Thứ 6, 29/03/2024 17:18:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:28, 19/11/2015 GMT+7

Bao giờ mới hết lao lý vì vô lý?

Thứ 5, 19/11/2015 | 14:28:00 237 lượt xem

BP- Một lần nữa, những vụ án ở Bình Phước lại được nêu lên trong nghị trường Quốc hội. Đó là vụ án xảy ra tại Ban quản lý chợ Đồng Xoài. Ngày 16-11, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Bùi Mạnh Hùng chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình về việc báo cáo của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, tại kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2015) kết luận việc khởi tố hai ông Đặng Công Văn và Bùi Văn Quỳnh, nguyên cán bộ Ban quản lý chợ Đồng Xoài là sai luật, vậy vụ án này có oan sai hay không, vì sao đến nay chưa thể giải quyết dứt điểm được vụ án đơn giản khi đã trải qua 10 năm?

Đây là một trong những vụ án ở Bình Phước điển hình cho sự yếu kém của các cơ quan tố tụng, dẫn tới hệ lụy khiến nhiều người rơi vào vòng lao lý một cách... vô lý. Và có lẽ ít tỉnh, thành nào lại nhiều vụ án vốn đơn giản nhưng trở nên phức tạp, khó giải quyết, thậm chí không thể tìm ra hướng giải quyết sau khi có sự “vào cuộc” của... các cơ quan tố tụng như ở Bình Phước.

Điển hình như vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Nguyễn Thị An, thôn 2 và ông Nguyễn Đức Thú, thôn 7, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng, chỉ vì sai sót của các cơ quan tố tụng mà sau 20 năm luẩn quẩn, qua 3 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm, tháng 9-2015 lại tiếp tục “được” Tòa án nhân dân tỉnh tuyên... hủy án sơ thẩm, xét xử lại từ đầu. Tiếp đó là vụ Trần Văn Đề, ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, bị khởi tố, bắt giam về tội không chấp hành án. Sau 19 năm luẩn quẩn với những rắc rối do chính mình gây ra và không giải quyết dứt điểm, giữa năm 2015, các cơ quan tố tụng của Bình Phước đã bị Ban Nội chính Trung ương “tuýt còi” vì thấy oan sai rất rõ. Một kỳ án khác là trong 12 năm qua, bị cáo Hoàng Trọng Nghĩa, thường trú phường Tân Bình, TX. Đồng Xoài, 3 lần Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú tuyên vô tội sau khi bị khởi tố, truy tố vì vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nhưng vẫn chưa thoát khỏi vòng lao lý. Bởi vì mỗi khi Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú tuyên án, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú lại kháng nghị, còn Tòa án nhân dân tỉnh thì không phân biệt được hai cơ quan tố tụng cấp huyện này ai đúng ai sai nên tuyên... hủy án sơ thẩm điều tra lại “cho chắc”! Hậu quả đương sự Hoàng Trọng Nghĩa cùng các bên liên quan và người thân ròng rã năm này qua năm khác phải vào nhà lao hay mang thân phận bị cáo cũng “sống chết mặc bay”.

Đó là 4 trong số rất nhiều vụ án được xem là điển hình không chỉ ở Bình Phước mà là “điển hình toàn quốc”. Hàng loạt vụ án khác cũng “điển hình” không kém, như: Vụ án liên quan đến chị Tiêu Thị Sự ở thôn 4, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, vụ án liên quan đến ông Đào Nhựt Hoa - chủ doanh nghiệp Hoàn Cầu ở thị xã Đồng Xoài... Đương sự trong những vụ án này có lẽ đã “chồn chân mỏi gối” và cũng làm tốn bao giấy mực, công văn của các cơ quan ở trung ương, tỉnh nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm...

Không người dân, doanh nghiệp nào có thể chấp nhận được nếu biết rằng quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự trong 45 ngày phải chuyển nhưng thẩm phán, thư ký Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng lại vô trách nhiệm “quên hồ sơ” vụ chị Tiêu Thị Sự tới 2 lần, tổng cộng tới 1.658 ngày (4 năm 6 tháng 17 ngày). Đã đến lúc không thể không nhìn thẳng vào những yếu kém của cơ quan tố tụng, cả năng lực chuyên môn cũng như đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp. Người bị oan sai, đương sự bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của các cơ quan tố tụng hàng chục năm qua và những người có lương tri đang rất cần các cấp lãnh đạo, cơ quan, cán bộ có thẩm quyền nhìn thẳng vào sự thật và xử lý nghiêm “công bộc” gây ra sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu