Thứ 6, 29/03/2024 19:00:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:59, 02/10/2018 GMT+7

Bản chất ngoan cố phản động không thay đổi

Thứ 3, 02/10/2018 | 07:59:00 1,127 lượt xem
BP - Ngày 20-7-2018, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng hình thức trục xuất Nguyen Wiliam Anh (33 tuổi, quốc tịch Mỹ) về tội gây rối trật tự công cộng trong vụ bạo loạn tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 10-6-2018, theo Khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự. Bị cáo phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay sau khi tòa tuyên án.

Nguyen Wiliam Anh sống tại bang Texas, Mỹ. Từ năm 2016, anh ta du học thạc sĩ tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore. Theo cáo trạng, do thường xuyên theo dõi mạng xã hội liên quan đến Việt Nam, Nguyen Wiliam Anh biết thông tin kêu gọi tuần hành ngày 10-6, phản đối dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là dự luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng. Trước khi về Việt Nam tham gia, anh ta nhắn tin trao đổi với tài khoản facebook Vi Tran và Anthony T.Nguyen về cách thức tuần hành. Tối 9-6, Nguyen Wiliam Anh nhập cảnh từ Singapore, thuê phòng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) lưu trú. Khoảng 9 giờ ngày 10-6, Nguyen Wiliam Anh đón xe ra công viên Hoàng Văn Thụ hòa cùng dòng người tuần hành. Đám đông từ đường Trần Quốc Hoàn vòng qua công viên rồi theo đường Nguyễn Văn Trỗi tiến vào trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Nguyen Wiliam Anh lấy điện thoại quay phim, chụp hình rồi đăng lên trang Twitter và Facebook cá nhân. Đến 13 giờ, đoàn người di chuyển trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì gặp lực lượng cảnh sát chốt chặn bằng 4 ôtô bán tải. Nguyen Wiliam Anh trèo qua ôtô bán tải, vẫy tay kêu gọi và giúp nhiều người khác cùng trèo qua. Sau đó, anh ta cùng đám đông rung lắc, lật xe bán tải để dọn đường đi nhưng bất thành. Thấy một số xe máy dựng chắn trên lề đường, Nguyen Wiliam Anh đẩy ra, tạo khoảng trống cho nhóm tuần hành vượt chốt cảnh sát. Họ tiếp tục tiến vào trung tâm thành phố nhưng bị tạm giữ. Khi bị bắt, Nguyen Wiliam Anh thừa nhận chưa nghiên cứu kỹ về Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, nhưng vẫn dẫn đầu kêu gọi và cùng nhiều người chống lại cảnh sát.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo thừa nhận hành vi như cáo buộc, trước khi về Việt Nam đã trao đổi với một số người trên Facebook về cách thức tuần hành. Qua đó, bị cáo không mang theo hộ chiếu mà chỉ mang theo thẻ sinh viên và sẵn sàng chống trả, đánh lại lực lượng công vụ rồi bỏ trốn nếu bị bắt. Nguyen Wiliam Anh cũng thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của mình và mong được khoan hồng. Nói lời sau cùng, Nguyen Wiliam Anh cho biết luôn được cha mẹ dạy phải uống nước nhớ nguồn, luôn hướng về quê hương Việt Nam. Bị cáo bày tỏ mong muốn được trở lại Việt Nam cống hiến những gì đã được học để xây dựng đất nước phát triển.

Tuy nhiên, trái với những gì đã diễn ra ở phiên tòa ngày 20-7, ngay sau khi rời khỏi Việt Nam, Nguyen Wiliam Anh đã lập tức trả lời phỏng vấn các đài, báo phản động hải ngoại, phủ nhận tất cả lời khai tại tòa, đồng thời vu cáo nhà cầm quyền Việt Nam đánh đập, xúc phạm nhân phẩm và cản trở hoạt động “tự do, chính đáng” của anh ta. Trắng trợn hơn, anh ta còn tuyên bố không hối hận về những việc làm của mình tại Việt Nam, trái lại còn cảm thấy “tự hào” vì đã góp một phần công sức cho “sự nghiệp đấu tranh” vì dân chủ của nhân dân Việt Nam. Thật là một sự trơ trẽn đến tột độ, thể hiện bản chất ngoan cố, phản động, chống đối chế độ đến cùng không chỉ của Nguyen Wiliam Anh mà còn của cả bọn phản động người Việt lưu vong.

Chưa cần bàn đến động cơ của Nguyen Wiliam Anh là gì, chỉ cần thấy rằng anh ta là một công dân Mỹ thì không được phép can thiệp vào bất kỳ công việc nội bộ của Việt Nam. Việc làm của anh ta đã vi phạm Điều 1 Công ước năm 1966 của Liên hiệp quốc về các quyền dân sự và chính trị: Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Và như chúng ta đều biết, các nước phương Tây, ngoài mặt thì hô hào thực hiện dân chủ nhưng thực tế những vấn đề trọng đại của đất nước đều do cá nhân tổng thống hoặc thủ tướng quyết định, vậy thì dân chủ ở đâu. Tại sao họ không đấu tranh đòi thực thi dân chủ tại quốc gia mình đang sinh sống mà phải khó nhọc lặn lội về Việt Nam - một đất nước cách xa nửa vòng trái đất - để đòi dân chủ? Rõ ràng, dân chủ chỉ là cái cớ, ẩn ý thâm hiểm, sâu xa đằng sau các hành động đó là muốn lôi kéo nhân dân ta làm “cách mạng đường phố” để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà thôi.

Hiện nay, bằng các con đường và thủ đoạn khác nhau, thế lực thù địch, phản động cả trong và ngoài nước đang tích cực, sốt sắng vận động, gây áp lực để chính quyền Việt Nam thả các đối tượng chống đối, có âm mưu chống phá Nhà nước, lật đổ chế độ đã bị ta tuyên án thời gian qua như blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Chúng lớn tiếng cho rằng chúng ta trấn áp những người “đấu tranh ôn hòa”, rằng đó là các “tù nhân chính trị”. Xin thưa rằng, nếu đấu tranh ôn hòa thì đã không xảy ra cảnh hành hung cán bộ, đập phá cơ quan công quyền, hủy hoại tài sản công như ở Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và Bình Thuận vừa qua. Và ở Việt Nam hiện nay chỉ duy nhất có Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa thì làm gì còn cái gọi là “tù nhân chính trị” mà đòi thả. Rõ ràng đây là các hành vi vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Hình sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hành vi đó cần phải được nghiêm trị thích đáng để làm bài học cảnh tỉnh cho những kẻ đang còn ấp ủ âm mưu chống phá, lật đổ chế độ mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Như vậy, qua câu chuyện của Nguyen Wiliam Anh, một lần nữa chúng ta lại chứng minh cho bạn bè thế giới thấy bản chất nhân ái, nhân văn của pháp luật, con người Việt Nam; đồng thời cũng lột trần bộ mặt trơ trẽn, lật lọng, đổi trắng thay đen, ngoan cố, chống đối chế độ tới cùng của bọn thù địch, phản động trong và ngoài nước. Dân tộc Việt Nam có truyền thống đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ luôn luôn tha thứ cho những kẻ tráo trở như Nguyen Wiliam Anh.

Hồng Vân (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2802

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu