Thứ 5, 25/04/2024 18:52:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:09, 24/06/2017 GMT+7

Bán chữ cho quan tham

Thứ 7, 24/06/2017 | 14:09:00 540 lượt xem

BP - Theo sách “Nguyễn Khuyến và giai thoại” thì từ khi cụ Tam Nguyên cáo lão về quê sinh sống, dân quanh vùng vì kính ngưỡng học vấn, chữ nghĩa của cụ nên thường đến xin cụ cho câu đối. Trong những đối tượng xin câu đối, hoành phi có người có lòng thành thực nhưng cũng không ít kẻ xin vì thói hãnh tiến. Cụ vốn căm ghét bọn quan lại sống dựa vào Tây nên nhiều phen cụ đã sử dụng vốn chữ nghĩa của mình để chửi đám này khi chúng đến xin câu đối. Sách trên có chép giai thoại về việc cụ dùng phép chiết tự để mắng tên tri huyện Thanh Liêm khi y đến xin cụ một bức hoành phi.

Minh họa:S.H

Vốn dĩ viên quan này vừa tham lại vừa keo kiệt nhưng thích làm sang. Để tỏ ra mình cũng là tay biết chơi chữ nghĩa, nhân một lần có việc đi qua làng, hắn rẽ vào nhà cụ Nguyễn Khuyến xin cụ viết cho mấy chữ để về treo nơi công đường. Đã biết rõ bản chất hắn, cụ không úp mở nói ngay: Được, chữ thì có nhưng đắt đấy! Mỗi chữ mười quan. Thầy cần mấy chữ, cứ việc tính tiền ra mà lấy. Viên tri huyện nghe thì giật mình nhưng trót ngỏ lời rồi không thể chạy làng mà hoành phi thì không thể xin một chữ. Cuối cùng y đành cay đắng xin hai chữ. Cụ hẹn mai cho người mang đủ tiền đến lấy.

Viên quan về nhà thuật lại chuyện cho vợ nghe, mụ vợ giãy nảy lên: Thôi chết! Chỗ nào chứ chỗ cụ Tam Nguyên, ông làm thế chỉ tổ lòi tính keo kiệt ra, người ta khinh cho. Này nhé, hoành phi 2 chữ là ít nhất, người ta cũng thường xin thế. Nhưng đằng này khác, cụ đã ngã giá trước mà mình chỉ xin có 2 chữ, có phải rõ ra mình bủn xỉn, tiếc tiền không? Nghe bà vợ nói vậy, viên quan huyện khi ấy mới vỡ lẽ ra là mình dại, nên lại bấm bụng sai người mang 40 quan xuống xin cụ cho hẳn 4 chữ. Dù rất xót của nhưng viên quan cũng được nở nang mày mặt vì cụ cho 4 chữ rất hay là “Thiên lý lương nhân”, tạm dịch là “Nghìn dặm người tốt”.

Nghĩ đến thân phận mình làm quan phụ mẫu, hoành phi như thế nghĩa là có tiếng tốt được người ta đồn xa đến ngàn dặm nên vợ chồng tri huyện rất mừng bèn chọn gỗ tốt thuê thợ khắc ngay. Ít lâu sau, có một anh học trò không biết vì lỡ lời thế nào mà bị viên quan sai lính nọc ra đánh giữa công đường. Anh học trò bị đánh xong tuy đau nhưng vẫn phải hậm hực quay ra và vừa đi vừa ngoái cổ lại nhìn vào bức đại tự mà lẩm bẩm: Hèn gì mà cụ Tam Nguyên chẳng chửi cho! Đáng kiếp.

Quan nghe thấy chột dạ mới gọi anh ta lại hỏi nghĩa là làm sao. Nhưng anh học trò chỉ nói: “Cụ Tam Nguyên chửi quan mà quan không biết”. Quan phải nài nỉ mấy lần, sau phải cho một ít tiền làm lộ phí anh ta mới giảng cho. Thì ra “Thiên lý lương nhân” có thâm ý chửi quan là “Trọng thực” tức là tham ăn. Bởi vì chữ Thiên đặt trên chữ Lý thành chữ Trọng, chữ Nhân đặt trên chữ Lương là chữ Thực.

Cũng sách “Nguyễn Khuyến và giai thoại” cho biết, có anh làm nghề coi chợ vừa mua được chức phó lý lại dựng được ngôi nhà mới vừa gần chợ gần sông. Chuẩn bị đến ngày tân gia, anh này đến xin cụ Tam Nguyên đôi câu đối. Vốn biết dăm ba chữ Hán, anh ta xin cụ cho câu đối bằng chữ Hán. Nhưng khi về nhà khoe vợ thì vợ lại trách sao không xin câu đối chữ Nôm cho dễ hiểu. Rồi chẳng đợi chồng thỏa thuận, chị vợ chạy ngay đến nhà cụ Tam Nguyên thưa lại là xin câu đối Nôm. Thấy chuyện ngộ nghĩnh, cụ làm bộ khó khăn nói: Lôi thôi nhỉ! Anh thích chữ, chị thích Nôm, khó chiều quá! Thôi thì thế này là vừa cả lòng anh, lòng ả. Nói rồi cụ kêu lấy giấy bút ghi: Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa tịch tằng xưng tị ốc; Giàu ở làng, sang ở nước, nhờ trời nay đã vểnh râu tôm.          

Cái hay của câu đối là ở đầu mỗi câu có một câu tục ngữ và dù là một vế chữ Hán, một vế chữ Nôm nhưng lại đối nhau chan chát: Làng với thị, giang với nước. Hay nhất là mấy chữ cuối của hai vế: Xưng tị ốc (nghĩa là xưa từng thịnh vượng) với vểnh râu tôm vừa nói được sự vui mừng lại tả được sự hãnh diện của vợ chồng anh coi chợ.

Lời bàn:

Từ nội dung của hai giai thoại nêu trên cho chúng ta thấy rõ, Nguyễn Khuyến đã thật sự gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc bởi những tiếng cười rất đặc sắc, vừa nhẹ nhàng, kín đáo nhưng lại vô cùng thâm thúy, chua cay. Tiếp cận với những sáng tác trào phúng của Nguyễn Khuyến ta mới thấy hết cái đặc sắc, cái giọng điệu riêng của ngòi bút trào phúng vĩ đại này. Và điều đáng trân trọng, tôn vinh ở Nguyễn Khuyến là đối tượng trào phúng trong thơ, văn của cụ hết sức phong phú, đa dạng. Cụ cười bọn tham quan vơ vét hại dân, cười bọn hãnh tiến nhố nhăng, cười cái bi hài của nền Hán học cuối ngày tận số và thậm chí cụ cười cả vua, bọn Tây. Cũng có nghĩa là cụ cười cả bọn bán nước và bọn cướp nước, nhưng đồng thời lại cũng là cười chính mình.

 Có lẽ vì thế mà trong tiếng cười của cụ Nguyễn Khuyến mang những sắc thái và sự biểu cảm khác nhau. Khi để bông đùa cùng bạn đồng triều hay bạn thơ, tiếng cười Nguyễn Khuyến thật hóm hỉnh, thân mật, duyên dáng. Và sắc thái đậm nét nhất trong tiếng cười của Nguyễn Khuyến chính là cười tâm huyết, cười ra nước mắt, cười với giọng nhẹ nhàng mà không kém phần chua cay. Tiếng cười của cụ ở đây không phải là tiếng cười để đùa vui nữa mà là để phê phán, để tố cáo hiện thực xã hội. Mà đối tượng phê phán trong tiếng cười của Nguyễn Khuyến rất cụ thể, rõ ràng, đó là những đối tượng cần phải lên án, vạch trần và chúng không phải ai khác mà chính là bè lũ thống trị, bọn tham quan.

N.D

  • Từ khóa
109928

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu