Thứ 6, 26/04/2024 04:33:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 06:01, 29/11/2015 GMT+7

Bao giờ mới hết tự hại mình?

Chủ nhật, 29/11/2015 | 06:01:00 119 lượt xem
BP - Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của nước ta ước đạt khoảng 11,51 tỷ USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2014. Vậy vì sao xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản của nước ta trong năm 2015 đạt thấp?

Và câu hỏi này cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tìm ra lời giải. Nguyên nhân chính là do an toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm.

Tồn dư chất cấm, hóa chất bảo vệ thực vật, chất kháng sinh không giảm. Trong đó, nổi cộm nhất là tình trạng sử dụng sabutamol (chất tạo nạc, có khả năng gây ung thư nếu tồn đọng lâu dài trong cơ thể). Hiện nay, trước sự kiểm tra gắt gao của Bộ NN&PTNT, tình trạng đưa chất cấm vào nông sản không diễn ra công khai như trước, mà có nhiều hành vi lén lút, tinh vi hơn, song vẫn ảnh hưởng lớn đến thị trường trong và ngoài nước.

Thời gian qua, nhiều tờ báo ở trung ương đã đưa ra thắc mắc về sự bất nhất giữa 2 con số về khối lượng chất sabutamol. Cụ thể, trong khi Bộ NN&PTNT thông báo rằng Bộ Y tế đã cho nhập tới 68 tấn sabutamol. Thông tin trên vừa xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng thì ngay lập tức Bộ Y tế có phản hồi và khẳng định chỉ cho nhập 3,5 tấn. Vậy thông tin nào là chính xác hay các nhà báo nghe nhầm rồi viết sai số liệu? Và ngay sau khi Bộ Y tế có phản hồi thì đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định rằng: Bộ Nông nghiệp không tự làm nên số liệu nêu trên, tất cả số này là từ cơ quan chức năng - từ Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (C49). Đây là vấn đề pháp luật, không phải chuyện đùa nên chúng tôi không bao giờ phát ngôn một con số khi không có căn cứ, nhất là vấn đề đó lại liên quan đến vấn đề pháp luật và cơ quan công an....

Và đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi và các loại nông sản đang trở nên nhức nhối. Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phát động đợt cao điểm an toàn thực phẩm từ nay đến tết Nguyên đán 2016 với nhiều đợt thanh - kiểm tra, xử phạt, đóng cửa các cơ sở vi phạm. Đồng thời, ngành cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện những giải pháp trọng tâm. Trong đó, tăng cường truyền thông giúp người dân hiểu được tác hại của việc sử dụng sản phẩm có chất cấm, giới thiệu các địa chỉ bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng được biết. Bên cạnh đó, thanh tra Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng các lực lượng chức năng tăng cường triệt phá đường dây cung ứng, buôn bán chất cấm, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm.

Mỗi năm, nước ta có khoảng 110 ngàn trường hợp mắc ung thư mới và hơn 73% trong số này tử vong. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất trên thế giới. Không những thế, số lượng bệnh nhân ung thư ở Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng và số người chết hằng năm do ung thư lên tới 82 ngàn, chiếm 73,5% tổng số người bệnh. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong trung bình do ung thư trên thế giới là 59,7%. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ tử vong trung bình 67,8% và ở các nước phát triển, tỷ lệ này thấp hơn nhiều, chỉ có 49,4%. Trên đây là số liệu báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) năm 2014.

Như vậy, không cần phải nói thêm thì bạn đọc cũng đã biết, vệ sinh an toàn thực phẩm đặc biệt là việc kiên quyết ngăn chặn hành vi đưa chất tạo nạc vào thức ăn chăn nuôi ở nước ta đã đến lúc báo động. Và nếu tình trạng nêu trên không sớm được loại trừ thì các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ thua ngay trên chính sân nhà và kéo theo những hệ lụy về sức khỏe của cộng đồng.       

Thanh Hải

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu