Thứ 6, 19/04/2024 22:20:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:24, 11/10/2019 GMT+7

Bài toán khó trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ 6, 11/10/2019 | 08:24:00 178 lượt xem

BP - Sau một thời gian phát triển ồ ạt, bất chấp cảnh báo, khuyến cáo của cơ quan chức năng..., đến nay, những vùng được mệnh danh là “thủ phủ của cây tiêu” ở Bình Phước đang dần bị biến mất bởi dịch bệnh tàn phá. Tuy nhiên, việc tìm cây trồng phù hợp thay thế những diện tích hồ tiêu bị chết, ổn định đầu ra, đang là bài toán nan giải tại nhiều địa bàn. Tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, nhiều hộ nông dân có diện tích tiêu chết đã chuyển đổi sang trồng cây lương thực ngắn ngày và cây ăn trái.

Là người dân tộc Tày nhưng sinh ra và lớn lên tại xã Lộc Khánh nên anh Trương Văn Kiên, ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh đã gắn bó với cây tiêu, điều từ nhỏ. Vậy mà 2 năm nay, gần 2.000 nọc tiêu của gia đình anh trở nên èo uột, vàng lá, rụng đốt và chết. Bao nhiêu vốn, tài sản anh tích cóp lần lượt “đội nón” ra đi để cứu cây tiêu.

Anh Kiên cho biết, hồ tiêu hiện chỉ bán được 50.000 đồng/kg, trong khi chi phí chăm sóc, công thu hái lại cao khiến người trồng tiêu không có lãi. Thêm vào đó, hậu quả của biến đổi khí hậu kéo dài đã làm cây tiêu kém phát triển, sâu bệnh phát tán, trong khi người dân không có tiền để tái đầu tư chăm sóc. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vườn tiêu bị chết hàng loạt. Với anh Kiên, tiêu chết, nguồn thu chính không còn, buộc anh phải trồng thêm các loại cây ngắn ngày như đậu, bắp để trang trải cuộc sống gia đình trước mắt, đồng thời vay ngân hàng 200 triệu đồng chuyển đổi trồng sầu riêng và mít Thái.

Anh Đinh Văn Hường ở ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) trồng bưởi, bơ thay thế diện tích hồ tiêu chết

Trồng được 2.300 nọc tiêu nhưng năm 2017, vườn tiêu của gia đình anh Đinh Văn Hường ở ấp Đồi Đá đột nhiên vàng lá rồi chết dần. Mặc dù anh Hường đã cố cứu bằng cách mua thuốc bảo vệ thực vật về xử lý nhưng tiêu vẫn chết, giờ chỉ còn lại trụ. Vụ tiêu năm 2019, gia đình anh Hường không thu được ký tiêu nào. Hằng ngày, anh Hường cứ ra vào nhìn tiêu rụi tàn chết lan rộng, ngán ngẩm không biết chuyển đổi loại cây trồng gì cho phù hợp để trang trải cuộc sống. Trong khi đó, gia đình anh đã vay ngân hàng 230 triệu đồng để đầu tư vào cây tiêu. Hết vốn, mất nguồn thu, nợ nần chồng chất trong khi đất vườn đang bỏ trống nên anh phải vay người thân 50 triệu đồng để mua giống bưởi, bơ và sầu riêng về trồng thay thế diện tích tiêu đã chết. Điều anh Hường băn khoăn là trong thời gian cây bưởi, bơ và sầu riêng chưa cho thu hoạch thì gia đình không biết lấy gì để chi tiêu trong khi nợ ngân hàng chưa trả được.  

Lộc Khánh là xã có diện tích cây tiêu tương đối lớn ở huyện Lộc Ninh. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây giá hạt tiêu sụt giảm, người trồng không có điều kiện chăm sóc. Đặc biệt, trong xã còn nhiều hộ dân tộc thiểu số đời sống khó khăn, số tiền thu từ cây tiêu chỉ đủ chi tiêu tiết kiệm hằng ngày nên việc tái đầu tư vườn cây hầu như bị bỏ mặc. Thêm vào đó, tình trạng bệnh chết nhanh, chết chậm bùng phát mạnh làm cho nhiều diện tích tiêu bị chết hàng loạt. Hiện đã có 53 ha tiêu của các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở Lộc Khánh bị chết, nhiều hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Song, việc không ít hộ chuyển sang trồng các loại cây ăn trái cũng đang là nỗi lo của chính quyền cơ sở, bởi lâu nay tình trạng cung vượt cầu, được mùa, rớt giá vẫn thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, người dân chỉ quen canh tác cây tiêu, cây điều, còn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn trái thì chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả sẽ không cao.

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết: để giúp các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số khó khăn, thời gian qua, huyện Lộc Ninh đã xem xét hỗ trợ giống bắp và phân bón cho 22 hộ trên địa bàn xã bị ảnh hưởng bởi thiên tai để chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít trong hàng trăm hộ trồng tiêu của xã đang gặp khó khăn. Bởi đa số nông dân phải vay nợ, họ mong muốn được các ngân hàng giãn nợ.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia nông nghiệp, tại diện tích tiêu bị bệnh chết, người dân không nên trồng lại tiêu mà thay thế bằng những cây trồng khác. Tuy nhiên, khi chuyển đổi cần chọn những cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác, đất đai, khí hậu của địa phương. Phải áp dụng đồng bộ khoa học, kỹ thuật, canh tác theo hướng hữu cơ sinh học, không trồng ồ ạt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Gia Nghi

  • Từ khóa
44931

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu