Thứ 4, 24/04/2024 00:50:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:14, 09/03/2017 GMT+7

Bản lĩnh Nguyễn Trung Ngạn

Thứ 5, 09/03/2017 | 13:14:00 973 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, so với những nhân vật cùng thế hệ thời đó, phần ghi chép về Nguyễn Trung Ngạn nhiều hơn và nhiều lời ngợi ca hơn. Rõ ràng là trong thế hệ trí thức làm quan trọng yếu cùng thời, Nguyễn Trung Ngạn nổi bật hơn. Càng làm quan với chức vụ càng lớn, ông lại càng nhận rõ trọng trách của mình trước triều đình và trăm họ. Ông là người dám đổi mới, biết đổi mới và đổi mới có hiệu quả, vì vậy ông có hai lần đứng đầu trong triều, ngang tể tướng.

Ông còn là nhà ngoại giao thông minh, mưu trí, khi mới 26 tuổi đã được tin cẩn cử đi sứ nhà Nguyên, một công việc quan trọng liên quan thể diện quốc gia và đầy nguy hiểm, gian nan. Dưới thời phong kiến, những người được cử đi sứ đều là những bậc đại khoa, thông minh mẫn tiệp và phải có tài ứng đối...

Minh họa: S.H

Sử sách và trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện ông tiếp sứ nhà Nguyên. Năm 1324, vua Nguyên mới lên ngôi, sai sứ thần gồm Lại bộ Thượng thư Mã Hợp Mưu và Lễ bộ Lang trung Dương Tông Thụy sang “tuyên đọc chiếu thư” báo tin Nguyên Thái Định lên ngôi và ban thời lịch. Chiếu thư của vua Nguyên tuy danh nghĩa là thông báo tin vui nội bộ “thiên triều” và hữu hảo nhưng vẫn kèm theo một đoạn “răn đe”: Mới đây kẻ thú thần ở Chiêm Thành có dâng biểu rằng: “Bọn biên lại của khanh phát binh xâm lấn Chiêm Thành”, ta lấy làm sốt ruột, không hiểu khanh vì cớ gì mà làm như vậy, khiến ta khó mà tin được. Ta làm vua cả thiên hạ, coi chỗ xa cũng như chỗ gần, miễn làm thế nào cho dân yên ổn, có chỗ làm ăn. Nhà ngươi phải thể theo ý ấy mà cấm ngăn chúng nó đừng làm loạn và lo giữ gìn dân sự trong nước, chớ quên lòng trung thuận đã có nhiều đời đối với nước ta. Vậy nay tỏ lời chiếu, phải nên tuân theo.

Vào thời điểm này mới cách vụ tranh chấp biên giới mà đoàn sứ nước ta do Doãn Bang Hiến phải đi tranh biện (sử không cho biết kết quả ra sao nhưng Bang Hiến đã mất trên đường đi) có 2 năm. Có thể vì khinh mạn nước nhỏ và muốn tạo một thế thượng phong trong cuộc tiếp xúc với nhà Trần nên sứ Nguyên cứ nghênh ngang trên ngựa đến tận cầu Tây Thấu Trì, các quan tiếp sứ của ta thuyết phục từ giờ Thìn đến giờ Ngọ vẫn không có kết quả. Tình hình rất căng thẳng, vua phải sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn đến đón.

Sử chép ông “lấy lẽ bẻ lại, Hợp Mưu đuối lý, phải xuống ngựa bưng chiếu đi bộ”. Cuộc tiếp đón sau đó diễn ra suôn sẻ, vua Trần Minh Tông tặng mỗi vị sứ thần một bài thơ, khen “hai ông có lòng thành” và sau đó Lang trung Dương Tông Thụy đã có thơ đáp lại, lời lẽ ôn hòa, lịch sự. Đây là lần thứ hai ông hoàn thành xuất sắc sứ mệnh bang giao, vừa giữ được thể diện cho vương triều vừa giúp cuộc tiếp sứ thành công, lại cũng khiến sứ giả thiên triều phải nể mặt. Nguyễn Trung Ngạn đã thể hiện tài trí và tính cách cứng cỏi đúng như ý nghĩa tên và hiệu của ông.

Cuộc đời Nguyễn Trung Ngạn qua sử sách khắc họa sâu sắc tố chất của vị quan tài năng, ngay thẳng, yêu nước, thương dân. Khi làm việc ở Thẩm hình viện, ông lập Bình doãn đường để xét xử ngục tụng, không ai bị oan hoặc bị xử quá đáng, người đương thời lúc đó ví ông như Bao Công. Vụ án về nho sinh họ Đỗ bị xã trưởng và chánh tổng bắt giải lên huyện cùng một túi vàng có 10 lượng với tội danh giết người cướp của là một thí dụ. Khi thẩm vấn phạm nhân, ông nhận thấy Đỗ Sinh là người thật thà, còn xã trưởng và chánh tổng có thái độ đáng ngờ. Ông cải trang thành lái buôn đến tận nơi đào vàng và tìm về quê của thủ phạm để điều tra, vẫn không tìm ra manh mối.

Không để người ngay chịu tội, ông tiếp tục cho mở rộng điều tra, phát hiện người bạn của Đỗ Sinh đi làm ăn xa trở về có liên quan đến vụ án. Anh ta có giữ hộ Đỗ Sinh giấy biên nhận nộp vàng cho xã trưởng và chánh tổng sau khi nhặt được túi vàng 20 lượng. Hai kẻ kia đã thông đồng bớt lại nửa số vàng rồi vu cho Đỗ Sinh tội giết người cướp của. Nguyễn Trung Ngạn khám nhà chánh tổng thấy 10 lượng vàng chôn dưới gốc cây thì lập tức lột mũ áo và tống giam 2 kẻ bất lương, còn Đỗ Sinh được thưởng 1 lượng vàng để ăn học...

Lời bàn:

Trải qua 4 triều vua nhà Trần với hơn 60 năm làm việc tại triều, Nguyễn Trung Ngạn là người trí thức Nho học thực sự có tài về quản lý chính sự, luật pháp, ngoại giao, lịch sử và kể cả quân sự. Dù công việc rất khác nhau, không gian rất xa, trong điều kiện giao thông đi lại khá thô sơ của thế kỷ XIV, nhưng vì sự tín nhiệm của triều đình, sự mẫn cán và năng lực quản lý của bản thân, Nguyễn Trung Ngạn đều hoàn thành tốt công việc được giao.

Từ nội dung của giai thoại trên đây mà hậu thế khẳng định rằng, chỉ có lòng “trung quân, ái quốc” hòa quyện với lòng thương dân và cuộc sống liêm khiết mới tạo cho Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn có được sự tín nhiệm, sức làm việc sáng tạo đa dạng, kỳ diệu đến như vậy. Chính vì lẽ ấy mà cả đương thời lẫn hậu thế ngày nay dù xét ở góc độ nào cũng đều phải thừa nhận và tôn vinh Nguyễn Trung Ngạn là một tài năng lớn của đất nước được phát lộ từ rất trẻ. Và với những đóng góp lớn lao cho quê hương đất nước, danh tiếng của Nguyễn Trung Ngạn sẽ còn lưu mãi với thời gian.

N.D

  • Từ khóa
109893

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu