Thứ 5, 28/03/2024 21:02:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 13:45, 25/02/2017 GMT+7

Bất cập trong Luật Giao thông đường bộ

Thứ 7, 25/02/2017 | 13:45:00 515 lượt xem
BP - Luật Giao thông đường bộ đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13-11-2008. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009 và thay thế Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-6-2001. Để những quy định của luật này đi vào cuộc sống, từ đó đến nay, Chính phủ đã nhiều lần ban hành các nghị định hướng dẫn.

Ngày 26-5-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2016 và thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, Nghị định số 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã được đưa vào cuộc sống từ hơn 8 năm nay và Chính phủ cũng đã nhiều lần ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật này, nhưng đến nay có một số quy định giữa hai loại văn bản quy phạm pháp luật này vẫn còn nảy sinh những bất cập. Cụ thể là trong thời gian qua, không chỉ cá nhân tôi mà chắc chắn có nhiều người khi tham gia giao thông đã gặp trường hợp tuy đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang xanh nhưng một số người vẫn mải nói chuyện với người kế bên hoặc ngoái lại nói chuyện với người ngồi phía sau xe. Thậm chí nhiều người điều khiển xe ở phía sau bóp còi nhưng họ vẫn dừng xe không chịu chạy và đôi khi có người còn quay lại nhìn với ánh mắt tức giận.

Và vấn đề đặt ra ở đây là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã có tín hiệu đèn xanh mà vẫn dừng không cho xe chạy, gây cản trở cho người khác, thì sẽ bị xử lý như thế nào? Đem câu hỏi này đến một cán bộ cảnh sát giao thông và tôi được biết, trong trường hợp đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu xanh mà người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chạy sẽ bị phạt do vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Cụ thể, tại điểm a, khoản 5, điều 5 trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Mặc dù nghị định quy định như vậy nhưng tại điểm a, khoản 3, điều 10 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 lại quy định như sau: Tín hiệu đèn giao thông có ba màu, quy định như sau: Tín hiệu xanh là được đi; Tín hiệu đỏ là cấm đi; Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường. Như vậy, trong luật quy định là “được đi” chứ không phải là “phải đi”. Do đó, nếu cảnh sát giao thông xử phạt đối với người có hành vi này là hoàn toàn không hợp lý, không thuyết phục.

Vì vậy, rất mong cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn, giải thích rõ về vấn đề trên, để việc áp dụng luật được thông suốt và người bị phạt cũng “tâm phục khẩu phục”.

N.V

  • Từ khóa
29369

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu