Thứ 6, 26/04/2024 02:35:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 13:17, 22/05/2019 GMT+7

Bảo vệ biển trước mối nguy rác thải nhựa

Thứ 4, 22/05/2019 | 13:17:00 1,493 lượt xem

BP - Từ ngày 13 đến 15-5-2019, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, bộ ngoại giao các nước Việt Nam, Hoa Kỳ và Thái Lan đồng chủ trì hội thảo diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về quản lý rác thải nhựa ở đại dương nhằm đảm bảo đánh bắt cá bền vững và an ninh lương thực ở khu vực Đông Nam Á. Hội thảo đã nêu bật tác hại to lớn của ô nhiễm rác thải nhựa dưới đại dương đối với nghề đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản ở các vùng biển nước ta cũng như trong khu vực và trên thế giới.

BÁO ĐỘNG RÁC THẢI NHỰA

Theo kết quả nghiên cứu được trình bày tại hội thảo, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa thải ra đại dương trên toàn cầu. Trong đó, 80% rác thải nhựa trên biển là các hoạt động ở đất liền theo các dòng sông và đường thoát tuồn ra biển. Còn lại 20% rác thải nhựa có từ hoạt động đánh bắt, nuôi trồng hải sản như ngư cụ bỏ đi, vật phẩm thải ra biển bừa bãi từ hoạt động du lịch không kiểm soát... Điều hết sức đáng sợ là khi đã lọt ra biển thì rác thải nhựa phải cần tới hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Khi ở trong đại dương, nhựa bị phân hủy rất chậm và trở thành những mảnh nhỏ được gọi là nhựa siêu nhỏ, gây tác hại rất lớn cho đời sống sinh vật biển. Các chuyên gia cảnh báo tầng đáy đại dương đang trở thành một trong những “vựa” rác thải nhựa lớn nhất trái đất, có nguy cơ gây ra những tác động hủy hoại đối với hệ sinh thái. Nhiều nghiên cứu y khoa đã cho thấy, một khi các loài cá ăn phải hạt nhựa trôi nổi trên biển, chúng sẽ mắc bệnh gan và chết nhanh hơn bình thường. Khi con người ăn phải các loại cá này sẽ phát sinh bệnh tật và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Rác thải nhựa tràn ngập bờ biển nước ta - Ảnh tư liệuRác thải nhựa tràn ngập bờ biển nước ta - Ảnh tư liệu

Theo thống kê của ngành chức năng, mức tiêu thụ nhựa trung bình của người dân nước ta hiện đã đạt bình quân 41kg/người/năm. Dự tính, đến năm 2020, mức tiêu thụ này sẽ tăng lên 45kg/người/năm. Việt Nam hiện trong top 5 thế giới về số lượng rác thải nhựa ra đại dương, với số lượng mỗi năm khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa. Trong khi đó khả năng tái chế nhựa thải chỉ đạt mức chưa tới 10%. Điều này cho thấy, số lượng lớn chất thải nhựa đang bị vứt bỏ vào môi trường sẽ gây ra các hậu quả khó lường. Tại nhiều khu vực biển, bờ biển nước ta tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang diễn ra nghiêm trọng. Một số nơi đã xảy ra tình trạng rùa biển, cá biển bị chết do mắc vào lưới đánh cá hoặc ăn phải rác thải nhựa trên biển.

CHUNG TAY BẢO VỆ BIỂN

Để đối phó với vấn đề rác thải, nhất là tình trạng rác thải nhựa trên biển, nhiều quốc gia đã và đang vào cuộc một cách quyết liệt. Đối với Việt Nam, chúng ta cam kết tham gia cùng cộng đồng quốc tế xây dựng mối quan hệ đối tác vì một đại dương không rác thải nhựa. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu và tiến tới hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rác thải ra môi trường nói chung và rác thải nhựa trên các vùng biển nói riêng. Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường vùng biển nói riêng. Đáng chú ý là Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015. Đây là đạo luật quy định về việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển, từ đất liền và xuyên biên giới. Hiện nay, việc quản lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa) được quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015-TT/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại... Để tăng cường công tác quản lý rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã  giao Tổng cục Biển và Hải đảo làm đầu mối thống nhất quản lý về vấn đề rác thải nhựa đại dương. Viện Nghiên cứu biển và hải đảo thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng rác thải nhựa ở Việt Nam và các giải pháp kiểm soát, quản lý”. Cùng với đó, các hoạt động làm sạch biển hằng năm thường xuyên được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của nhân dân trong việc thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường biển, cũng như thúc đẩy sự phối hợp của các cấp chính quyền hoàn thiện thể chế chính sách, huy động nguồn lực cho công tác kiểm soát chất thải nhựa ra biển.

Việt Nam coi phát triển mạnh mẽ kinh tế biển đi đôi bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển là định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, Nhà nước ta khuyến khích phát triển năng lượng sạch, các dự án tăng trưởng xanh và bền vững, kiên quyết chống xả thải gây ô nhiễm để có các vùng biển xanh, khỏe mạnh. Chúng ta đang thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa, hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111400

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu