Thứ 7, 27/04/2024 09:52:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 13:00, 17/01/2019 GMT+7

Trao đổi

Bàn thêm về sự thiếu trung thực chỉ vì thành tích

Thứ 5, 17/01/2019 | 13:00:00 274 lượt xem
BP - Báo Bình Phước số ra ngày 27-12-2018 có đăng bài viết “Thiếu trung thực chỉ vì thành tích” của tác giả An Nhiên. Có con đang học bậc THCS, với những điều nghe và thấy, tôi đồng tình quan điểm của tác giả.

Các cháu vừa trải qua học kỳ I năm học 2018-2019. Khi sơ kết học kỳ ở lớp chọn của khối 7 tại trường THCS con tôi học, điểm bình quân có phản ánh đúng bản chất, thực lực thật sự các cháu không? Bởi, theo lời con kể, kết quả học tập học kỳ vừa qua, ngoài sự cố gắng của bản thân các cháu trong việc học chính khóa, ngoại khóa... thì cứ chuẩn bị đến hôm có giờ kiểm tra môn học, không chỉ bài kiểm tra 1 tiết điểm hệ số 2, thậm chí bài kiểm tra 15 phút hệ số 1, các cháu lại đua nhau đi hỏi dò nội dung đề kiểm tra ở các lớp cùng khối đã làm trước đó hòng chuẩn bị bài “tủ”. Tại kỳ thi học kỳ I vừa qua, vào phòng thi từng nhóm chuyền bài cho nhau chép, thậm chí lớp phó học tập còn mang “phao” vào phòng thi. Những hành động này cho các cháu lợi ích trước mắt, đó là những điểm 8, điểm 9... tuy nhiên, về lâu dài sẽ dẫn đến hệ lụy không tốt cho chính bản thân các cháu khi trưởng thành và cho tương lai đất nước.

Tác giả An Nhiên cho rằng việc không trung thực, nói dối của học trò là “bình thường”. Với cá nhân tôi, những hiện tượng tiêu cực trong học hành, thi cử thể hiện qua việc quay, cóp bài, xem bài của nhau hoặc xem tài liệu trong giờ kiểm tra, thi cử dường như đã trở thành “một phần tất yếu trong cuộc sống” của học sinh thời nay. Nó ăn sâu, lan rộng vào tiềm thức của những người đang ngồi trên ghế nhà trường. Và điều đáng lo ngại là không ít học trò rất vô tư với những hành vi không trung thực nêu trên. Khi những hành vi tiêu cực trên đã trở thành thói quen thì liệu sau này các cháu rời ghế nhà trường, những thói quen đó có thuận lợi để bước ra đời? Và liệu một dân tộc, một đất nước sẽ ra sao khi nền giáo dục đó đang tạo ra những người trẻ tuổi với thói quen không trung thực. Xây dựng cho học trò tính trung thực trong các hoạt động học tập và kiểm tra, thi cử chính là xây dựng biểu hiện của hành vi văn hóa ở con người. Có như vậy mới đào tạo ra những công dân năng lực, trí tuệ để đóng góp vào sự phát triển của toàn xã hội.

Những việc làm thiếu trung thực trong học tập, thi cử của các cháu một phần là để đáp ứng sự kỳ vọng của cha mẹ. Nhưng phần lớn xuất phát từ căn bệnh thành tích đã ngấm sâu vào một bộ phận lãnh đạo quản lý và nhiều giáo viên đứng lớp. Nhiều cấp lãnh đạo ngành giáo dục không căn cứ vào đặc điểm, tình hình của mỗi trường mà cứ ấn định chỉ tiêu học sinh giỏi, khá cho trường, trường lại giao về giáo viên. Do đó, khi bệnh thành tích còn tồn tại thì sẽ còn tiếp diễn những hành động thiếu trung thực, gian lận chạy theo điểm số, thành tích hão huyền.

Ngày xưa, Khổng Tử dạy học trò: “Ai khen ta là kẻ thù của ta. Ai chê ta là thầy ta”. Vì vậy, việc khen đúng và chê đúng là rất cần thiết. Những tấm gương tốt về tính trung thực cần được biểu dương, khen ngợi kịp thời và cùng với đó là phê phán, đẩy lùi những hành vi tiêu cực, thiếu trung thực trong học tập, thi cử. Đừng vì những báo cáo đẹp như mơ về thành tích học tập được đọc vào dịp sơ, tổng kết năm học mà trong đó không ít có được từ sự không trung thực khiến nhiều học trò, nhiều cấp, ngành ngộ nhận về chất lượng, năng lực của nguồn lực con người. Điều đó dẫn đến việc khi xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực sẽ thiếu nền tảng vững chắc.

Thanh Thúy

  • Từ khóa
88392

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu