Thứ 6, 29/03/2024 21:18:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:58, 23/07/2014 GMT+7

Báo cáo của UBND tỉnh về vấn đề đã hứa với đại biểu và cử tri

Thứ 4, 23/07/2014 | 15:58:00 2,596 lượt xem

>> Khai mạc kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa VIII
>> Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa VIII

BPO - Trong phiên chiều 23-7, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa VIII đã nghe báo cáo của UBND tỉnh về việc trả lời những vấn đề đã hứa, tiếp thu, ghi nhận tại kỳ họp thứ 8. Báo Bình Phước xin trích đăng những nội dung chính của báo cáo.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Lợi thay mặt UBND tỉnh đã báo cáo kết quả thực hiện những vấn đề đã hứa, tiếp thu, ghi nhận tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa VIII và báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tại phiên họp tổ đại biểu ngày 16-7-2014

 

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÃ HỨA TẠI KỲ HỌP THỨ TÁM

1. Yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục thực hiện phấn đấu hoàn thành trước ít nhất 7-9 m mặt đường nhựa đối với QL13 đoạn An Lộc - Hoa Lư trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014:

Thời gian qua UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải đôn đốc, nhắc nhở nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên do những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng (kể cả nguồn vốn hỗ trợ cho dự án của tỉnh) và tình hình tài chính của một số cổ đông gặp khó khăn nên tiến độ cũng chưa đạt yêu cầu. Hiện các đơn vị thi công đang tập trung thi công trên tuyến, tuy nhiên do vẫn còn một số vị trí gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thời tiết đang trong mùa mưa nên các đơn vị thi công chưa thể đẩy nhanh tiến độ và việc thảm bê tông nhựa.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã giải quyết những khó khăn cho nhà đầu tư trong việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và chỉ đạo UBND các huyện, thị xã Lộc Ninh, Bình Long đẩy nhanh việc bàn giao các đoạn còn thiếu mặt bằng cho các đơn vị thi công để triển khai thi công đồng bộ các hạng mục còn lại, đồng thời đã yêu cầu nhà đầu tư tăng cường biện pháp đảm bảo ATGT trên tuyến, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nền đá và khi thời tiết thuận lợi phải tiến hành thảm bê tông nhựa ngay, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2014.

2. Chỉ đạo UBND huyện Lộc Ninh và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường và hỗ trợ tái định cư các dự án thuộc dự án Nhà máy xi măng Bình Phước:

Để đẩy nhanh việc phê duyệt các phương án bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc dự án Nhà máy xi măng Bình Phước, trong năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành văn bản ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã: Lộc Ninh, Hớn Quản, Bình Long phê duyệt phương án. Trong quá trình thực hiện, UBND huyện Lộc Ninh gặp phải vướng mắc trong việc hỗ trợ về đất lâm nghiệp cho các hộ dân.

Nhằm giải quyết vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Lộc Ninh phối hợp với Nhà máy xi măng Bình Phước tiếp tục triển khai thực hiện dự án, xây dựng phương án và phê duyệt phương án hỗ trợ bồi thường cho các hộ dân thuộc khu mỏ đá vôi phục vụ sản xuất dây truyền 2 - Dự án Nhà máy xi măng Bình Phước theo hướng mở, có lợi cho các hộ dân (tại Thông báo số 197/TB-UBND ngày 25-6-2014).

Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI VÀ ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH

Do các câu hỏi của cử tri và các tổ đại biểu có sự trùng lặp, UBND tỉnh trả lời HĐND tỉnh theo từng nội dung kiến nghị, cụ thể như sau:

Nội dung thứ nhất:

Điều chỉnh thu ngân sách tỉnh năm 2014 còn 3.500 tỷ đồng. Nguyên nhân, giải pháp để đạt kế hoạch điều chỉnh (Tổ Đồng Xoài - Chơn Thành).

Tổng thu năm 2014 dự kiến điều chỉnh là 3.500 tỷ đồng; (số giảm tuyệt đối là 500 tỷ đồng so dự toán đầu năm). Nếu loại trừ số thu TSDĐ, thu từ hải quan và các khoản ghi thu, ghi chi thì bằng 92% dự toán Bộ Tài chính giao và giảm 14,2 % so dự toán HĐND tỉnh giao đầu năm HĐND tỉnh thông qua.

* Nguyên nhân giảm thu so với dự toán đầu năm:

- Do giá bán mủ cao su 6 tháng đầu năm 2014 giảm 23% so giá dự toán Bộ Tài chính giao: 280 tỷ đồng.

- Do miễn thu thuế GTGT theo Nghị định số 209/2013/NĐ - CP ngày 18-12-2013 của Chính phủ: 550 tỷ đồng

- Do thực hiện Luật thuế TNDN sửa đổi, bổ sung giảm mức thuế suất thuế TNDN (từ 25% xuống 20% và 22%): 45 tỷ đồng.

- Ngoài ra, giảm thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (do suy giảm kinh tế): 18 tỷ đồng; giảm thu từ phí, lệ phí: 5 tỷ đồng.

Như vậy, ước tổng số giảm thu so với dự toán đầu năm khoảng 898 tỷ đồng.

* Giải pháp:

- UBND tỉnh đã dự kiến các khoản tăng thu để bù đắp các khoản hụt thu: 309 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu nợ đọng thuế năm 2013 chuyển sang: 240 tỷ đồng; tăng thu do tăng giá ấn định tính thuế tài nguyên, nước thiên nhiên sản xuất thủy điện 38 tỷ đồng; Tăng thu do thanh tra, kiểm tra và các khoản thu khác: 31 tỷ đồng.

- Số giảm thu cân đối còn lại (898 tỷ đồng - 309 tỷ đồng) = 589 tỷ đồng.

- Về nguyên tắc ngân sách Trung ương đảm bảo bù các khoản giảm thu theo dự toán chi đã giao đầu năm do thực hiện các chính sách của Trung ương để đảm bảo cân đối, do đó, UBND tỉnh sẽ báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng chính phủ xem xét bổ sung cân đối cho địa phương trong 6 tháng cuối năm 2014 (6 tháng đầu năm Bộ Tài chính đã tăng tiến độ trợ cấp để bù hụt thu là 200 tỷ đồng) để đảm bảo các khoản hụt thu và tăng chi ngân sách địa phương.

Nội dung thứ hai:

Nguyên nhân và giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng nợ đọng vốn xây dựng cơ bản (Tổ Bình Long - Hớn Quản).

Nội dung này UBND tỉnh đã ủy quyền cho thành viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Thành Nam trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp ngày 4-6-2014. Tuy nhiên, UBND tỉnh có một số ý kiến trả lời như sau:

* Về nguyên nhân chủ yếu:

- Nguồn thu ngân sách tỉnh không đạt nên chưa bố trí đủ nguồn vốn để giải ngân các dự án đã phê duyệt.

- Một số chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục thanh toán do chờ hết thời gian bảo hành công trình.

- Đối với các dự án được phê duyệt trong thời gian dài (từ năm 2009 - đến năm 2013) nhưng chưa được bố trí vốn do tình hình kinh tế khó khăn, nguồn vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách địa phương hạn chế nên chưa bố trí được.

* Về giải pháp chủ yếu:

- Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình dựa trên số liệu đã quyết toán để giải quyết tình trạng nợ đọng (trừ các dự án cần giữ lại tỷ lệ nhất định để bảo hành công trình).

- Đôn đốc, chắc nhở các chủ đầu tư chậm quyết toán các dự án hoàn thành.

- Đảm bảo các dự án thực hiện trong phạm vi vốn được giao.

- Nghiêm cấm các đơn vị tự bỏ vốn ra triển khai thi công trước khi chưa được bố trí vốn.

- Thực hiện rà soát các dự án đã phê duyệt để loại bỏ hoặc chuyển đổi phương thức đầu tư nếu dự án không còn khả thi, không thật sự cấp thiết.

Nội dung thứ ba:

Phân tích thêm mức tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững (Tổ Đồng Xoài - Chơn Thành).

6 tháng đầu năm lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng 12,4% và dịch vụ tăng 8,5%. Mức tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng tăng do sản xuất công nghiệp đã từng bước phục hồi, phần lớn các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều tăng so với cùng kỳ như: hạt điều nhân tăng 14,6%, tinh bột sắn tăng 1,8%, xi măng tăng 1,6%, linh kiện điện tử tăng 3,3%, điện sản xuất  tăng 3,4%... Tuy nhiên mức tăng trưởng này chưa cao so với yêu cầu do một số sản phẩm giảm như đá xây dựng giảm 3,8% và đặc biệt sản phẩm xăng sinh học chưa được đưa vào sản xuất thương mại theo kế hoạch.

Ngành dịch vụ, ước 6 tháng đầu năm tăng 8,5% đã thể hiện của sức mua và tiêu dùng dịch vụ trong dân giảm sút, nguyên nhân do thu nhập từ lĩnh vực khai thác và chế biến mủ cao su giảm mạnh.

Giải pháp cụ thể để doanh nghiệp phát triển, tăng năng lực sản xuất kinh doanh như: Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư… để thu hút đầu tư, tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn tín dụng. Thực hiện cải cách mạnh mẽ, đồng bộ các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đến doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển tốt thị trường tiêu thụ nội địa,…

Nội dung thứ tư:

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có cải thiện nhưng hiệu quả chưa cao, giải pháp đối với các chỉ số thành phần đạt thấp, chưa có nhiều chuyển biến tích cực (Tổ Bình Long - Hớn Quản).

Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh luôn tập trung, chỉ đạo thực hiện đồng bộ Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ, Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 27-9-2013 của Tỉnh ủy tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời kiện toàn Tổ công tác PCI của tỉnh. Thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, mục tiêu của Chương trình PCI; công khai, minh bạch các chủ trương, quy hoạch, kế hoạch, chính sách ưu đãi của tỉnh; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, thể hiện sự nghiêm minh của thiết chế pháp lý tại địa phương; thực hiện luân chuyển cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác của công chức theo quy định; tập trung nguồn lực, ngân sách thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động; đồng thời lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Ngoài các giải pháp chung nêu trên, UBND tỉnh cũng đề ra các giải pháp cụ thể đối với các chỉ số thành phần đạt thấp, chưa có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể như sau:

- Về chỉ số đào tạo lao động: Triển khai có hiệu quả các đề án về đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, trung tâm dạy nghề; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng. Khuyến khích xã hội hóa, tư nhân hóa lĩnh vực đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm, thị trường lao động …

- Về chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: Tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực của các đơn vị sự nghiệp công địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường tìm kiếm các nguồn vốn phối hợp với kinh phí địa phương để hỗ trợ các đơn vị thực hiện dịch vụ công; từng bước xã hội hóa, tư nhân hóa các dịch vụ công theo quy định.

- Về chỉ số cạnh tranh bình đẳng: Rà soát lại các chính sách đã ban hành, cập nhật những cơ chế mới của Trung ương; minh bạch trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước, việc thực hiện các TTHC, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp các thành phần kinh tế.

- Về chỉ số thiết chế pháp lý: Tập trung chỉ đạo giải quyết những tranh chấp trong thực hiện hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp; xử lý nghiêm cán bộ, công chức tham nhũng, nhũng nhiễu để tạo lòng tin cho doanh nghiệp; giám sát và kiểm tra định kỳ để bảo đảm mọi khiếu kiện đều được ghi nhận và trả lời cho doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

- Về chỉ số chi phí gia nhập thị trường: Chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh, đủ điều kiện kinh doanh và các loại giấy phép khác trong xây dựng, nhằm rút ngắn thời gian, giảm phiền hà cho doanh nghiệp.

Nội dung thứ năm:

Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân theo Quyết định 21/2013/QĐ-UBND (Tổ Đồng Xoài - Chơn Thành).

Sau 1 năm thực hiện Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND ngày 6-5-2013 của UBND tỉnh, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với diện tích đất này đến hết ngày 30-6-2014 trên toàn tỉnh đạt 16,2% trên tổng diện tích cần cấp (18.823,5/116.490,2 ha), tỷ lệ này đã được cải thiện rất nhiều so với thời điểm sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 52/2009/QĐ-UBND ngày 4-11-2009 của UBND tỉnh (chỉ đạt 7,6%).

Ngoài ra, trong thời gian qua các địa phương đã đo đạc chính quy, lập hồ sơ địa chính để xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ với số lượng rất lớn. Hiện tại các địa phương đang tập trung xét duyệt để cấp giấy chứng nhận QSDĐ đất với diện tích khoảng 30.000 ha, như vậy tỷ lệ cấp giấy chứng nhận QSDĐ đất đối với diện tích đất lâm nghiệp trả về địa phương sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

UBND tỉnh ghi nhận ý kiến đề xuất sơ kết thực hiện Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND của các đại biểu. Kế hoạch sơ kết công tác này trên từng địa phương thực hiện theo Điều 6 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND.

Nội dung thứ sáu:

Tiến độ triển khai Chương trình điện Tây nguyên trên địa bàn tỉnh (Tổ Phước Long - Bù Gia Mập).

Bình Phước là 1 trong 48 tỉnh, thành phố được Thủ tướng chính phủ quan tâm phê duyệt thuộc chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8-11-2013.

Được sự đồng thuận của Bộ Công thương (Công văn số 11453/BCT-TCNL ngày 12-12-2013), Bộ Tài chính (Công văn số 1179/BTC-ĐT ngày 23-1-2014) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 1375/BKHĐT-KTCN ngày 11-3-2014) UBND tỉnh đã:

- Triển khai lập dự án cấp điện cho các thôn, ấp chưa có điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2020.

- Đã thống nhất với các bộ, ngành Trung ương thỏa thuận dự án, phân kỳ đầu tư cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013 - 2020.

- Phê duyệt dự án cấp điện cho các thôn, ấp chưa có điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2020 tại Quyết định số 1153/QĐ-UBND ngày 4-6-2014.

- Đăng ký vốn thực hiện Dự án năm 2015 theo đề nghị của Bộ Công thương.

Công việc còn lại: Triển khai thiết kế bản vẽ thi công.

Nguồn vốn: Ngân sách Trung ương (vốn vay ODA): 85%, đối ứng ngân sách địa phương: 15%.

Hiện tại, toàn bộ hồ sơ vùng dự án cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013 - 2020 đã được bàn giao về cho từng huyện, thị xã để quản lý, chỉ đạo, tuyên truyền kiểm tra, giám sát việc bảo vệ tốt hành lang nơi đã dự kiến hướng tuyến có đường điện đi qua. Khi được phân bổ vốn sẽ tiến hành triển khai ngay theo đúng tiến độ.

Nội dung thứ bảy:

Các tuyến đường giao thông thường xuyên hư hỏng, chất lượng rất kém so với các tỉnh khác, đặc biệt đoạn đường khu vực vòng xoay ngã tư Đồng Xoài (Tổ Đồng Phú, Bù Đăng).

- Phản ánh kiến nghị của đại biểu HĐND về các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Phước thường xuyên hư hỏng và chất lượng kém so với các tỉnh khác là đúng.

Nguyên nhân:

+ Trong những năm qua do nguồn vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh quản lý còn hạn chế, tổng chiều dài các tuyến đường lớn, xuất đầu tư thấp nên phần lớn các tuyến đường được thiết kế với quy mô, tiêu chuẩn cấp thấp, chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế xã hội.

+ Phương tiện giao thông ngày càng tăng cao trong khi nguồn vốn bảo trì, duy tu sửa chữa (DTSC) hàng năm bố trí chỉ mới thực hiện để đảm bảo ATGT, xử lý lại một số vị trí mặt đường đã xuống cấp, nạo vét mương, cống, phát quang và bổ sung biển báo (mỗi năm khoảng từ 20-25 tỷ đồng) và cũng chỉ sữa chữa được khoảng dưới 3% diện tích mặt đường các loại tỉnh đang quản lý, khai thác (chưa kể hệ thống cầu cống, biển báo… ).

Giải pháp:

+ Bố trí tăng thêm kinh phí duy tu sửa chữa các tuyến đường trong những năm tiếp theo.

+ Thực hiện sửa chữa những vị trí cấp bách trên các tuyến đường để đảm bảo ATGT giúp người tham gia giao thông được thuận lợi hơn.

+ Sau khi nguồn thu ngân sách tỉnh tăng cao sẽ bố trí vốn để thực hiện trung tu, đại tu hoặc nâng cấp các tuyến đường đáp ứng nhu cầu khai thác ngày càng cao của xã hội.

- Đối với đoạn đường khu vực vòng xoay ngã tư Đồng Xoài thuộc tuyến QL14 do Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư đưa vào sử dụng từ năm 2000, trong quá trình khai thác mặt đường đã và đang có dấu hiệu xuống cấp. Thời gian qua, đoạn đường này đã được Bộ Giao thông - Vận tải lập dự án nâng cấp và đã hoàn tất thủ tục đấu thầu thi công từ năm 2011, nhưng phải tạm ngừng đầu tư theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ. UBND tỉnh đã có các văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải (Công văn số 3946/UBND-KTN ngày 27-11-2013, số 2092/UBND-KTN ngày 4-7-2014) và đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ GT-VT - Đinh La Thăng. Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất với kiến nghị cho nâng cấp đoạn nội ô thị xã Đồng Xoài và trình Thủ tướng chính phủ báo cáo Quốc hội xin chủ trương đầu tư nâng cấp (Thông báo số 690/TB-BGTVT ngày 8-7-2014 của Bộ GT-VT).

Nội dung thứ tám:

Các vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số (Đa số cử tri và các tổ đại biểu kiến nghị):

Vấn đề thứ nhất: Thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng chính phủ.

Đề án theo Quyết định 755/QĐ-TTg của tỉnh chưa phê duyệt do hiện nay UBND tỉnh đang thực hiện ý kiến phúc tra của Ủy ban Dân tộc về bổ sung vào căn cứ pháp lý quyết định bình quân mức hỗ trợ đất sản xuất để làm căn cứ xem xét hỗ trợ cho đối tượng được thụ hưởng. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng các chính sách và nguồn kinh phí thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 113/QĐ-UBND ngày 14-1-2014. Đến nay các địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu theo từng năm.

Theo quy định, số kinh phí thực hiện giai đoạn I năm 2014 và 2015 là: 106.832,56 triệu đồng, trong đó:

- Trung ương đầu tư hỗ trợ:                   46.456,3  triệu đồng.

- Ngân sách tỉnh đối ứng:                       6.515,63 triệu đồng.

- Ngân sách TW cấp bù 10% cho ngân sách tỉnh: 4.645,63 triệu đồng.

- Vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội: 49.215 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay Trung ương mới phân bổ cho tỉnh được 0 1tỷ đồng, UBND tỉnh đã tạm phân bổ bình quân 100 triệu đồng/huyện, thị xã để triển khai thực hiện. Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương chưa phân bổ vốn. Do nguồn vốn Trung ương không đảm bảo nên tỉnh sẽ không đạt 70% chỉ tiêu của Đề án 755/QĐ-TTg và khả năng phải kéo dài thời gian thực hiện.

Vần đề thứ hai: Hiệu quả cấp đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thuộc các chương trình, dự án.

Các chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào DTTS như văn hóa, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như Chương trình 135, 134, 1592, 193, 160, 168, 33, 32, 54, 102,… đến nay tình hình sản xuất, đời sống kinh tế - an ninh - trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng ổn định và phát triển, một số hộ đồng bào dân tộc đã định canh, định cư có cuộc sống ổn định và đang trên đà phát triển, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình có hiệu quả, các vấn đề bức xúc của đồng bào từng bước được giải quyết.

Tuy nhiên, một số diện tích đất của các hộ bị tái lấn chiếm, UBND tỉnh đã có chỉ đạo các huyện kiên quyết thực hiện thu hồi lại diện tích đất đã cấp nhưng bị xâm canh, lấn chiếm để chấn chỉnh kỷ cương pháp luật; đồng thời tiến hành việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ thụ hưởng; nếu còn xảy ra lấn chiếm, tranh chấp phải đưa vụ việc ra cơ quan tòa án xét xử theo pháp luật (38 hộ tại huyện Bù Đăng). Thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ các hộ thụ hưởng của chương trình 134 bị xâm canh, lấn chiếm đưa vào đối tượng thụ hưởng hỗ trợ đất sản xuất hoặc học nghề, chuyển đổi nghề, xuất khẩu lao động hoặc giao khoán bảo vệ rừng theo Quyết định số 755/QĐ-TTg và UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 113/QĐ-UBND ngày 14-1-2014.

Hiện nay các địa phương đang từng bước thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

+ Xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp trong vùng đồng bảo dân tộc thiểu số, ưu tiên hỗ trợ vốn vay để các HTX và xã viên có điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.

+ Một số địa phương đã rà soát và khảo sát theo nhu cầu của đồng bào thụ hưởng đã chuyển từ nhận đất sản xuất sang nhận bò như huyện Hớn Quản bước đầu đã phát huy được hiệu quả.

Trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để đạt được hiệu quả cao nhất trong điều kiện có thể của địa phương.

Vấn đề thứ ba: Hiện nay, còn hơn 4.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.

Qua khảo sát và rà soát trên địa bàn tỉnh còn khoảng gần 4.000 hộ đồng bào dân tộc thiếu và không có đất sản xuất. Trên cơ sở Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 13-12-2013 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 113/QĐ-UBND ngày 14-1-2014. Đến nay các địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch thực hiện qua các chỉ tiêu, chính sách cụ thể theo từng năm, phối hợp lồng ghép với các nguồn vốn của Trung ương theo quy định của các chính sách để từng bước giải quyết hỗ trợ giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Vấn đề thứ tư: Những giải pháp hạn chế tình trạng bán điều non, thế chấp cầm cố đất đai của một số hộ đồng bào dân tộc.

Để ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 15-9-2010 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND về việc tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Trong thời gian qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND chưa đạt hiệu quả là do sự vào cuộc của các ngành, các cấp địa phương chưa đồng bộ, chưa quyết liệt. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo từ nay đến cuối năm phải tổ chức Hội nghị chuyên đề sơ kết 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND của UBND tỉnh để đánh giá cụ thể tình hình và đưa ra các giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với một số giải pháp như:

+ Đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho đồng bào DTTS để có cơ sở vay vốn sản xuất ở các ngân hàng với lãi xuất ưu tiên.

+ Xem xét nguồn vốn vay ưu đãi cho đồng bào chuộc lại đất.

Vấn đề thứ năm: Hợp đồng liên kết trồng cao su trên đất Chương trình 134.

Hợp đồng liên kết trồng cao su trên đất Chương trình 134 đã được UBND thuận chủ trương để huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng triển khai thực hiện liên doanh với Công ty cổ phần cao su Phú Thịnh để trồng cao su theo hình thức 50% lợi nhuận đối với huyện Bù Gia Mập và chia 50% diện tích sau khi hoàn thành giai đoạn xây dựng cơ bản đối với huyện Bù Đăng. Đến nay, 2 huyện đã đo đạc để cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Tại huyện Bù Đăng đã cấp xong giấy chứng nhận QSDĐ cho 101 hộ thụ hưởng.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành nghiên cứu phương án cấp giấy chứng nhận QSDĐ và ăn chia sản phảm cho đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng chính sách của Chương trình 134 để làm căn cứ pháp lý cho các hộ dân ký kết hợp đồng liên doanh và có cơ sở tính toán công khai chia lợi nhuận hàng năm giữa bên góp đất và bên sử dụng đất (thời gian qua mới chỉ thực hiện tạm ứng lợi nhuận).

Vấn đề thứ sáu: Việc giao đất tái định canh cho các hộ dân bị thu hồi đất nói chung và các hộ đồng bào DTTS ở 2 huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập.

Trong thời gian qua, do thực hiện Chỉ thị 1685/CT-TTg của Chính phủ nên việc chuyển đổi đất rừng, đất lâm nghiệp phải xin chủ trương của Chính phủ.

Sau khi làm việc với các bộ, ngành Trung ương và xin ý kiên của Thủ tướng chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 586/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng chính phủ Hoàng Trung Hải.  Ngày 28-2-2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND triển khai thực hiện các dự án theo chủ trương của Thủ tướng chính phủ. Hiện nay các địa phương đang triển khai thực hiện các bước như rà soát, hoàn thiện các hồ sơ kiểm kê hiện trạng rừng, hồ sơ đánh giá tác động môi trường, hồ sơ khai thác tận dụng lâm sản theo đúng quy định của các thông tư hướng dẫn. Sau khi hoàn thành các thủ tục trên theo quy định, UBND tỉnh sẽ thực hiện việc giao đất theo kiến nghị của đại biểu.

Nội dung thứ chín:

Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

1. Nhóm tiêu chí về Hạ tầng kinh tế - xã hội: Trong số 8 tiêu chí thuộc nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội, có 4 tiêu chí gồm Tiêu chí 2 - Giao thông (1/21), Tiêu chí 5 - Trường học (1/21), Tiêu chí 6 - Cơ sở vật chất văn hóa (1/21), Tiêu chí 4 - Điện (8/21) đạt thấp; 2 tiêu chí: Tiêu chí 3 - Thủy lợi (16/21), Tiêu chí 8 - Bưu điện (20/21) đạt khá; 2 Tiêu chí: Tiêu chí 7 - Chợ (11/21), Tiêu chí 9 - Nhà ở dân cư (11/21) đạt trung bình (50%).

Nguyên nhân: Các tiêu chí xây dựng hạ tầng cần nhiều vốn. Tuy nhiên, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và vốn ngân sách tỉnh bố trí thấp nên không thực hiện đạt kế hoạch.

Giải pháp: Cần bố trí tăng vốn ngân sách nhà nước để đẩy nhanh tiến độ và ưu tiên vốn cho những xã thực hiện tốt để hoàn thành các tiêu chí.

2. Nhóm tiêu chí về Kinh tế và tổ chức sản xuất: Trong số 4 tiêu chí thuộc nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất có 3 tiêu chí: Tiêu chí 10 - Thu nhập (14/21), Tiêu chí 11 - Hộ nghèo (17/21), Tiêu chí 12 - Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên (18/21) đạt khá, còn 1 Tiêu chí 13 - Hình thức tổ chức sản xuất (7/21) đạt thấp (30%).

Nguyên nhân:

- Đây là nhóm tiêu chí chỉ dựa vào sức dân, tuy nhiên điều kiện nguồn vốn của nông dân còn hạn chế, giá cả nông sản vật tư đầu vào cao, thiếu ổn định; giá nông sản bấp bênh, do đó ảnh hưởng lớn đến đời sống thu nhập của người dân.

- Các ngành liên quan chưa làm tốt công tác giúp các xã thực hiện tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất.

Giải pháp:

- Tăng cường công tác chỉ đạo của cấp huyện, hướng dẫn đôn đốc các xã thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả. Làm cơ sở nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã, huyện.

- Ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến cho nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nghề nông thôn, nâng cao lao động có tay nghề cho nông dân. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư,... các dự án phát triển sản xuất, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng vật nuôi nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng.

- Các sở, ngành (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã), UBND các huyện, thị xã cần chủ động hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới thực hiện tốt hơn tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất.

3. Nhóm tiêu chí Văn hóa - Xã hội - Môi trường: Trong số 4 tiêu chí thuộc nhóm tiêu chí Văn hóa - Xã hội - Môi trường có 2 tiêu chí: Tiêu chí 14 - Giáo dục (17/21), Tiêu chí 15 - Y tế (14/21) đạt khá; còn 2 tiêu chí: Tiêu chí 16 - Văn hóa (6/21), Tiêu chí 17 - Môi trường (8/21) đạt thấp.

Nguyên nhân: Tiêu chí 16 Văn hóa, Tiêu chí 17 Môi trường tuy không cần nhiều kinh phí nhưng do các địa phương chưa coi trọng tổ chức thực hiện 2 tiêu chí này nên kết quả đạt thấp. Riêng tiêu chí 15 Y tế đạt khá nhưng khả năng số xã tăng lên sẽ khó khăn do tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ và số bác sĩ trên vạn dân còn thấp, trong khi đó việc thu hút bác sĩ đến làm việc tại địa phương, nhất là tại vùng xa còn nhiều khó khăn.

Giải pháp:

- Các xã cần tập trung hơn nữa trong tổ chức thực hiện tiêu chí 16 về văn hóa và tiêu chí 17 về môi trường.

- Các sở, ngành liên quan (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường), UBND các huyện, thị xã cần tập trung chỉ đạo sát sao hơn nữa các tiêu chí thuộc nhóm tiêu chí này.

4. Nhóm tiêu chí Hệ thống chính trị: 2 tiêu chí thuộc nhóm tiêu chí này đạt khá (17/21;16/21). Tuy nhiên, đây là 2 tiêu chí không cần vốn nhiều kinh phí nhưng thực hiện chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân: Việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp xã còn chậm thực hiện. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc chưa được đẩy mạnh thực hiện.

Giải pháp:

- Cần tăng cường cán bộ đạt chuẩn cho các xã.

- Sở Nội vụ, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc thực hiện 2 tiêu chí này.

Trên đây là báo cáo trả lời những vấn đề đã hứa tại kỳ họp thứ tám; ý kiến kiến nghị của cử tri và đại biểu tại kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa VIII, UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh.

BBT

  • Từ khóa
11442

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu