Thứ 6, 29/03/2024 19:48:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:34, 22/10/2016 GMT+7

Bảo tồn và phát huy văn hóa Khơme ở Lộc Ninh

Cẩm Thơ
Thứ 7, 22/10/2016 | 15:34:00 307 lượt xem
BP - Với người dân Lộc Ninh, mảnh đất anh hùng đã truyền cảm hứng để tình yêu văn hóa, văn nghệ thêm sâu sắc, gắn bó. Xuất phát từ tình yêu này đã hình thành nên những “nghệ sĩ nhân dân”, “đội văn nghệ nhân dân” ở các xã Lộc Hưng, Lộc Khánh, nhóm nhạc ngũ âm Trường phổ thông Dân tộc nội trú - trung học cơ sở (DTNT-THCS) huyện Lộc Ninh, hoạt động khá nổi bật.

YÊU ĐỜN, HÁT ĐẾN VỚI VĂN HÓA - VĂN NGHỆ

“Ngày mới đến chúng tôi thấy Lộc Ninh rừng núi điệp trùng, đường xa vắng, ai cũng muốn lấy cây đờn, tiếng hát làm vui” - ông Lâm Hớ, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Lộc Hưng, nói về ngày đầu thành lập nhóm văn nghệ ấp 4. Ngoài yêu văn nghệ, mỗi thành viên (quê miền Tây) trong nhóm biết đờn, hát từ khi mới lên 8, lên 10 tuổi đã tạo điều kiện để mọi người xích lại gần nhau trên quê hương mới. Cũng vì gắn bó với văn nghệ từ nhỏ nên cụ Hớ, cụ Chét... biết làm trống, đàn cò và sáng tác bài hát Khơme. Nhạc cụ nhóm đang sử dụng không phải về tận Trà Vinh mua mà được làm nên từ sợi mây, lõi mít mọc ở vùng biên Lộc Ninh. Đến nay, chiếc trống cụ Hớ làm không rõ bao nhiêu năm mà lõi vẫn sáng, da vẫn láng, dây mây buộc ngoài vẫn chắc. Mỗi lúc cụ đưa tay vỗ vỗ, âm thanh nghe rộn lòng người.

Dàn nhạc ngũ âm của Trường phổ thông DTNT-THCS huyện Lộc Ninh biểu diễn tại liên hoan tìm kiếm tài năng trẻ huyện Lộc Ninh lần 1/2016Dàn nhạc ngũ âm của Trường phổ thông DTNT-THCS huyện Lộc Ninh biểu diễn tại liên hoan tìm kiếm tài năng trẻ huyện Lộc Ninh lần 1/2016

Nay nhóm văn nghệ ấp 4 sang tuổi 23. Bên cạnh những cây đờn gạo cội, được mọi người yêu mến gọi “nghệ sĩ nhân dân” như nữ hoàng thổi khèn lá Thị Thê, cụ Lâm Chét kéo đàn cò hay số một... có những gương mặt đoàn viên như Lâm Nhanh, cây đơn ca song ngữ Khơme - Việt không thể thiếu trong các kỳ liên hoan, hội thi. Điều đáng nói, tình yêu văn nghệ còn lan tới những người không biết hát, đờn như bà Thị Py. Bà Py nói: “Vào nhóm tôi giúp mọi người bảo vệ nhạc cụ, trang phục... Khi mọi người lên sân khấu, tôi đứng sau cánh gà để nói với các thành viên rằng tóc tết chắc, váy áo đẹp nên thỏa sức diễn”. Nhờ bàn tay khéo may vá, tỉ mẩn, tâm lý mà trong nhà bà Py hiện có nhiều túi lớn, nhỏ chứa đủ màu sắc váy áo biểu diễn truyền thống của người Khơme.

GIỮ GÌN VĂN HÓA DÂN TỘC KHƠME

Từ hoạt động văn nghệ của ấp, xã đã nung nấu trong lứa trẻ Lộc Ninh tình yêu nhạc cụ dân tộc. Các em háo hức cùng cha mẹ, anh chị em, bạn bè tập hát, múa và chơi nhạc ngũ âm. Việc chùa Sóc Lớn dạy học nhạc ngũ âm miễn phí đã nhân lên tình yêu này và nhất là khi Ban giám hiệu Trường phổ thông DTNT-THCS huyện đưa dàn nhạc ngũ âm vào trường học. Em Trương Văn An, học sinh lớp 9A2, hồ hởi cho biết: “Ngũ âm là loại nhạc cụ của dân tộc mình, em rất thích. Em học 10 ngày thì đánh được. Sau này khi lớn lên em sẽ dạy các em nhỏ chơi nhạc ngũ âm”.

Cô Phạm Ngọc Trâm, Hiệu trưởng Trường phổ thông DTNT-THCS huyện nói: Việc đem nhạc ngũ âm vào trường học có nhiều thuận lợi bởi được sự ủng hộ của chính quyền, lãnh đạo ngành giáo dục và học sinh rất yêu thích. Hôm chuyển dàn ngũ âm từ Trà Vinh về trường đã biểu diễn cho giáo viên, học sinh toàn trường xem. Các em ngồi xem say sưa cho thấy tình yêu của học trò dành cho nhạc cụ này. Ngoài ra, lý do chọn nhạc ngũ âm xuất phát từ lần đi thực tế tại các trường dân tộc ở Sóc Trăng. Tại đây, học sinh học chơi nhạc ngũ âm như học văn hóa. Thấy học sinh, giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức trong huyện học tiếng Khơme, địa bàn giáp ranh nước bạn Campuchia và trên 40% học sinh trong trường là con em đồng bào Khơme nên trường chọn dàn nhạc ngũ âm vào trường học.

Sau 1 năm học, chỉ 3 đợt thầy về dạy với 30 ngày nhưng trong trường đã hình thành 2 đội nhạc (lớp 9 và lớp 7). Những “nghệ sĩ” có bề ngoài nhỏ nhắn nhưng biểu diễn trên sân khấu rất chững chạc, ham mê. Cô Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng phụ trách đội, tự hào: “Từ tình yêu nhạc cụ dân tộc, các em đã giành nhiều giải thưởng trong và ngoài tỉnh như giải nhất hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước, huyện Lộc Ninh năm 2015; nhì Liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số tại huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) gặp các đội Trà Vinh, Sóc Trăng (cái nôi của nhạc ngũ âm); giải khuyến khích tìm kiếm tài năng trẻ huyện Lộc Ninh lần thứ 1/2016. Ngoài ra, các em còn tham gia biểu diễn phục vụ một số chương trình của huyện, tỉnh”.

  Cô Trâm cho biết: “Trường tổ chức dạy các em chơi nhạc ngũ âm từ lớp 6. Nhưng loáng chốc các em đã chuẩn bị tốt nghiệp lên THPT, lúc này phải có đội nhạc kế cận. Vì vậy, việc dạy và học đánh nhạc ngũ âm chưa lúc nào ngưng. Chúng tôi rất vui vì từ tình yêu dành cho nhạc cụ dân tộc trong các em sẽ hình thành nên nhiều “nghệ sĩ nhân dân” như Lâm Trường, học sinh lớp 9A2, chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc (trống, đàn đá, vòng coòng); Bu Rít, học sinh lớp 7 là người chơi trống cừ khôi... Từ dạy học của trường và tình yêu văn hóa - văn nghệ trong các em, hy vọng tương lai không xa sẽ có nhiều thanh niên Lộc Ninh biết chơi nhạc ngũ âm, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc Khơme”.

  • Từ khóa
92370

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu