Thứ 6, 19/04/2024 21:55:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:45, 19/08/2018 GMT+7

Bảo tàng tỉnh đưa đàn đá vào cuộc sống

Chủ nhật, 19/08/2018 | 07:45:00 208 lượt xem
BP - Theo Quyết định số 2089/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25-12-2017, đàn đá Lộc Hòa được công nhận bảo vật quốc gia. Từ tháng 6-2018 tới nay, sau khi bộ đàn đá phục dựng được mang về từ tỉnh Khánh Hòa, Bảo tàng tỉnh đã mở lớp dạy đàn đá cho nhân viên, mong muốn giới thiệu, đưa đàn đá vào thực tiễn đời sống người dân. Từ đó góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của địa phương và dân tộc.

Nhân viên Bảo tàng tỉnh và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lộc Ninh học đánh đàn đá

Sau hơn 20 năm tìm lại giá trị đích thực cho một trong 2 bộ thạch cầm cổ tìm thấy tại xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (phát hiện tháng 10-1996), đầu năm 2018, Bảo tàng tỉnh phục chế 1 bộ đàn đá có âm vực tương đồng thạch cầm cổ tuổi đời khoảng 3.000 năm tại Khánh Hòa. Đến ngày 12-6-2018, bộ đàn đá phục dựng này có mặt tại Bình Phước. Để thức tỉnh “thanh âm núi ngàn” trong lòng mỗi người dân Bình Phước, Bảo tàng tỉnh mở lớp dạy đánh đàn đá cho một số cán bộ ngành văn hóa ở các huyện, thị, cùng nhân viên bảo tàng do nghệ nhân đàn đá Phan Văn Tấn đến từ tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn. Việc học gặp không ít khó khăn, do thời gian học ngắn (2 ngày) và hơn một nửa lớp không nắm rõ nhạc lý. “Sau khi được thầy giảng dạy cách làm quen với đàn đá, chúng tôi vừa học cách đánh đàn, cảm nhận và ghi nhớ thanh âm của 14 thanh; bên cạnh tìm hiểu thêm trên mạng. Bên cạnh đó, trong lớp có cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lộc Ninh nên đã chỉ dạy thêm về nhạc lý và cách phối giúp học viên thuần thục, thanh âm đánh ra ngọt và trong hơn” - chị Trần Thị Hà, nhân viên Bảo tàng tỉnh chia sẻ.

Anh Nguyễn Duy Thảo, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lộc Ninh, khẳng định: “Mình là người chơi nhạc nên rất háo hức với đàn đá. Thời gian mới tập đôi tay mỏi nhừ, hai bả vai nhức, rệu xuống. Thế nhưng cứ đứng bên bộ đàn đá, đánh lên từng thanh âm, tôi lại thấy khỏe khoắn, tinh thần thư thái. Tôi có thể đứng đàn liên tục 2 tiếng đồng hồ, từ bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” sang “Đất nước trọn niềm vui”...”.

Từ việc được học và tự chỉ dạy cho nhau, 6 học viên đến nay đã đánh được đàn đá. Tuy người chơi tốt, người còn chút bỡ ngỡ nhưng ai cũng mê và gắn bó. Chị Chu Thị Thủy, nhân viên Bảo tàng tỉnh nói: “Khi đánh đàn, tôi có cảm giác thật bình yên. Một người hoàn toàn không biết gì về nhạc, chỉ đam mê nhạc như tôi lại có thể đánh được đàn đá thì việc nhân rộng chơi đàn đá trong nhân dân sẽ không khó”.

Trung Nhân

  • Từ khóa
93696

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu