Thứ 6, 26/04/2024 18:14:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:15, 19/11/2014 GMT+7

Bất cập trong Nghị định 60/2014/NĐ-CP

Thứ 4, 19/11/2014 | 10:15:00 302 lượt xem
BP - Từ ngày 1-11-2014, tất cả các cửa hàng kinh doanh dịch vụ photocopy phải đăng ký với UBND cấp huyện, còn những dịch vụ photocopy màu đều phải ngừng hoạt động... Đó là một trong những quy định tại Nghị định số 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động in. Ngay sau khi nghị định này được ban hành, nhiều ý kiến cho rằng, ngành in đang bị quản lý “chặt” tới mức không cần thiết.

Theo quy định tại Nghị định số 60/2014/NĐ-CP, điều kiện của người đứng đầu cơ sở in là phải “có trình độ cao đẳng chuyên ngành in trở lên hoặc được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in”. Quy định này không phù hợp với thực tế và là sự can thiệp sâu của Nhà nước vào quyền tự chủ của doanh nghiệp. Vì bằng cao đẳng chuyên ngành in của người đứng đầu không phải là “sự bảo chứng”. Hơn nữa, hiện cả nước có hai trường đào tạo nghề chuyên ngành in, trong đó có một trường vừa đóng cửa và một trường đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Như vậy, nguy cơ ngành in không có nguồn cung cấp “người đứng đầu cơ sở in” sẽ là sự thật.

Ở quy định việc hợp tác giữa các cơ sở in phải có “hợp đồng theo quy định và ấn định các nội dung hợp đồng”, đồng thời yêu cầu “cơ sở in không hợp tác với cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm do mình nhận hợp tác” và “thực hiện đúng số lượng sản phẩm in ghi trong hợp đồng”. Các quy định này đã can thiệp một cách bất hợp lý vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Vì việc hợp tác với cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm in là hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp. Việc hạn chế hoạt động hợp tác của doanh nghiệp in là sự can thiệp vào quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp mà Luật Doanh nghiệp hiện hành đã ghi nhận và bảo vệ. Còn với quy định liên quan đến “nội dung hợp đồng cần phải có” cũng như yêu cầu “thực hiện đúng số lượng sản phẩm in ghi trong hợp đồng” là không cần thiết. Vì đây là mối quan hệ dân sự, được điều chỉnh trên cơ sở thỏa thuận của các bên và pháp luật dân sự.

Bên cạnh đó, trong nội dung của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP còn một số quy định có tính chất gia tăng thủ tục hành chính như: “Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động cơ sở in”. Như vậy, các doanh nghiệp ngành in bên cạnh thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp còn phải thực hiện thêm thủ tục “đăng ký hoạt động” đối với cơ quan nhà nước quản lý. Một quy định nữa sẽ tạo ra rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp là “cấm chế bản, in, gia công sau in giấy tờ khác có nội dung tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định...”. Với quy định này là hoàn toàn không phù hợp. Vì việc kiểm duyệt nội dung không phải là trách nhiệm của cơ sở in và việc xác định đâu là bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân là rất khó khăn.

Cũng theo nghị định này, các cơ sở hoạt động “máy photocopy màu chỉ được sử dụng phục vụ công việc nội bộ của cơ quan, tổ chức, không được sử dụng để kinh doanh dưới mọi hình thức”. Đây là sự can thiệp bất hợp lý vào thị trường. Nếu quy định như vậy thì hàng vạn cửa hàng photocopy màu sẽ phải đóng cửa và người dân có nhu cầu photocopy màu sẽ... phải ra nước ngoài.   

Hải An

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu