Thứ 7, 27/04/2024 01:51:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:48, 10/10/2017 GMT+7

Bên Tây người ta...

Thứ 3, 10/10/2017 | 09:48:00 2,735 lượt xem

BP - Ông hàng xóm ở cùng khu phố với tôi vừa đi Tây về. Ông được con gái lấy chồng ở Mỹ mời sang chơi 1 tháng. Trước khi ông đi, khu phố đã được một phen ồn ĩ. Nhiều người ghen tị bảo ông được hưởng phước của con. Có người giàu nứt đố mà chưa một lần bước chân ra khỏi biên giới Việt Nam, kể cả quốc gia láng giềng gần nhất là Campuchia. Còn ông, một phát bay sang tận Mỹ, ăn chơi cả tháng trời. Và khi ông trở về thì khu phố còn ồn ào hơn. Gặp ông mọi người đều hỏi chuyện, có người rảnh việc đến tận nhà ông để nghe chuyện bên Mỹ.

Điều đáng nói là từ ngày đi Mỹ về, giọng điệu ông thay đổi hẳn. Trước đây, ông vốn là người chất phác, thật thà, chẳng bao giờ suy bì với ai. Vậy mà bây giờ, hễ cất lời lên là ca ngợi “ở bển văn minh, lịch sự chứ không như ở mình”, rằng “bển Tây người ta” thế này, thế khác. Ông so sánh “bên Tây” với “bên mình” rồi rút ra kết luận: Cái gì của mình cũng dở, không biết bao giờ mới bằng một phần “ở bển”. Lúc đầu tôi cũng chỉ nghĩ ông bị ngợp trước sự khác lạ về điều kiện sống ở một đất nước vẫn được xem là văn minh nhất trong những nước văn minh của thế giới nên không tiếc lời khen. Thế nhưng nghe mãi sinh bực. Có chút gì đó như là sự tự ái cứ len lỏi rồi lớn dần lên trong tôi. Cho đến một ngày, không chịu được những “lời có cánh” của ông nữa, tôi đã ngồi tranh luận với ông về những “giá trị Mỹ” mà ông hết lời ca tụng.

Tôi hỏi ông hàng xóm rằng, có đất nước nào mà trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hơn 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, rồi chiến tranh chống xâm lược từ phương Bắc, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và mới được dỡ bỏ cấm vận hơn 20 năm mà đạt những thành tựu như nước mình không? Có đất nước nào Chính phủ bàn việc cấm xe máy vào nội đô, cấm người bán hàng rong ở các đô thị lớn mà phải nâng lên đặt xuống rất nhiều lần bởi lo cho các bác xe ôm sẽ không có việc làm, người lao động nghèo mất đi “cần câu cơm”? Có đất nước nào mà từ Quốc hội đến Nhà nước, Chính phủ hằng năm đều dành rất nhiều thời gian, nguồn lực để lo cho an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho người nghèo!?

Nghỉ một lúc lấy hơi, tôi nói tiếp: Ông đừng đọc những bài viết xằng bậy trên mạng xã hội mà hãy nhìn xung quanh xem khu phố Phú Thịnh ở phường Tân Phú, nơi gia đình ông sinh sống, rồi vùng quê Hà Tĩnh của ông bây giờ nó khác 10 năm trước đến thế nào rồi? Có phải bây giờ tất cả đã là đường bê tông, đường nhựa từ đầu làng đến cuối phố thay cho đường đất đỏ gồ ghề; nhà hai, ba tầng thay cho nhà tranh mái lá; đời sống của gia đình ông cũng như cộng đồng xung quanh đã được cải thiện rất nhiều. Ngày mới tách thị xã Đồng Xoài, gia đình ông còn thuộc diện hộ nghèo vì đông con mà không có đất sản xuất. Còn bây giờ nhà cao cửa rộng, phố sá sầm uất nên cái cửa hàng tạp hóa nho nhỏ của gia đình ông cũng cho thu nhập ổn định. Đành rằng con gái gửi tiền về cho ông xây nhà, nhưng nếu không có chính sách hỗ trợ người nghèo, liệu con ông có được học hết phổ thông để rồi đi du học ở nước ngoài và ở luôn bên đó không? Một tháng trời ở cái “thiên đường” mà nhiều người vẫn mơ ước kia, ông có đến khu ổ chuột của Mỹ và xem 10 năm trước so với bây giờ nó có khác nhau không?

Đằng sau những con số GDP khổng lồ hay sự giàu có của nước Mỹ mà người ta vẫn luôn tôn sùng là số người vô gia cư trong các khu ổ chuột tại đất nước này đang ngày càng đông lên và phải sống chật vật từng ngày, ông có biết không? Chưa hết, có cái đất nước nào mà sinh mạng dễ dàng bị người khác tước bỏ vô cớ như ở nước Mỹ không? Bằng chứng là vụ xả súng ở Las Vegas làm 59 người chết và hàng trăm người bị thương xảy ra vào ngày 1-10 vừa qua.

Thấy ông im lặng và tỏ ra lúng túng, tôi dồn tiếp: Ông cứ nhìn ra các nước xung quanh mà xem, hở ra là đánh bom liều chết, là khủng bố bằng xe tải lao vào giữa đám đông, là nổ súng giết người hàng loạt. Vậy mà ở nước mình, cựu Tổng thống Mỹ ngồi ăn bún chả trong một quán ăn bình dân giữa thủ đô Hà Nội. Ông có nhớ hơn 40 năm trước, Việt Nam và Mỹ là kẻ thù ở hai chiến tuyến. Nhưng rồi chúng ta đã mở rộng vòng tay để những vết thương lòng, vết thương chiến tranh khép miệng, để hôm nay kẻ thù trở thành đối tác chiến lược? Có được kết quả đó là bởi chúng ta đã phải kiên nhẫn, khéo léo “khâu vá từng đường kim mũi chỉ ngoại giao” suốt hơn 20 năm qua. Đất nước ta đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng đạt được vị thế quan trọng trên trường quốc tế chứ không “kém văn minh, lịch sự” như ông nói đâu. Có chăng là do những kẻ quên mất mình sinh ra, lớn lên ở đâu rồi bị các thế lực thù địch, phản động mua chuộc, rồi tuyên truyền xuyên tạc tình hình đất nước. Thêm vào đó là những người thiếu thông tin, thiếu khả năng phản biện nên dễ bị lung lạc bởi những luận điệu xuyên tạc mà thôi.

Thấy đã nhiều lời mà ông hàng xóm không phản bác lại điều gì nên tôi không nói nữa. Ông ngượng ngùng bảo, đúng là chú nêu những chuyện như thế thì anh mới ngộ ra. Thực sự là dạo này anh hay đọc thông tin trên mạng, rồi so sánh một cách thiển cận và bình phẩm theo chứ anh không biết phân tích phải trái như chú. Thôi rút kinh nghiệm, từ nay anh sẽ không tuyên truyền không công cho những kẻ đang cố tình phá hoại đất nước nữa. Tôi nhìn vào mắt ông và biết rằng ông đang nói thật. Những người chất phác, thật thà như ông thường rất dễ tin người, dễ bị lung lạc. Không ngờ tôi nói trong tâm trạng bức xúc và thiếu kỹ năng như thế mà ông lại cảm nhận được những điều tôi muốn nói. Cũng may là ông chưa bị kẻ xấu lợi dụng sự nhận thức lệch lạc rồi làm những việc phương hại đến đất nước. Chợt thấy buồn cho những người còn trẻ, có học thức mà lại hùa theo những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch rồi bị chúng “dắt mũi” lúc nào không hay.

Thảo Linh

  • Từ khóa
2683

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu