Thứ 3, 19/03/2024 14:11:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:00, 17/01/2019 GMT+7

Bài văn đỗ trạng

Thứ 5, 17/01/2019 | 15:00:00 275 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, khoa thi năm Ất Mùi (1475), niên hiệu Hồng Đức năm thứ 6 đời Lê Thánh Tông, Vũ Tuấn Chiêu về kinh ứng thí, vượt qua kỳ thi hội, ông lọt vào kỳ thi Đình. Tại kỳ thi này, vua Lê Thánh Tông hỏi về phương kế làm cho binh mạnh và biện pháp giúp dân giàu, Vũ Tuấn Chiêu đã làm bài với kiến giải sâu sắc. Trong bài văn, Vũ Tuấn Chiêu cho rằng việc lớn nhất của người đứng đầu nhà nước là phải lo cho dân giàu, nước mạnh. Ông trả lời:

Việc lớn của chính sự là phải làm cho binh mạnh, dân giàu. Bởi vì dân là gốc của nước, binh có quan hệ tới sự mạnh yếu của nước. Cho nên bậc thánh hiền phải lo nghĩ điều đó... Than ôi! Binh mạnh thì trong nước yên ổn, bên ngoài thần phục, nước sẽ vững như bàn thạch. Dân giàu thì lễ nghĩa được thi hành, giáo hóa cũng theo đó trở nên tốt đẹp. Thần kính nghĩ: Phế bỏ một việc, chấn hưng một việc cần phải hợp lòng dân. Nếu phế bỏ một việc nào đó mà nước nhà không có lợi, khôi phục một việc nào đó dân nghi ngờ không yên, há không lo lắng sao.

Minh họa: S.H

Về kế sách làm cho binh mạnh, ông trả lời: Kế sách làm cho binh mạnh là việc làm. Kinh Dịch nói: Bậc quân tử diệt trừ mọi rợ, việc khí giới không thể không lo. Sử nhà Hán có chép: Binh sĩ không tinh thì đem tướng cho kẻ thù, nhà vua không chọn tướng giỏi thì ném quân cho kẻ địch. Ông mạnh dạn xin nhà vua dùng nhà Nho để cai quản việc quân. Ông viết: Thần cúi xin bệ hạ hãy dùng không chỉ những người học rộng, văn hay mà cả những người biết quên mình vì nước, yêu dân như con. Thần cho rằng nhà Nho không phải chỉ học rộng, văn hay, thông kinh bác sử mà thôi. Những người đối với thân huân có lòng dũng khí, cố gắng quên mình, dẫu không học rộng cũng vẫn là nhà Nho chân chính. Không chỉ đòi hỏi, yêu dân như con dẫu không giỏi văn cũng là nhà Nho nhân nghĩa. Trong bọn võ thần có kẻ giữ mình trong sạch, chăm chỉ luyện tập, dù không xuất thân từ kinh sử cũng là nhà Nho vậy. Biết mình biết người, gặp sự quyết đoán, tuy không phải kẻ học hành vẫn là bậc trí nho. Việc lựa chọn bảo cử nên công minh. Mọi việc nên ủy thác cho bậc quân tử có học thức. Lại ban lệnh mở mang việc học tập, nghiêm việc truất giáng. Công dẫu nhỏ cũng nên ban khen, kẻ phạm tội dù có công cũng không tha thứ...

Về biện pháp lo cho dân giàu ông viết: Việc tích lũy là mạng sống của đất nước. Kinh Thi có câu: Hãy tiết kiệm, hãy làm nhà kho, hãy tích lương thực, nếu làm được như thế, nước không thể không giàu. Sự giàu có là để nuôi dân, kho đụn của Nhà nước chứa đầy, việc hiến cống của nơi phên dậu được chất đống. Ngày lại ngày như thế thì nước sẽ giàu có. Thần cúi xin bệ hạ dùng Nho để chăn dân, nhưng phải dùng kẻ Nho có phẩm chất, có tác dụng. Giảm bỏ kẻ ăn không, bớt chi tiêu phung phí, thực hành tiết kiệm để của cải sinh sôi, muôn họ giàu có.

Vậy muốn cho dân giàu, nước mạnh, người đứng đầu Nhà nước phải không quên cảnh giác. Ông viết: Tuy nhiên thuyền bị lật không phải do đường rộng mà lo lúc cập bến; xe đổ không phải nơi độc đạo mà thường ở chỗ đường bằng. Loạn nảy sinh không phải ở lúc đang lo dẹp loạn mà ở yên bình. Các bậc đế vương quân thần phải cùng nhau cảnh giới khi lời gièm còn chưa nảy sinh. Thần mong muốn bệ hạ chăm lo sửa sang giềng mối tôn sùng Nho thuật, xét soi mọi việc. Như vậy mầm mống gây loạn tất bị ngăn chặn, người dám nói thẳng hướng theo. Dùng hiền tài chớ có hai lòng, vứt bỏ bọn sàm nịnh, không đắn đo, như thế thì bệ hạ sẽ có bề tôi giỏi, có tướng hiền tài, chính sự phấn phát, muôn dân được chăm lo, bốn phương yên ổn...

Bài văn của Vũ Tuấn Chiêu là một trong 3 bài xuất sắc nhất kỳ thi lần này, 2 bài khác là của Cao Quýnh (người đỗ đầu thi hội) và Ông Nghĩa Đạt, điều này khiến nhà vua khó để chấm xem ai sẽ đỗ trạng nguyên. Để thử tài 3 người, nhà vua bèn ra câu đố và trong khi Cao Quýnh, Ông Nghĩa Đạt đang suy nghĩ thì Vũ Tuấn Chiêu đã đoán ra. Vua Lê Thánh Tông liền chấm Vũ Tuấn Chiêu đỗ đầu (tức trạng nguyên), thứ nhì là Ông Nghĩa Đạt đậu bảng nhãn, danh hiệu thám hoa thuộc về Cao Quýnh.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại này cho thấy, đề thi do vua Lê Thánh Tông đưa ra không ngoài mục đích tuyển lựa hiền tài để dùng vào việc trị bình. Cụ thể nhà vua muốn hỏi phương kế làm cho binh mạnh và biện pháp giúp dân giàu. Trong bài văn của mình, Vũ Tuấn Chiêu đưa ra các kiến giải một cách sâu sắc và cho đến ngày nay, những lời của ông vẫn còn nguyên giá trị. Theo ông, việc lớn của chính sự là phải làm cho binh mạnh, dân giàu. Bởi vì dân là gốc của nước, binh có quan hệ tới sự mạnh - yếu của nước...Binh mạnh thì trong nước yên ổn, bên ngoài thần phục, nước sẽ vững như bàn thạch. Dân giàu thì lễ nghĩa được thi hành, giáo hóa cũng theo đó trở nên tốt đẹp. Và để làm được điều đó, Vũ Tuấn Chiêu đã khẳng định rằng: Phế bỏ một việc, chấn hưng một việc cần phải hợp lòng dân. Vâng, ở thời nào cũng vậy, lòng dân có yên thì quốc gia mới vững bền và hưng thịnh.

Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, Vũ Tuấn Chiêu là một trong 3 vị trạng nguyên lớn tuổi nhất khi đỗ đạt. Khi đã thành danh, Vũ Tuấn Chiêu bước vào con đường quan lộ, ông làm quan trải nhiều chức vụ và giữ tới chức Tả thị lang bộ Lại. Công danh sự nghiệp mà ông đạt được có phần đóng góp to lớn của người vợ lưng còng vì gánh nặng việc đời lẫn việc nhà, vừa nuôi con vừa lo việc ruộng vườn nhưng vẫn đều đặn gồng gánh gạo, dầu đèn từ nhà đến nơi trọ học của chồng. Nhưng thật đáng buồn, vì trước khi người chồng đạt đến đỉnh vinh quang, bà đã từ giã cõi đời. Và cũng thật đáng tiếc, vì thời nay khó có thể tìm ra hình mẫu một phụ nữ như thế.

N.D

  • Từ khóa
110138

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu