Thứ 6, 29/03/2024 12:30:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 13:37, 16/01/2016 GMT+7

Bản lĩnh Đại Việt qua những vế đối

Thứ 7, 16/01/2016 | 13:37:00 337 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào năm Mậu Thân - 1308, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ phương Bắc. Trong lúc chờ thiết triều, quan Thừa tướng nhà Nguyên ra vế đối: An nữ khứ, dĩ thỉ vi gia. Nghĩa của câu đối này là chữ “an” nếu bỏ chữ “nữ” đi và thêm vào chữ “thỉ” thì sẽ thành chữ “gia”, tức là “nhà”. Câu đối này ngầm ý chê Mạc Đĩnh Chi là người có thân hình xấu xí. Ngoài ra, câu đối này còn có nghĩa bóng là nhà Nguyên cần phải xóa sổ nước An Nam để nhập vào bản đồ Trung Hoa.

Vừa nghe xong câu đối ấy, Mạc Đĩnh Chi đáp lại ngay rằng: Tù nhân xuất, nhập vương thành quốc. Nghĩa của vế đối này là chữ “tù” bỏ đi chữ “nhân” và thêm chữ “vương” thì sẽ thành chữ “quốc”. Ý của sứ thần Mạc Đĩnh Chi là người ở trong tù đưa ra thì họ cũng làm được vua một nước. Câu này đối ý rất chuẩn vì nói lên rằng dân nước Việt bao đời không chịu đè nén như vậy, mà vẫn đứng vững thành một quốc gia riêng.

Thấy vậy, quan Thái sư của nhà Nguyên đứng cạnh đó tiếp tục ra vế đối: Thiên lý vi trùng, trùng thủy trùng sơn trùng nhật nguyệt. Ý của câu đối này là nước Việt cách Trung Hoa ngàn dặm, núi sông đều giống như Trung Quốc. Nhưng nghĩa bóng là triều đình nhà Nguyên gạ nước Việt nhập vào Trung Hoa. Ngay khi đó, Mạc Đĩnh Chi đối lại như sau: Nhất nhân thành đại, đại quân đại quốc đại càn khôn. Ý nói một người cũng là lớn, có vua lớn, nước lớn, có trời đất lớn. Còn nghĩa bóng là nước Việt tuy nhỏ nhưng cũng có vua quan, có trời đất riêng không phụ thuộc vào ai.

Quan Thái sư nhà Minh chưa chịu và đối tiếp: Hải trung hàm thủy thanh thiên bao nhật nguyệt tinh thần. Nghĩa là trong bể đựng nước bao bọc trời xanh, mặt trời, mặt trăng và cả tinh thần. Nghĩa bóng của câu đối này là Trung Hoa là nước lớn rộng như trời biển bao bọc cả trời xanh, mặt trời, mặt trăng và cả các vì sao, so nước Việt thì nước Việt nhỏ bé. Và Mạc Đĩnh Chi đối lại như sau: Hàn thượng phân kim chỉ địa quát đông tây nam bắc. Nghĩa là, trên mâm chia vàng chỉ xuống đất bao quát cả đông, tây, nam, bắc. Nghĩa bóng là trên một cái mâm chia vàng thì ai cũng được chia như nhau, không cậy lớn mà chia ít cho người khác, chỉ xuống đất bao quát thấu suốt được bốn phương đông, tây, nam, bắc. Nói cách khác, không thể khinh nước nhỏ mà ăn hiếp được.

Được chứng kiến tận mắt Mạc Đĩnh Chi là bậc kỳ tài nên rất khâm phục. Trước đình thần, vua Nguyên phán: “Mạc Đĩnh Chi là Trạng nguyên An Nam và cũng là Trạng nguyên của nhà Nguyên”. Từ đây trở đi, bốn chữ “Lưỡng quốc Trạng nguyên” xuất hiện dành cho Mạc Đĩnh Chi.

Cũng theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Ngô Kính Thần là người xã Xuân Hi, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc, nay là thôn Xuân Phương, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức, đời vua Lê Thánh Tông và được bổ làm quan đến Phó đô Ngự sử. Ông đã từng được triều đình và vua Lê cử đi sứ sang nhà Minh.

Năm 1493, khi vừa thi đỗ Hoàng Giáp, Ngô Kính Thần được vua Lê Thánh Tông cử đi sứ Trung Quốc. Tại cung đình, vua Minh ra câu đối và bắt sứ Đại Việt đối lại: Nhất hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ. Nghĩa của câu đối này là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng. Ý bóng gió trong câu này của vua nhà Minh là kẻ mạnh sẽ thắng kẻ yếu, tức là Đại Việt phải thuần phục thiên triều.

Vua nhà Minh vừa nói xong câu đối và tỏ rõ thái độ đắc chí nhưng không ngờ ngay sau đó Ngô Kính Thần ung dung đối lại rằng: Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô. Nghĩa của vế đối này là: Trăng là cung, sao là đạn, hoàng hôn bắn rụng mặt trời. Vế đối lại của sứ thần Đại Việt Ngô Kính Thần có hình tượng sắc sảo, khí phách quật cường. Bởi, nếu người Minh dùng “lửa mặt trời” (nhật hỏa) để đốt cháy “trăng Đại Việt” (thiêu tàn ngọc thỏ) thì dân Đại Việt lại dùng cái “cung mặt trăng” (nguyệt cung), lấy sao làm đạn (tinh đạn) để bắn rụng “mặt trời phương Bắc” (xạ lạc kim ô).

Nghe xong vế đối, vua Minh nổi giận lôi đình vì cho rằng Ngô Kính Thần có ý chống đối nhà Minh, rồi ra lệnh bắt ông tống giam vào ngục tối. Tuy nhiên, vì vế đối của Ngô Kính Thần quá chuẩn, quá chính xác và quá hay, cho nên vua nhà Minh sợ mất mặt với bách quan và sứ thần các nước nên đành phải cho ông về. Và hành động cực kỳ vô lý của vua nhà Minh đã làm cho câu chuyện bi hùng và danh tính của người đối lại tồn tại và vang vọng mãi cho đến ngày nay.

Năm 1637, vua Lê Thần Tông cử Thám hoa Giang Văn Minh làm chánh sứ sang nhà Minh để bàn chuyện bang giao. Khi tiếp sứ Giang Văn Minh, vua nhà Minh khi đó là Chu Do Kiểm, tức Sùng Trinh đã ngạo mạn đưa ra câu đối và bắt sứ đối lại: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục. Nghĩa của câu đối này là cột đồng trụ đến nay rêu vẫn còn xanh. Ý của vua Minh là nhắc đến cột đồng của Mã Viện dựng lên sau khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Trong buổi tiếp sứ Đại Việt mà ra câu đối như vậy quả là một sự lăng nhục đối với cả dân tộc. Lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trỗi dậy, bất chấp uy lực của hoàng đế thiên triều, có thể gặp tai họa như Ngô Kính Thần nhưng Thám hoa Giang Văn Minh vẫn dõng dạc ứng khẩn đáp lại: Đằng giang tự cổ huyết do hồng. Nghĩa là sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn đỏ. Ý của sứ thần Đại Việt Giang Văn Minh là muốn nhắc cho vua nhà Minh đừng bao giờ quên những lần thất bại trên sông Bạch Đằng. Và không thể bắt bẻ gì về ngôn từ, vì vế đối lại quá chỉnh mà nội dung thì lại quá sâu sắc. Bởi qua vế đối của mình, Giang Văn Minh nhắc cho vua Minh biết rằng, máu của người phương Bắc vẫn còn đỏ cả sông Bạch Đằng, từ những trận Ngô Quyền diệt Hoằng Thao, Lê Hoàn diệt Hầu Nhân Bảo, Trần Hưng Đạo diệt Thoát Hoan. Ba lần chiến thắng ở sông Bạch Đằng đã khiến kẻ thù phương Bắc phải kinh hồn bạt vía. Vế đối của sứ Đại Việt như một cái tát trời giáng thẳng vào mặt vua Minh ngay tại cung đình của “thiên triều”, lại giữa thanh thiên bạch nhật và trước hàng trăm văn võ bá quan khiến vua Minh Sùng Trinh hổ thẹn và căm giận. Vì thế, vua nhà Minh đã tìm mọi cách để hãm hại sứ thần Đại Việt Giang Văn Minh. Ngày 12-6 năm Mậu Dần, tức 12-7-1638, vua Minh ra lệnh giết ông bằng cách mổ bụng để xem lá gan của sứ thần Đại Việt lớn đến cỡ nào. Tuy nhiên, trước bản lĩnh siêu việt, tinh thần thép của Thám hoa Giang Văn Minh, vua nhà Minh đã phải nể phục và cho ướp xác ông đưa về nước.

Gần 400 năm đã trôi qua nhưng khí phách hiên ngang, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cùng với vế đối của các sứ thần Đại Việt sẽ tồn tại mãi muôn đời và đó cũng là lời nhắc nhở cùng hậu thế luôn phát huy tinh thần ấy để giữ vững độc lập và chủ quyền của dân tộc.

N.V

  • Từ khóa
91709

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu