Thứ 7, 20/04/2024 19:14:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:27, 30/08/2018 GMT+7

Bài toán xác suất ở trạm thu phí

Thứ 5, 30/08/2018 | 08:27:00 144 lượt xem

BP - Từ khi trạm thu phí Thanh Lương trên quốc lộ 13 đặt tại xã Thanh Lương, thị xã Bình Long đi vào hoạt động tháng 2-2017 tới nay, hằng ngày từng đoàn xe tải, xe container, thậm chí cả xe du lịch, xe khách nối nhau “chui” vào các con đường liên thôn ở Thanh Lương để né trạm, trốn phí. Người dân nhiều lần phản ánh tình hình với đại biểu HĐND, kiến nghị lên cơ quan chức năng; UBND xã Thanh Lương làm văn bản báo cáo và đề nghị đơn vị liên quan vào cuộc giải quyết. Thế nhưng tình hình vẫn không suy chuyển. Xe vẫn phá đường, người dân vẫn sống trong sợ hãi, đơn vị chủ đầu tư vẫn thất thu...

Người Việt thường lấy hình ảnh “con voi chui lọt lỗ kim” để nói về những điều tưởng chừng như phi lý nhưng lại diễn ra trong thực tế. Trường hợp xe né trạm thu phí ở Thanh Lương và tại một số trạm thu phí khác thật đúng với hình ảnh này. Bởi đó là những chiếc xe ôtô ngang nhiên và rầm rập đi suốt ngày suốt đêm giữa khu dân cư chứ không phải người đi bộ luồn rừng.

Là tài xế bắt buộc phải biết quy định xe nào được phép lưu thông trên đường nào, không được lưu thông trên đường nào. Và không tài xế, chủ xe nào không biết việc né trạm là vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, là trốn tránh nghĩa vụ đóng phí. Họ cũng biết rõ xe tải trọng hàng chục tấn đi vào đường liên thôn không chóng thì chầy, thậm chí chỉ trong thời gian ngắn sẽ phá nát con đường. Họ cũng biết đi vào con đường nhỏ hẹp giữa khu dân cư hằng ngày, hằng đêm sẽ phá vỡ sự bình yên của một vùng quê, gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là với học sinh đi học. Nhưng vì lợi ích cá nhân, họ vẫn vi phạm. Vấn đề là vì sao họ có thể bất chấp tất cả và vi phạm trong thời gian dài mà không bị ai xử lý?

Ai cũng phải ra đường và ai cũng biết chỉ cần không đội nón bảo hiểm khi đi xe máy là đối mặt với nguy cơ bị cảnh sát giao thông xử phạt. Đây là hình phạt hướng tới mục đích nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và thể hiện văn hóa giao thông của người dân. Nhiều trường hợp khác như vượt đèn đỏ, lấn tuyến, đi ngược đường, chạy quá tốc độ... cũng được xử lý khá nghiêm, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Giữ vai trò chủ chốt tạo nên kết quả đó là lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông. Nhưng thật lạ tại Thanh Lương lại không thấy bóng dáng vai trò của lực lượng này.

Mỗi lần né trạm, tài xế, chủ xe trốn phí được 15.000-80.000 đồng tùy loại xe. Thế nhưng, chỉ một lần vi phạm bị bắt quả tang và lập biên bản, sẽ phải nhận mức phạt gấp 100 lần số tiền đó. Làm một bài toán đơn giản, nếu trốn trạm 100 lần mà bị lập biên bản 1 lần coi như “huề tiền”. Bài toán xác suất này giới tài xế, chủ xe không cần phải đau đầu cũng tính được, còn lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông nhìn thấy dễ dàng hơn rất nhiều.

Vì thế, để giải quyết - hay có thể nói là đối phó với tình trạng xe né trạm không khó. Chỉ cần một ngày trong 30 ngày của mỗi tháng, lực lượng chức năng bất ngờ chốt chặn xử phạt nghiêm minh, không có ngoại lệ, không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào, chắc chắn giới tài xế, chủ xe sẽ không dám vi phạm nữa. Một lần, có thể vẫn còn trường hợp liều lĩnh né trạm nhưng hai lần, ba lần chốt chặn xử phạt như thế, sẽ không chủ xe, tài xế nào dám mạo hiểm nữa. Bài toán này có khó giải hay còn gì uẩn khúc phía sau?

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu