Thứ 6, 19/04/2024 09:18:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:48, 01/11/2018 GMT+7

Bệnh khảm lá mì - phòng là chính

Thứ 5, 01/11/2018 | 14:48:00 151 lượt xem

BP - Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa tổ chức diễn đàn “Giải pháp phòng chống bệnh khảm lá trên cây mì”. Trước đó, với những diễn biến phức tạp của bệnh khảm lá trên cây mì, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 5957/CT-BNN-BVTV ngày 6-8-2018 đề nghị UBND các tỉnh, thành nơi có bệnh khảm lá mì thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá mì ở các cấp; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan nghiêm túc áp dụng biện pháp phòng chống bệnh khảm lá mì... Từ đó cho thấy không thể chủ quan trước diễn biến của bệnh khảm lá mì và cần sớm có biện pháp ngăn chặn không để bùng phát thành dịch gây ra nhiều hậu quả cho người dân.

Bệnh khảm lá mì được phát hiện gây hại vào tháng 5-2017 ở xã Tân Hà, huyện Tân Châu (Tây Ninh), sau đó lan nhanh sang các vùng khác. Đến cuối năm 2017, bệnh khảm lá mì đã gây thiệt hại khoảng 10.000 ha trong khu vực. Đến thời điểm này, bệnh khảm lá mì đã lan rộng khắp 12 tỉnh, thành ở Nam bộ và Tây Nguyên, trong đó có Bình Phước, gây hại trên 40.000 ha trồng mì của toàn vùng. Nhiều diện tích bị nhiễm bệnh lên tới 90% khiến cây mì mất năng suất.

Là tỉnh trong khu vực có diễn biến phức tạp của bệnh khảm lá mì, thời gian qua, Bình Phước đã tăng cường thông tin, tuyên truyền giúp người dân nắm tình hình. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản yêu cầu các huyện, thị trong tỉnh tăng cường phòng, chống bệnh; hướng dẫn nông dân khẩn trương khoanh vùng, phun thuốc và tiêu hủy nguồn bệnh để hạn chế sự lây lan. Ngành nông nghiệp tỉnh còn yêu cầu các huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các trường hợp đưa hom giống từ vùng đang có bệnh về bán cho người dân trong tỉnh. Theo thống kê, Bình Phước hiện có khoảng 10.000 ha mì. Từ tháng 8-2018 đến nay, toàn tỉnh có gần 2.000 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá. Dịch bệnh này diễn ra tại các huyện có diện tích mì khá lớn như Đồng Phú, Hớn Quản, Chơn Thành và đang có dấu hiệu lan nhanh. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất và chế biến mì. Hàng vạn hộ trồng mì trong cả nước đang đối mặt nguy cơ trắng tay, nợ nần chồng chất vì mùa màng thất bát do dịch bệnh gây ra.

Tại diễn đàn, nhiều giải pháp của cơ quan chức năng đưa ra như xây dựng quy trình xử lý bệnh, quy hoạch lại vùng sản xuất giống sạch, không sử dụng hom giống ở vùng có bệnh... Thế nhưng, vấn đề hiện tại là nước ta chưa có những nghiên cứu chuyên sâu và cũng chưa có thuốc đặc trị bệnh khảm lá trên cây mì nên phòng ngừa là chính. Để phòng ngừa bệnh khảm lá mì hữu hiệu, người trồng cần lựa chọn giống tốt, kháng bệnh, có nguồn gốc rõ ràng hoặc thực hiện luân canh cây trồng trên vùng đất đã bị nhiễm bệnh bằng các loại cây ngắn ngày. Người dân cần tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, bẫy thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt bọ phấn trắng và ấu trùng nhằm hạn chế sự lan truyền của bệnh. Cần tuân thủ các quy định của Cục Bảo vệ thực vật về khoanh vùng, tổ chức tiêu hủy nguồn bệnh để tránh lây lan và ngăn chặn bệnh bùng phát thành dịch. Bởi khi bệnh đã phát triển thành dịch sẽ để lại hậu quả rất nặng nề không chỉ với người trồng mà còn liên quan tới các hoạt động kinh doanh, chế biến mì cũng bị tác động theo.

Tấn Phong

  • Từ khóa
108985

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu