Thứ 4, 24/04/2024 03:04:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:27, 15/03/2016 GMT+7

Bao giờ thức tỉnh!?

Thứ 3, 15/03/2016 | 13:27:00 133 lượt xem
BP - Chúng ta đang trải qua những ngày đỉnh điểm của hiện tượng El nino mạnh nhất trong lịch sử 60 năm qua. Mở tivi và giở báo đều thấy tràn ngập thông tin về tình trạng hạn hán trầm trọng ở rất nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Riêng khu vực Tây Nam bộ, ngoài tình trạng hạn hán nghiêm trọng còn diễn ra tình trạng xâm nhập mặn nặng nề khiến người nông dân đã cầm chắc một vụ mùa thất bát.

Do hạn hán nghiêm trọng và kéo dài, tại các tỉnh Nam Trung bộ, đặc biệt là “chảo lửa” Ninh Thuận - địa phương rất phát triển nghề chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu, nước và cỏ trở nên quý hơn vàng. Nông dân phải tranh nhau mua rơm rạ với giá cao gấp 3-4 lần so với trước đây để cứu đói đàn gia súc. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo này, cỏ tươi nghiễm nhiên trở thành “đặc sản cao cấp” của bầy gia súc hiện nay. Còn tại đồng bằng sông Cửu Long, do nhiều diện tích bị xâm nhập mặn, lúa chết hoặc không phát triển cũng trở thành nguồn thức ăn chính cho trâu, bò. Và do hiệu ứng của đợt hạn hán nghiêm trọng, nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang phải bán trâu, bò với giá rẻ như bèo.

Thời điểm này, cả nước đã có 10 tỉnh, thành công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp. Tại Bình Phước, Tỉnh ủy đã có Công văn số 180-CV/TU, ngày 26-2-2016 chỉ đạo công tác chống hạn mùa khô 2016. Lập tức, ngay trong những ngày đầu tháng 3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập các đoàn công tác kiểm tra tình trạng hạn hán tại Lộc Ninh và Bù Đốp - hai huyện bị hạn hán nặng nhất. Với phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt, tại các “điểm nóng” Lộc Khánh, Lộc Hưng (Lộc Ninh), đoàn công tác của Tỉnh ủy và lãnh đạo huyện đã ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt cho các khu định canh định cư của đồng bào dân tộc thiểu số với các phương án cụ thể nhất, được các cơ quan tham mưu hiến kế ngay tại chỗ. Theo đó, việc ghi vốn để hạ thế điện bơm nước và đầu tư bồn chứa nước, cải tạo các giếng cũ, khoan giếng mới; thậm chí chở nước từ nơi khác đến để cấp cho đồng bào... đều được thống nhất phương án và tiến hành ngay. Tại hai xã Hưng Phước và Phước Thiện (Bù Đốp), sau khi kiểm tra thực tế, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo sửa chữa hệ thống các trạm bơm, giếng khoan trên địa bàn để cung cấp nước cứu hạn. Tháng 3, huyện Bù Đốp sẽ khơi thông dòng nước kênh thủy lợi khu vực thị trấn Thanh Bình, xã Thanh Hòa và đến tháng 4 tiếp tục đấu nối các điểm còn lại để đưa nước phục vụ khu vực Tân Tiến, Tân Thành...

Từ tình trạng hạn hán nghiêm trọng, trên diện rộng và kéo dài hiện nay, nhớ lại nhiều năm trước, người dân Tây Nguyên ồ ạt phá rừng, khoan giếng trồng cà phê bởi nguồn lợi lớn do loại cây này mang lại. Những cánh rừng bạt ngàn đã bị hủy hoại để nhường chỗ cho cây cà phê. Còn ở miền Đông Nam bộ, trong đó có Bình Phước, tình trạng phá rừng lấy gỗ, lấy đất trồng tiêu, điều, cao su, cà phê cũng sôi động không kém. Những mảng xanh bất tận bị chặt phá. Những đồi núi trơ trọi, xám ngắt như mũi dao chọc thẳng vào con mắt. Mất rừng thì không có nước, là sự sống khó khăn, lay lắt. Nhiều người biết thế nhưng lợi ích trước mắt đã khiến họ không thể nhìn xa hơn. Trong niềm hoan hỉ của sự tăng trưởng, người ta chỉ nhìn thấy nguồn lợi do xuất khẩu cà phê, xuất khẩu hồ tiêu, cao su, điều mang lại. Thực tế thì những trang trại cây công nghiệp, cây ăn trái không chỉ mang lại sự ấm no, giàu có cho người dân mà còn là hình ảnh đặc thù, đại diện của Tây Nguyên, của miền Đông và Bình Phước. Không ai nghĩ sẽ có lúc những đồng tiền do hồ tiêu, cà phê, điều, cao su mang lại không thể mua nổi nguồn nước, mua nổi môi trường sống. Và khi nguồn nước, môi trường sống bị phá vỡ, đến con người còn không sống nổi, huống gì cây cỏ! Thế nhưng rừng vẫn “chảy máu”. Và bây giờ hết gỗ, chẳng còn gì để chặt phá thì con người lại nhòm ngó đến loại tài nguyên khác. Đó là những cuộc hung hăng đào bới trong lòng đất để tìm nguồn nước!

Biết đến khi nào chúng ta mới thức tỉnh trước những cơn giận của thiên nhiên!?

Linh Tâm

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu