc (các nhà giàu) ở các làng, vây đánh khắp mọi ấp, mọi thành, triều đình không sao ngăn cản được. Với Nguyễn Tuyển, đây vừa là cuộc vùng dậy để góp phần cứu nguy cho trăm họ, vừa là “cầm gươm rửa thẹn” cho non sông, bởi theo ông thì thời ông đang sống là quyền lực nằm trong tay những kẻ nhân cách tầm thường.

Từ Ninh Xá, ngọn lửa quật khởi đã cháy bùng lên rất dữ dội, nhưng các phe đảng trong phủ chúa Trịnh vẫn không ngừng xâu xé lẫn nhau. Bấy giờ, hai phe mạnh nhất là: Phe Trịnh Giang với đám tay chân thân tín do Hoàng Công Phụ cầm đầu. Phe Trịnh Doanh (em ruột của Trịnh Giang) với một loạt văn thần và võ tướng, do Nguyễn Quý Cảnh và Nguyễn Công Thái cầm đầu. Lúc bấy giờ, Nguyễn Quý Cảnh đang giữ chức Bồi tụng. Sát cánh với những nhân vật này là bà Thái phi Vũ thị (mẹ của Trịnh Giang, Trịnh Doanh) và nhiều người khác.

Hoàng Công Phụ cho rằng, muốn lấn lướt được phe cánh của Nguyễn Quý Cảnh và Nguyễn Công Thái, trước hết mình phải lập được công to, sau đó cậy công mà ăn nói. Biết rõ Nguyễn Tuyển vốn dĩ là gia nhân cũ của mình nên hắn tin chắc có thể tự mình cầm quân đi đánh dẹp một cách dễ dàng. Nguyễn Quý Cảnh là kẻ nham hiểm, vì thế đã khôn khéo tìm cách khích lệ để Hoàng Công Phụ đem quân ra khỏi kinh thành Thăng Long. Hoàng Công Phụ vừa dại dột cất quân thì lập tức Nguyễn Quý Cảnh cùng với phe đảng đem hết lực lượng ra thực hiện một cuộc truất phế rất ngoạn mục. Trịnh Giang được nhẹ nhàng bố trí làm lễ nhường ngôi chúa cho em là Trịnh Doanh để lên làm Thái Thượng Vương.

Lúc sự biến xảy ra thì Hoàng Công Phụ đang đóng quân tại Văn Giang, phải mất mấy ngày sau mới hay tin dữ này. Sử cũ cho biết: Hoàng Công Phụ đóng quân tại Văn Giang, biết được tin này thì lập tức đem theo khoảng hơn chục thủ hạ chạy trốn. Về sau, việc sống chết của Hoàng Công Phụ thế nào sử cũ không chép rõ. Tuy nhiên, điều đáng nói là bởi có cuộc tranh giành quyền lực này, nghĩa quân của Nguyễn Tuyển đã tránh được một đợt tấn công không nhỏ. Đồng thời, Nguyễn Tuyển tranh thủ thời gian bổ sung lực lượng, chuẩn bị chu đáo cho cuộc đối đầu lâu dài với chúa Trịnh.

Lời bàn:

Trước những việc làm ngang ngược của Trịnh Giang, nền chính trị ở đàng Ngoài thời ấy ngày càng hủ bại, kinh tế cũng tuột dốc, mất mùa đói kém xảy ra liên miên, đời sống của trăm họ rơi vào cảnh lầm than. Vì thế, các cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra ở khắp nơi. Và những cuộc khởi nghĩa này không chỉ là những điểm hội tụ của khí phách hiên ngang mà còn là hiện thân độc đáo của những con người có tài mưu lược. Minh chứng là Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ trong giai thoại trên. Họ là những người chưa từng học qua một trường đào tạo võ quan nào, nhưng đã khiến hàng loạt tướng lĩnh cao cấp, được đào tạo chính quy của họ Trịnh, kể cả chính chúa Trịnh Doanh phải bao phen thất điên bát đảo. Và đó là những sự kết tinh tài năng quân sự của hàng vạn nghĩa sĩ đương thời.

Vào thời chúa Trịnh Giang trị vì, các cuộc khởi nghĩa bùng phát rầm rộ ở mọi nơi và tất cả đều xuất phát từ nỗi bất bình của nhân dân bị bóc lột bần cùng. Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa này đều thất bại vì không có được sự liên hợp cần thiết để đủ sức đánh đổ chính quyền Lê -Trịnh. Vẫn biết rằng đẩy thuyền đi cũng là nước mà nhấn chìm thuyền cũng là nước và nhân dân là những người làm nên lịch sử, song nếu không có ngọn cờ chính nghĩa và điều quan trọng hơn là khởi nghĩa mà không mang lại lợi ích cho người dân thì thất bại là điều không thể tránh khỏi. Vâng, nếu có đại đoàn kết thì ắt sẽ có đại thành công, nếu có được lòng dân thì sẽ có tất cả và đây là chân lý không bao giờ thay đổi.

N.D

  • Từ khóa
109897

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu