Thứ 4, 24/04/2024 18:54:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:32, 09/10/2013 GMT+7

Bế mạc Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21: Cam kết dài hạn về phát triển bền vững

Thứ 4, 09/10/2013 | 08:32:00 1,380 lượt xem

Trong ngày làm việc thứ hai, 8-10, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 đã tiếp tục hai phiên họp quan trọng với chủ đề “Tầm nhìn APEC về kết nối trong cấu trúc quốc tế và khu vực đang định hình” và “Tăng trưởng bền vững gắn với công bằng - an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng”. Đây cũng chính là những nội dung then chốt của hợp tác APEC trong năm 2013 cũng như trong thời gian tới.

Tại đây, các nhà lãnh đạo đều cho rằng để thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, APEC cần xây dựng một tầm nhìn dài hạn về kết nối. Theo đó, lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo đã thông qua “Khuôn khổ kết nối APEC” về hạ tầng, thể chế và giữa người dân với “Kế hoạch dài hạn về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng”. Đây là những khuôn khổ hợp tác mới, tạo động lực thúc đẩy sự gắn kết và lưu thông giữa các nền kinh tế trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu cải thiện 10% chất lượng chuỗi cung ứng vào năm 2015, Chiến lược cải cách cơ cấu APEC nhằm tăng cường minh bạch hóa và khả nâng cạnh tranh của các nền kinh tế, Sáng kiến tạo thuận lợi cho đi lại trong khu vực và tăng cường hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến và biện pháp mới cũng đã được nhất trí thông qua, nổi bật là thành lập Quỹ APEC thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng, thực hiện mục tiêu trao đổi 1 triệu sinh viên đại học mỗi năm vào năm 2020.

Các nhà lãnh đạo APEC cũng đã có phiên họp quan trọng để trao đổi sâu rộng về hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững gắn với công bằng. Lộ trình hợp tác an ninh lương thực APEC đến năm 2020, Sáng kiến hợp tác các vấn đề liên quan đại dương là những thỏa thuận nổi bật được thông qua tại hội nghị lần này.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị Cấp cao APEC.

Phát biểu tại các phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh kết nối đã trở thành nhu cầu tất yếu của hợp tác APEC trong thế kỷ 21 do xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sáng tạo, công nghệ số và sự mở rộng nhanh chóng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam ủng hộ việc thông qua và sớm triển khai “Khuôn khổ kết nối APEC”, tập trung vào những lĩnh vực thiết thực, nhất là kết nối về đầu tư và tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, tạo thuận lợi đi lại trong lĩnh vực lao động, giáo dục, du lịch, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch nước cũng đề nghị APEC tích cực hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, phối hợp trong triển khai các dự án ASEAN về hạ tầng cơ sở, kết nối chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho thương mại, an ninh lương thực và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các thành viên APEC có thể có những đóng góp ý nghĩa đối với hợp tác tiểu vùng Mekong, đặc biệt trong các chương trình kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Về tăng trưởng bền vững gắn với công bằng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị cần có tư duy phát triển và cách tiếp cận mới về an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, đa ngành, đổi mới và sáng tạo, đồng thời hợp tác trong lĩnh vực này cần trở thành nội hàm ưu tiên của các cơ chế APEC. Là dân tộc mà quá trình hình thành và phát triển luôn gắn liền với văn minh lúa nước, hiện là một trong những quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực chủ yếu trên thế giới, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng, đã và đang tích cực tham gia hợp tác ở mọi cấp độ toàn cầu, liên khu vực và khu vực cũng như song phương. Việt Nam mong muốn và sẽ tiếp tục đóng góp hết sức mình vào các nỗ lực chung của APEC.

Sau hai ngày làm việc khẩn trương và liên tục, chiều qua (8-10), tại Bali, Indonesia, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 đã chính thức bế mạc. Các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua 2 Tuyên bố “Châu Á - Thái Bình Dương tự cường, động lực cho tăng trưởng toàn cầu” và “Tuyên bố của Hội nghị lần thứ 21 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 9 của Tổ chức Thương mại thế giới WTO”, cùng với các văn kiện kèm theo về “Khuôn khổ kết nối APEC” và “Kế hoạch dài hạn về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng”. Tuyên bố của Hội nghị đã nhấn mạnh các thành viên APEC nhất trí ủng hộ Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017. 

Chiều 8-10, ngay sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21, tại Bali đã diễn ra cuộc họp cấp cao các nhà lãnh đạo 12 thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm: Brunei, Canada, Chile, Hoa Kỳ, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Peru, Singapore và Việt Nam. Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ đánh giá của các thành viên cùng quyết tâm thúc đẩy đàm phán. Chủ tịch nước đề nghị cần có cách tiếp cận thực tế, linh hoạt, tính đến sự khác nhau về trình độ phát triển giữa các thành viên, quan tâm thỏa đáng hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực thực thi cam kết nhằm hiện thực hóa những cơ hội và tiềm năng hợp tác mà liên kết này có thể mang lại. Có thể nói, Hiệp định TPP, cùng với các cơ chế liên kết kinh tế quan trọng khác trong khu vực, như ASEAN, ASEAN với các đối tác, Diễn đàn APEC, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… đang tạo ra những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển năng động, duy trì vai trò đầu tầu về tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới của khu vực, tiến tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

 
 

Việt Nam chủ động, tích cực tham gia hợp tác APEC và hội nhập châu Á - Thái Bình Dương

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 tại Bali, Indonesia bế mạc chiều 8-10 và đã ra Tuyên bố chung trong đó khẳng định Việt Nam sẽ là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017. Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có phát biểu với báo chí về sự kiện quan trọng này. Báo SGGP trân trọng giới thiệu toàn văn thông điệp của Chủ tịch nước: 

“Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 vừa diễn ra tại Bali, Indonesia đã quyết định Việt Nam là Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 năm 2017. Đây là lần thứ hai nước ta được bè bạn tín nhiệm dành cho trọng trách đăng cai APEC, thể hiện vị thế không ngừng nâng cao của đất nước trên trường quốc tế. Việc đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC thể hiện quyết tâm của chúng ta trong việc triển khai mạnh mẽ chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đại hội Đảng lần thứ XI, đồng thời cho thấy tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về châu Á - Thái Bình Dương cũng như nguyện vọng đóng góp đầy trách nhiệm của chúng ta đối với các vấn đề chung ở khu vực.

Là đầu tàu tăng trưởng và liên kết của thế giới, châu Á - Thái Bình Dương cũng chính là khu vực hội tụ hầu hết các đối tác chiến lược, các đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. Việc tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm vào Cộng đồng ASEAN, vào Diễn đàn APEC và các khuôn khổ hợp tác khác ở khu vực giúp chúng ta giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và tranh thủ các nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước. Tiến trình hội nhập cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho các địa phương, cho cộng đồng doanh nghiệp và cho nhân dân ta.

Với tư cách chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, chúng ta có được cơ hội quý báu để giới thiệu với cộng đồng quốc tế về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, có nhiều tiềm năng phát triển. Đây cũng là dịp vun đắp hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân ta với bè bạn quốc tế, là dịp để các đối tác, các doanh nghiệp, các tổ chức khu vực và quốc tế... hiểu rõ thêm về truyền thống lịch sử hào hùng, nền văn hóa đậm đà bản sắc, cũng như nhiều đặc sản của các vùng miền đất nước Việt Nam ta. Chia sẻ với bè bạn quốc tế về tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về châu Á - Thái Bình Dương, đất nước ta, nhân dân ta sẽ vững bước đi lên trên con đường hội nhập toàn diện với tinh thần tự tin và sáng tạo”.

(Theo SGGP)

  • Từ khóa
9006

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu