Thứ 7, 27/04/2024 01:54:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:49, 24/04/2018 GMT+7

Bao Công đất Việt

Thứ 3, 24/04/2018 | 14:49:00 165 lượt xem
BP - Sử sách ghi rằng, Quận công Nguyễn Mại là người văn võ song toàn, vị quan thanh liêm, chính trực, được người dân nể trọng và gọi là Bao Công của đất Việt. Nguyễn Mại sinh năm1655 và mất năm 1720. Ông quê làng Ninh Xá, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Năm 1691, khi ở tuổi 36, ông đỗ hoàng giáp (vị trí chỉ đứng sau trạng nguyên) và làm quan dưới triều vua Lê Hy Tông.

Lúc đầu, Nguyễn Mại làm quan ở bộ Lễ, sau được thăng chức Tả thị lang của bộ này. Ông được cử đi sứ nhà Minh, rồi làm Đốc trấn Cao Bằng, sau đổi về Đốc trấn Sơn Tây cho đến cuối đời. Ông mất năm 1720, thọ 66 tuổi, được truy tặng chức Lễ bộ Thượng thư, tước Quận công đời vua Lê Dụ Tông. Trong sách “Đại Nam nhất thống chí” có đoạn mô tả ông là người “có sức khỏe, có mưu lược, trộm cướp phải nín hơi, xét kiện sáng suốt, danh vọng rất cao”. Còn trong sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì viết: Mại là người khỏe mạnh, có mưu lược lại giỏi bắn cung và cưỡi ngựa. Trong đó cũng kể lại câu chuyện dũng khí của ông: Một hôm, Lễ Phiên đang bàn việc, bỗng có con voi bị xổng, từ ngoài đi vào, khiến cho ai cũng hoảng hốt bỏ chạy, duy chỉ có Nguyễn Mại là thần sắc không hề thay đổi, vẫn đứng tiếp tục trình bày công việc như thường.

Minh họa: S.H

Với phẩm cách thanh cao, chính trực, không sợ cường quyền, Nguyễn Mại chỉ trích lối sống xa hoa của chúa Trịnh. Cũng vì thế mà chúa Trịnh dù có phần phật ý nhưng vẫn kính nể và trọng dụng ông. Chúa Trịnh cũng là người giao cho ông trọng trách giữ thủy quân, sau làm Đốc trấn Cao Bằng rồi chuyển về trấn thủ Sơn Tây. Cũng tại trấn Sơn Tây, mà hậu thế ngày nay mới được biết đến tài năng xử án và xét đoán như thần của Nguyễn Mại. Hầu hết các câu chuyện xử án của ông được lưu truyền trong dân gian, sau đây là một vài trong số đó.

Chuyện xưa kể lại rằng, một hôm, quan Đốc trấn có việc đi qua làng Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) chợt nghe thấy người đàn bà đang lớn tiếng chửi mất buồng chuối. Ông chợt nghĩ, lý dịch xưa nay không thấy ai để ý đến việc điều tra xét xử tội ăn cắp vặt nên tệ nạn này mới có cơ hoành hành. Nghĩ đoạn, ông tiến đến hỏi người đàn bà và phát hiện vết chặt trên cây chuối còn mới. Đoán biết là kẻ trộm chỉ ở quanh đây, ông liền gọi lý trưởng đến, ra lệnh tất cả người làng ra vét ao đình. Trong khi mọi người đang hì hục làm, ông bảo lý trưởng đi mua trầu cau, phát cho mọi người ăn trong lúc nghỉ giải lao. Sau đó, ông sai mọi người rửa tay thật sạch, lên sân đình ngồi nghỉ.

Trong số các bàn tay đưa ra nhận trầu, Nguyễn Mại nhận thấy trên tay một người có vết đen dù đã rửa, liền ra lệnh bắt ngay người đó. Quả nhiên đó là người ăn trộm chuối bởi nhựa chuối dính trên tay, ngâm xuống bùn thì dính bẩn và không thể rửa sạch ngay được. Chỉ qua vài câu xét hỏi, người này phải cúi đầu nhận tội, trả lại buồng chuối đã lấy và chịu nộp phạt trước dân làng.

Sách “Đăng khoa lục sưu giảng” viết rằng: Một lần Nguyễn Mại đi qua chợ Bảo Khám ở Gia Bình (Bắc Ninh), thấy người đàn bà mất màn (sách “Hải Dương phong vật chí” thì ghi là mất con gà) đang to tiếng chửi rủa. Có lẽ vì xót của mà bà ta lôi cả tam đời ngũ đại kẻ đánh cắp ra mà chửi. Ông bèn mắng người đàn bà này là ác khẩu, rồi sai tất cả người dân trong làng, cả già trẻ gái trai, đến vả vào má bà này. Mọi người vì sợ lệnh quan mà miễn cưỡng chấp hành, nhưng vẫn thương hại bà mà giơ cao đánh khẽ. Thế nhưng có một người lại ra sức tát mạnh. Nguyễn Mại lập tức cho bắt lại và tra hỏi. Quả nhiên đó chính là thủ phạm, vì bị chửi rủa mà căm phẫn bất bình.

Một lần khác khi đang vi hành chợ Sơn Tây, ông thấy 2 người đàn bà đang giành nhau một tấm lụa. Ông phân xử xé đôi tấm lụa cho mỗi người một nửa. Sau đó, một người cầm mảnh lụa vui vẻ rời đi, còn người kia vẫn quỳ đó mà khóc lóc kêu than. Ông bèn phán: “Phàm chỉ có người làm ra tấm lụa mới biết trân trọng, tiếc công sức của mình. Còn chỉ biết hưởng công sức người khác thì mới hí hửng nhường ấy”. Nhờ đó mà ông đã tìm lại chủ nhân chân chính của tấm lụa. Đó cũng là vụ án xé đôi tấm lụa nổi tiếng trong dân gian.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại nêu trên thì Nguyễn Mại quả là người có cái uy của một vị quan xử kiện, nhưng mặt khác, ông cũng rất am hiểu “tâm lý học tội phạm”. Và chính điều này đã khiến những kẻ tội phạm đương thời phải “khẩu phục, tâm phục”. Tuy nhiên, những vụ xử án của ông, khi điều tra ra thủ phạm thường thì ông chỉ bắt họ trả lại tài sản đã trộm cắp, ngoài ra không xử phạt thêm hình phạt nào khác. Và đây cũng chính là nguyên nhân làm cho tội phạm, nhất là tội trộm cắp thời ấy thường xuyên “lộng hành”.

Theo pháp luật hình sự ngày nay, chắc chắn là tùy theo mức độ vi phạm và giá trị tài sản bị trộm cắp mà định khung hình phạt cho người vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng. Và mặc dù pháp luật hình sự ngày nay nghiêm minh là vậy, nhưng hiện nay ở đâu đó vẫn thường xuyên xảy ra những vụ trộm cắp. Suy cho cùng, muốn ngăn chặn được nạn trộm cắp thì không phải chỉ có pháp luật nghiêm minh, mà điều quan trọng là các cấp chính quyền chăm lo cho người dân như thế nào. Khi mọi người đã ăn ngon mặc đẹp thì chắc chắn nạn trộm cắp sẽ không còn. Vì chẳng ai muốn vào tù vì những thứ mình đã có. 

N.D

  • Từ khóa
110035

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu