Thứ 7, 20/04/2024 23:31:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:09, 09/11/2018 GMT+7

Bao giờ nhân sự giáo dục hết luẩn quẩn?

Thứ 6, 09/11/2018 | 08:09:00 183 lượt xem
BP - Mới đây, Bộ GD-ĐT đề xuất không tuyển mới giáo viên (GV) dạy tiểu học có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng sư phạm. Lý do là cả nước còn gần 160.000 GV tiểu học cần được bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn. Cùng với đó, thông tin tổng số giảng viên (ở các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước) có 76.285, trong đó trình độ đại học còn chiếm 18,6% khiến nhiều người đặt câu hỏi: Đâu là vấn đề cần ưu tiên quan tâm trước?

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nêu rõ: “Giảng viên cao đẳng, đại học phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”. Vậy, 18,6% đang giảng dạy sinh viên có xứng tầm nhiệm vụ? Chính Bộ GD-ĐT cũng đã nhận định, hiện chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được đánh giá ở mức thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Vậy với đội ngũ giảng viên, nhân tố quyết định thành công trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, có trình độ đại học tham gia giảng dạy đại học thì kết quả sẽ ra sao? Đây là điều đáng suy nghĩ so với đề xuất không tuyển GV trung cấp, cao đẳng dạy mầm non, tiểu học.

Đó là chưa kể, 5 năm tới, giáo dục bậc tiểu học không tuyển GV tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng thì tương lai của sinh viên đang học các trường đào tạo sư phạm sẽ ra sao? Trong khi hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều có trường cao đẳng sư phạm hoặc đào tạo ngành cao đẳng sư phạm đáp ứng nguồn nhân lực tại chỗ. Vẫn biết cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ là yêu cầu cần thiết với mỗi GV trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Nhưng việc chuẩn hóa đội ngũ GV cần có lộ trình thay đổi, không thể làm theo cảm tính, thích thì cho là “việc cần làm ngay”. Nâng chuẩn là tốt nhưng thực tế cho thấy, trình độ đại học không phải là cách để giải quyết nâng cao chất lượng giáo dục bậc tiểu học. Nó đòi hỏi tâm lý sư phạm, tâm huyết GV và cả những đãi ngộ xứng đáng để GV yên tâm gắn bó với nghề.

Ở Bình Phước đã có một giai đoạn ồ ạt “chuẩn” bằng đại học cho GV hệ 12+2, 9+3 bằng việc học từ xa. Chính vì thế, hiện số GV chuẩn bằng từ xa ở tất cả các trường đều có và không hề ít. Nhưng ai dám chắc việc chuẩn này đạt chất lượng cao, hơn hẳn những GV trình độ trung cấp, cao đẳng hệ chính quy khi chất lượng đào tạo hệ từ xa mang đúng nghĩa hợp thức hóa bằng cấp? TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho rằng, đã đến lúc tất cả GV phải luôn đổi mới, kể cả tốt nghiệp đại học sư phạm cũng phải bớt dạy hàn lâm, mà tăng cường tính chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn nghề nghiệp. Có như thế thì giáo dục Việt Nam mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn về trình độ chuẩn và chưa chuẩn.

An Nhiên

  • Từ khóa
108989

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu