Thứ 5, 18/04/2024 13:35:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:18, 19/12/2017 GMT+7

Bất cập trong chính sách dạy nghề cho quân nhân xuất ngũ

Thứ 3, 19/12/2017 | 06:18:00 4,236 lượt xem

BP - Theo thống kê của cơ quan quân lực Bộ Quốc phòng, mỗi năm tuyển quân, cả nước có hơn 10% thanh niên nhập ngũ trình độ từ trung học chuyên nghiệp (THCN) đến đại học. Điều đó có nghĩa là còn gần 90% thanh niên nhập ngũ chưa được đào tạo chính quy từ bậc THCN trở lên. Cũng theo thống kê của Bộ Quốc phòng, hằng năm cả nước có hàng trăm ngàn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Với hiện trạng gần 90% chưa qua đào tạo sẽ là khó khăn không nhỏ trên con đường tìm kiếm việc làm để có thu nhập ổn định đối với quân nhân sau khi xuất ngũ.

Vì lẽ đó, từ năm 2009, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ. Theo đó, bộ đội sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ được cấp “thẻ học nghề” trị giá tương đương 12 tháng tiền lương cơ sở ở thời điểm đào tạo nghề. Với tấm thẻ này, quân nhân xuất ngũ có thể đăng ký học ở tất cả trường nghề trong và ngoài quân đội. Ở cấp tỉnh, các cơ sở dạy nghề cho quân nhân xuất ngũ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ được thanh toán trên cơ sở số thẻ học nghề từ nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ do ngân sách đảm bảo thông qua bộ CHQS tỉnh. Chính sách nhân văn này đã tạo cơ hội cho nhiều quân nhân hoàn thành nghĩa vụ có được một nghề cơ bản để mưu sinh.

Hằng năm, Bình Phước có rất nhiều thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương nhưng rất khó kiếm được việc làm để có thu nhập ổn định. Trong ảnh, thanh niên huyện Đồng Phú trong ngày hội tòng quân - Ảnh: B.L

Tuy nhiên ngày 9-7-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó bổ sung đối tượng được hỗ trợ học nghề gồm thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được hỗ trợ đào tạo nghề. Đáng nói là nguồn kinh phí thực hiện chính sách này chỉ được quy định chung chung “theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước” và Nghị định số 61.

Ông Trần Đông Chí, Phó trưởng Phòng Dạy nghề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Mỗi năm, Bình Phước có khoảng 1.000 bộ đội, công an xuất ngũ đăng ký học nghề. Họ không chỉ học tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh mà còn học ngoài tỉnh. Theo thống kê của Bộ CHQS tỉnh, từ ngày 1-1-2015 đến 31-12-2015, số tiền thanh toán cho các cơ sở dạy nghề trong tỉnh là 3,3 tỷ đồng. Ông Trần Đông Chí cho biết thêm, căn cứ vào quy định tại Nghị định số 61, từ ngày 1-9-2015, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh tổ chức tuyển sinh cho bộ đội xuất ngũ theo hình thức thu học phí trực tiếp với mức thu 100% hoặc 50%. Cơ sở đào tạo sẽ giữ thẻ học nghề và quyết định xuất ngũ nếu học viên chưa đóng đủ học phí cho tới khi có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành Trung ương về việc thanh toán kinh phí đào tạo nghề. Từ 1-9-2016 đến nay, tất cả thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự không được thanh toán tiền học nghề theo chính sách của Nghị định số 61. Điều này không chỉ gây khó khăn cho quân nhân xuất ngũ mà còn khó khăn cho các cơ sở dạy nghề.

Tổng số tiền nợ các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh là 2,522 tỷ đồng, trong đó nợ Trung tâm Dạy nghề Phúc Thịnh Khang 1,393 tỷ đồng; nợ Trường cao đẳng Công nghiệp cao su 634,59 triệu đồng; nợ Trường cao đẳng nghề Bình Phước 297,29 triệu đồng...

Trước phản ánh của các sở lao động - thương binh và xã hội, ngày 28-12-2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61. Theo đó, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vẫn được hỗ trợ đào tạo nghề. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề qua thẻ cho thanh niên lại chỉ quy định chung chung là “do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đảm bảo” nên không có cơ sở để thanh toán. Bởi thế, toàn bộ số kinh phí đào tạo nghề cho công an và bộ đội xuất ngũ của các cơ sở dạy nghề trong tỉnh từ tháng 9-2016 đến nay không thanh toán được.

Trước tình trạng các cơ sở dạy nghề “đòi nợ”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh có hướng giải quyết; đồng thời có hướng để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề cho quân nhân xuất ngũ trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã làm việc với sở về nội dung này. Tuy nhiên sắp hết tháng 12 nhưng vẫn chưa có câu trả lời từ Bộ Tài chính để UBND tỉnh có cơ sở giải quyết. Vì thế, khoản nợ các cơ sở dạy nghề vẫn “để đó” và những thanh niên xuất ngũ vẫn phải tự đóng tiền học nghề - cho dù sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an họ vẫn được cấp thẻ học nghề.

Trên cơ sở số thanh niên xuất ngũ hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu dự toán kinh phí dạy nghề cho 1.000 thanh niên xuất ngũ năm 2018 là 12,9 tỷ đồng. “Tham mưu xây dựng kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ được phân công, chứ hiện vẫn chưa có nguồn chi trả vì vẫn phải chờ hướng dẫn thực hiện chính sách” - ông Trần Đông Chí chia sẻ.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
4134

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu